Đào tạo nghề theo địa chỉ - hướng đi chiến lược tại Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp (DN) trong đào tạo để từ đó giải quyết việc làm cho sinh viên khi ra trường đang trở thành một hướng đi chiến lược, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác dạy nghề và giải quyết việc làm ở các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh ta.

“Chiến lược” giải quyết việc làm

Những năm gần đây, KT-XH tỉnh nhà có bước phát triển vượt bậc, đặc biệt, KKT Vũng Áng đã trở thành khu kinh tế động lực thu hút nhiều DN trong và ngoài nước đầu tư các công trình, dự án. Điều này khiến nhu cầu về nguồn lao động trên địa bàn tăng cao. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với tình hình kinh doanh, ngành nghề hoạt động của DN, góp phần giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường.

Là một trong những cơ sở dạy nghề trọng điểm của tỉnh, Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức là đơn vị tiên phong trong việc liên kết, đào tạo nghề theo địa chỉ, đơn đặt hàng của DN, nhà đầu tư. Hướng đi này đã mang lại hiệu quả rõ nét. Thầy Nguyễn Duy Vinh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những năm qua, việc liên kết đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên luôn được nhà trường đẩy mạnh, coi đây là hướng đi để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo. Bên cạnh việc phối hợp, liên kết đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu (số lượng, thời gian, ngành nghề...), nhà trường còn giúp đào tạo nâng cao nguồn nhân lực hiện có của DN. Đặc biệt, sau mỗi khóa tốt nghiệp, nhà trường tổ chức cho DN trực tiếp tuyển dụng tại trường.

Đào tạo nghề theo địa chỉ - hướng đi chiến lược tại Hà Tĩnh ảnh 1

Giờ thực hành lớp hàn ở Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức. Ảnh: Nam Giang

Năm học vừa qua, Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức đã liên kết với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (FHS) để đào tạo 3 lớp cơ khí, điện; 1 lớp cơ khí chế tạo nâng cao 3 tháng với hơn 80 học viên được đào tạo bài bản, khi ra trường có việc làm ổn định.

Ngoài ra, FHS còn trực tiếp tổ chức tuyển dụng học viên tại trường sau mỗi khóa tốt nghiệp. Đến nay, đã có hơn 350 sinh viên, học viên của trường được nhận vào làm việc tại Formosa Hà Tĩnh. Em Hồ Thế Ngọc - một trong những học viên được tuyển dụng vào Formosa Hà Tĩnh phấn khởi: “Hiện nay, sinh viên ra trường tìm việc làm rất khó khăn. May mắn là nhờ trường liên kết với công ty để tuyển dụng nên em mới có cơ hội có việc làm và thu nhập ổn định”.

Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh cũng là cơ sở thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề theo hướng liên kết. Theo thầy Nguyễn Trọng Tấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường, cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, thời gian qua, nhà trường luôn quan tâm đến việc giải quyết việc làm cho học viên. Trường tích cực phối hợp với trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực KKT Vũng Áng, khảo sát nhu cầu sử dụng lao động kỹ thuật của DN để đào tạo theo đơn đặt hàng. Đến nay, trường đã đào tạo nghề lái xe nâng, xe tải cho 93 học viên để làm việc tại Formosa; liên kết và giới thiệu hơn 400 em vào thực tập tại KKT Vũng Áng, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, để các em làm quen với công việc, từ đó, giúp các em có cơ hội được tuyển dụng sau khi ra trường”.

Động lực nâng cao chất lượng đào tạo

Đào tạo nghề theo địa chỉ không chỉ góp phần giải quyết việc làm mà còn là động lực để thúc đẩy các trường không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.

Ông Trần Văn Hiển - Trưởng phòng Quản lý - Đào tạo nghề (Sở LĐ-TB&XH) khẳng định: Đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ đang là hướng đi mang tính chiến lược của tỉnh. Bởi khi liên kết đào tạo, DN sẽ cùng với các trường bổ sung, điều chỉnh nội dung chương trình và phương pháp đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn công việc. Nếu như trường đáp ứng được các yêu cầu của DN thì sẽ tạo được nguồn lao động lành nghề, có chất lượng, khi ra trường, các lao động sẽ được DN nhận vào làm việc với thu nhập ổn định. Điều này vừa tạo được niềm tin cho DN và người lao động, vừa nâng cao được uy tín, thương hiệu cho nhà trường.

Đào tạo nghề theo địa chỉ - hướng đi chiến lược tại Hà Tĩnh ảnh 2

Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Hà Tĩnh tiếp tục gắn việc nâng cao chất lượng đào tạo với giải quyết việc làm

Mặt khác, khi liên kết đào tạo với DN, học viên sẽ được hỗ trợ các chi phí học tập, nhà trường được DN hỗ trợ các chi phí liên quan đến nguyên vật liệu để thực hành, thậm chí là đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ để nâng cao chất lượng đào tạo. Đây là một cái lợi lớn trong việc liên kết đào tạo.

Điều đáng tiếc hiện nay là hình thức liên kết, đào tạo theo địa chỉ, đơn đặt hàng vẫn chưa thể vươn tới và phát huy hiệu quả tại các cơ sở đào tạo nghề ở khu vực nông thôn. Thế nên, làm sao để hướng đi chiến lược này được góp phần lớn trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn vẫn là câu hỏi cần sớm được giải đáp…

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast