Đào tạo nghề theo nhu cầu và đặt hàng của DN: Cần sự phối hợp từ hai phía!

(Baohatinh.vn) - Từ thực tiễn khách quan, nhà trường và doanh nghiệp đến với nhau như một nhu cầu tự nhiên, tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Nhà trường đào tạo có hiệu quả, chất lượng cao được đánh giá bằng thước đo là tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần đến nhà trường để có được đội ngũ kỹ thuật phù hợp đáp ứng yêu cầu đổi mới sản xuất, phát triển và hội nhập. Để giải quyết tốt mối quan hệ “cung - cầu” này cần có quyết tâm rất cao từ hai phía.

Dạy nghề theo đơn “đặt hàng”

Dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp (DN) trong những năm qua đã đạt được những kết quả bước đầu. Các cơ sở đào tạo bên cạnh dạy nghề cho học sinh và người lao động chưa có nghề thì trực tiếp ký kết hợp đồng thực hiện đào tạo nghề cho lao động mới tuyển, bổ túc, đào tạo nâng cao, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và kỹ năng nghề cho người lao động để phù hợp với sự thay đổi sản phẩm và công nghệ của DN.

Đào tạo nghề theo nhu cầu và đặt hàng của DN: Cần sự phối hợp từ hai phía! ảnh 1

Giảng viên Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Hà Tĩnh hướng dẫn sinh viên thực hành sửa chữa ô tô.

Trong những năm 2013, 2014, các trường: Cao đẳng Nghề Việt - Đức, Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ, Trung cấp Nghề Hà Tĩnh, Trung cấp Nghề Kỹ nghệ… đã đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo, ký kết hợp đồng dạy nghề cho trên 1.000 lao động của hàng chục DN trong và ngoài tỉnh. Đa số lao động đào tạo theo nhu cầu DN được tuyển dụng, bố trí việc làm và có thu nhập ổn định.

Một số cơ sở dạy nghề và DN đã thực hiện đào tạo nghề tại chỗ khá tốt, không những đáp ứng nhu cầu về lao động kỹ thuật phù hợp với cơ cấu trình độ, ngành nghề, trình độ công nghệ mà còn tận dụng được đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm đang trực tiếp tham gia sản xuất, chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng và tay nghề cho đội ngũ lao động, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác đào tạo nghề.

Chưa sát với thực tiễn

Hiện nay, toàn tỉnh có 28 cơ sở dạy nghề với quy mô đào tạo mỗi năm 25.000 người nhưng vấn đề giải quyết việc làm vẫn luôn là bài toán khó. Đã có nhiều chương trình đào tạo nghề gắn với việc làm nhưng đến nay vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn. KKT Vũng Áng và một số khu công nghiệp trên địa bàn được xây dựng và đi vào hoạt động đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, nghịch lý là lao động cần việc đang rất nhiều, nhu cầu của doanh nghiệp cũng lớn, vậy nhưng, chỉ giải quyết được một phần lao động. Một bộ phận lớn học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, thậm chí, đại học khó tìm việc ở các cơ quan, đơn vị và DN.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, việc đào tạo nghề hiện nay chủ yếu theo thị hiếu, nhu cầu của người lao động chứ chưa theo nhu cầu của DN. Các nghề như kế toán, văn thư… được đào tạo rất nhiều, nhưng nhu cầu tuyển dụng rất ít và DN lại cần những người đã có kinh nghiệm, ít khi sử dụng người mới ra trường. Trong khi đó, ngành may mặc, chế biến, điện tử, cơ khí… lại cần rất nhiều lao động nhưng chưa được chú trọng đào tạo.

“Hiện nay, các HTX nông nghiệp trên địa bàn rất cần lao động chuyên về lĩnh vực nông nghiệp cũng như quản lý DN, HTX. Nhưng đa số lao động nông nghiệp đều dừng lại ở mức phổ thông, tức là những kiến thức phổ biến, chứ chưa chuyên sâu, rất khó để phát triển. Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ trẻ cũng rất ít khi về làm việc cho HTX do mức thù lao chưa tương xứng…”, ông Nguyễn Trọng Quế - Chủ tịch Liên minh HTX nói.

Từ thực tiễn khách quan, nhà trường và DN đến với nhau như một nhu cầu tự nhiên, tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Để giải quyết tốt mối quan hệ “cung - cầu” này cần phải có quyết tâm cao từ hai phía. Nhà trường và DN cần có chiến lược phát triển rõ ràng. Nếu DN không có chiến lược nhân sự cụ thể thì trường khó nắm bắt được yêu cầu của từng vị trí công việc và không dự báo được số lượng nhân sự cho các giai đoạn. Tương tự, nhà trường không có chiến lược phát triển thì DN cũng không thể biết được ngành nghề, năng lực đào tạo để đặt hàng. Như vậy, cả hai bên cần phải có chiến lược phát triển rõ ràng và sẽ rất hiệu quả nếu các bên thông tin cho nhau trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển.

Ông Phạm Trần Đệ - Phó Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh: “Ngoài trình độ chuyên môn, lao động cần có ngoại ngữ và kỹ năng mềm”

KKT Vũng Áng hiện đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến triển khai dự án với yêu cầu tuyển dụng lao động đa dạng ngành nghề, trình độ. Ngoài trình độ chuyên môn, các DN đều yêu cầu hoặc ưu tiên người lao động biết ngoại ngữ và có kỹ năng mềm. Vì vậy, để đáp ứng được những yêu cầu cao trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, khoa học, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải trang bị cho người lao động kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ và tinh thần, thái độ cầu thị, hợp tác cao.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Minh Ất - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt Đức: “Tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của DN”

Các DN cần cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết về nhu cầu nhân lực, kế hoạch tuyển dụng và có đơn “đặt hàng” đến cơ sở đào tạo. Cần xây dựng cơ chế tham gia hỗ trợ, đóng góp kinh phí đào tạo từ phía các DN hoặc hỗ trợ trang thiết bị học nghề cho các cơ sở đào tạo, coi đây là nghĩa vụ bắt buộc đối với các tập đoàn, DN. Vì từ trước tới nay, các DN đang hưởng lợi (một cách tự nhiên, sẵn có) “sản phẩm” từ các cơ sở đào tạo.

Ông Trần Quang Thưởng - Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Vũng Áng: “Tăng thời lượng thực hành, giúp sinh viên có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với thực tế”

Thực tế, việc sử dụng lao động đối với Công ty CP Đầu tư phát triển Vũng Áng trong thời gian qua cho thấy, hơn 60% học sinh, sinh viên mới ra trường vào làm việc tại DN đều phải đào tạo lại. Vì vậy, chương trình đào tạo phải tăng thời lượng thực hành, giúp sinh viên có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với thực tế. Vấn đề này đòi hỏi nhà trường phải có mối liên hệ chặt chẽ với DN; cần có sự hỗ trợ và tham gia của DN vào quá trình đào tạo. Có như thế “sản phẩm” mới đáp ứng kịp thời, chính xác yêu cầu của DN.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast