Dân số tăng nhanh: Áp lực lao động - việc làm

(Baohatinh.vn) - Dân số tăng nhanh làm dồi dào thêm nguồn nhân lực, song lại đặt ra hàng loạt vấn đề: từ bảo đảm y tế, giáo dục, đào tạo nghề đến giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Dân số tăng nhanh sẽ ảnh hưởng đến sự biến thiên của quy mô, chất lượng và cơ cấu nguồn lao động, gây áp lực lớn lên vấn đề lao động - việc làm.

“Xuất thô” lao động

Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có 36.000 lao động đang làm việc tại 54 quốc gia, trong đó có khoảng 16.000 người đang cư trú, làm việc không hợp pháp ở các nước; lao động phổ thông chiếm đa số. Họ làm các công việc yêu cầu sức khỏe như: xây dựng, may mặc, giúp việc gia đình... Vì chủ yếu là tuyển lao động phổ thông nên có những người đã tốt nghiệp trường nghề, thậm chí đại học, muốn đi lao động nước ngoài cũng tham gia vào nhóm này. Hiển nhiên, làm lao động phổ thông, người lao động hưởng lương thấp, ít được coi trọng và khi kết thúc hợp đồng, họ không tiếp thu được những tiến bộ của thế giới trong môi trường đã làm việc.

Dân số tăng nhanh: Áp lực lao động - việc làm ảnh 1

Số lao động ngoài nước qua đào tạo của Hà Tĩnh mới chỉ đạt khoảng 18%, riêng đào tạo nghề 10%.

Một thực tế hiện nay, khi tuyển lao động đi nước ngoài, các cơ sở giới thiệu việc làm chỉ dạy tiếng, chứ chưa chú trọng giáo dục kỹ năng cho người lao động. Lao động đi làm việc ở các nước theo con đường hợp pháp hay bất hợp pháp đều không được đào tạo bài bản, nhất là giáo dục về văn hóa của nước sở tại. Bởi vậy, tình trạng lao động Việt Nam làm việc vô kỷ luật, vô văn hóa, vi phạm pháp luật nước sở tại, đặc biệt là bỏ trốn khỏi nơi làm việc, làm “chui” vẫn tiếp diễn.

Thiết nghĩ, cùng với đào tạo nghề và ngoại ngữ, các trung tâm cần chú trọng đào tạo những kiến thức cơ bản về văn hóa, nhất là về phong tục tập quán, tác phong lao động… ở đất nước họ sẽ đến làm việc để tránh những xung đột có thể xảy ra, đặc biệt là tránh những hậu quả làm ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng.

Áp lực từ gia tăng dân số

Theo thống kê, số lượng lao động ngoài nước qua đào tạo của Hà Tĩnh thời gian qua mới chỉ khoảng 18%, trong đó, riêng đào tạo nghề trên dưới 10%. Đây là con số rất khiêm tốn phản ánh tình trạng “xuất thô” nguồn lao động. Để xảy ra tình trạng này là do chưa giải quyết được bài toán đào tạo nguồn nhân lực. Nhưng nguyên nhân sâu xa khiến cho tình trạng nguồn lao động xuất khẩu dưới dạng tài nguyên thô là áp lực từ việc gia tăng dân số. Dưới góc độ này, dân số gia tăng kéo theo nguồn lao động tăng lên dồi dào, nhu cầu việc làm cũng theo đó tăng lên nhưng việc đáp ứng lại không kịp thời, dẫn đến tình trạng thiếu việc làm trầm trọng. Khi dân số tăng nhanh, nguồn lao động bổ sung ngày càng lớn, trong khi một lượng lao động hiện thời vẫn chưa có việc làm. Bên cạnh đó, gia tăng dân số quá nhanh còn khiến chất lượng nguồn lao động giảm sút khi tỷ lệ lao động có tay nghề, lao động qua đào tạo còn thấp.

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, vào năm 2010, số người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) ở Việt Nam chiếm hơn 60%. Dự kiến, trong giai đoạn 2011-2020, lực lượng lao động Việt Nam tăng 1%/năm. Theo đó, ước lượng dân số trong độ tuổi lao động ở Việt Nam sẽ tương ứng 47,82 triệu người (2011); 50,4 triệu người (2015) và 53,15 triệu người (2020). Lực lượng lao động tăng nhanh tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhưng cũng gây áp lực không nhỏ đến vấn đề lao động - việc làm, an sinh xã hội. “Năm trước, hàng ngàn sinh viên ra trường, lao động đến độ tuổi chưa tìm được việc làm thì năm sau lại có thêm lứa mới. Đội quân thất nghiệp ngày một đông, kéo theo đó là các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng” - một cán bộ Sở LĐ-TB&XH chia sẻ.

Bàn về sức ép lao động - việc làm từ sự gia tăng dân số, ông Nguyễn Huy Tú - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh nhận định: “Gia tăng dân số quá nhanh sẽ gây sức ép lên chất lượng cuộc sống, đặc biệt là gây áp lực lên vấn đề lao động - việc làm. Để tháo gỡ vấn đề này, bên cạnh việc chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì ngay từ bây giờ, chúng ta cần có giải pháp chiến lược nhằm kìm hãm sự gia tăng dân số quá nhanh và đầu tư nâng cao chất lượng dân số để nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập”.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast