Đào tạo nghề trong trường học - giải quyết thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ”

(Baohatinh.vn) - Ngày nay, xã hội đang cần một lực lượng lao động có tay nghề cao, đáp ứng tốt yêu cầu công việc trong khi rất nhiều cử nhân sau khi tốt nghiệp đại học lại gặp cảnh thất nghiệp. Do vậy, mô hình đào tạo trung cấp nghề trong trường phổ thông mở ra một hướng mới giải quyết thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Trên thực tế, hầu hết học sinh (HS) THCS sau khi tốt nghiệp đều có nguyện vọng học tiếp THPT và hướng đến mục tiêu vào đại học. Trong đó, không ít người quan niệm rằng, đại học chính là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp dẫn đến không ít định hướng thiếu thực tế, lãng phí nhiều nguồn lực. Để từng bước định hướng nghề cho các em, nhiều trường THPT ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn triển khai thí điểm mô hình đào tạo trung cấp nghề.

Đến nay, đã có trên 10 trường THPT thí điểm mô hình đào tạo mới với hơn 1.000 HS theo học các nghề đang có nhu cầu lao động cao như: công nghệ ô tô, điện công nghiệp, hàn công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, may công nghiệp, hướng dẫn du lịch, công nghệ thông tin… Bước đầu, HS khá hào hứng trong học tập và có ý thức rèn nghề tốt.

Đào tạo nghề trong trường học - giải quyết thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ” ảnh 1

Em Nguyễn Đình Kinh (người đứng giữa), lớp 11A2 - Trường THPT Lê Hồng Phong rất phấn khởi khi được tham gia lớp trung cấp hàn công nghệ cao cấp. Ảnh: T.C

Trao đổi với chúng tôi, thầy Lê Hữu Thành - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong (Đức Thọ) cho biết. Từ đầu năm học 2015-2016, Trường THPT Lê Hồng Phong đã liên kết với Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Miền Trung tổ chức các lớp đào tạo nghề hàn công nghệ cao, vận hành máy thi công, vận hành cần cẩu trục cho 143 HS. Đặc biệt, HS tham gia học nghề không phải đóng khoản học phí nào, được các giáo viên từ Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Miền Trung trực tiếp giảng dạy.

Giai đoạn thực hành, nhà trường sẽ đưa các thiết bị về để HS tiếp xúc, học tập từ thực tế, hoặc tạo điều kiện để các em đến thực hành tại đơn vị liên kết. Sau khi tốt nghiệp THPT, các em chỉ mất khoảng 6 tháng thực hành và hoàn thiện các kỹ năng là được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp. Đồng thời, nếu quá trình thực hành tốt, những em có năng lực chuyên môn đạt yêu cầu sẽ được nhận vào làm việc tại các đơn vị liên kết với nhà trường, hoặc xuất khẩu lao động. Thầy Thành cũng cho biết thêm, thời gian tới, nhà trường tiếp tục phối hợp Trường Cao đẳng VH-TT&DL Nguyễn Du đào tạo nghiệp vụ nhà hàng.

Em Nguyễn Đình Kinh (lớp 11A2 Trường THPT Lê Hồng Phong) chia sẻ, xác định tương lai cần có một tấm bằng nghề chuyên nghiệp, có trình độ lao động ở mức cao nên em tham gia lớp học nghề và được gia đình hết sức ủng hộ. Dù chỉ mới bước đầu nhưng các buổi học khá lý thú và bổ ích, em và các bạn rất háo hức và mong muốn được cung cấp các kỹ năng cần thiết để phục vụ cho công việc sau này.

Tuy nhiên, đây là hình thức đào tạo mới, chưa nhiều HS và các bậc phụ huynh nắm bắt được thông tin. Để vừa đảm bảo kiến thức văn hóa, vừa thành thạo các kỹ năng nghề. Bên cạnh đó, các trường phổ thông tiên phong trong việc đào tạo “2 trong 1” này phần lớn là các trường tư thục, nguồn lực chủ yếu dựa vào nhà đầu tư nên cơ sở vật chất sẽ phụ thuộc. Các cấp chính quyền cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, tạo điều kiện tốt hơn cho HS nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast