Dạy nghề cho lao động nông thôn còn nhiều bất cập

(Baohatinh.vn) - Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020 (Đề án 1956), từ năm 2010 đến nay, Hà Tĩnh đã tổ chức 686 lớp dạy nghề cho 21.065 học viên. Bước đầu, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án 1956 cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế khiến cho đề án “vàng” không đạt được giá trị nguyên nghĩa.

Mặc dù Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành từ ngày 27/11/2009 nhưng hơn 3 năm sau (12/12/2012), các bộ liên quan mới ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành nên các địa phương, đơn vị rất lúng túng, bị động trong quá trình triển khai thực hiện. Đến nay, công tác quản lý nhà nước về dạy nghề cho LĐNT ở một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh ta còn lỏng lẻo. Đặc biệt, ở cấp huyện, vai trò quản lý hết sức mờ nhạt do thiếu các văn bản quy định, cán bộ phụ trách không nắm rõ chức trách, nhiệm vụ của mình, không nắm vững nội dung Đề án 1956 và văn bản hướng dẫn của các cấp nên không chủ động tham mưu và thực hiện chức năng quản lý...

Nghề mây tre đan ở xã Tân Lộc (Lộc Hà)
Nghề mây tre đan ở xã Tân Lộc (Lộc Hà)

Đề án 1956 khẳng định: “Đào tạo nghề cho LĐNT là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, ngành và xã hội…”. Tuy vậy, sau hơn 3 năm triển khai, sự chuyển biến về nhận thức và hành động của CBCC và nhân dân trên địa bàn còn chậm. Qua gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều hộ dân ở TP Hà Tĩnh, Nghi Xuân, Can Lộc, Hương Sơn, Kỳ Anh… cho thấy, chỉ những đối tượng được các cơ sở đào tạo nghề hoặc các tổ chức, đoàn thể đến tận nhà tư vấn, vận động đi học nghề là nắm được một số nội dung liên quan đến quyền lợi của mình khi tham gia Đề án 1956. Còn lại, hầu hết LĐNT đều không nắm bắt được các nội dung chủ trương, chính sách của đề án.

Bên cạnh đó, hoạt động điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của LĐNT vừa là khâu yếu, vừa là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện đề án. Trên thực tế, số liệu điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu của chính quyền cơ sở hàng năm chưa chính xác, chưa phù hợp với cơ cấu lao động theo quy hoạch KT-XH, quy hoạch sản phẩm chủ lực của địa phương. Nhiều nơi, thực hiện công tác đào tạo nghề đang nhằm mục tiêu hướng tới tỷ lệ lao động đã qua đào tạo theo tiêu chí xây dựng NTM; chưa chú trọng đến chất lượng và hiệu quả sau đào tạo đối với thu nhập của người dân và sự phát triển kinh tế của địa phương.

Điều đáng nói nữa là, mặc dù các địa phương cấp xã đã lập kế hoạch nhu cầu học nghề, nhưng báo cáo này không được các cơ quan chức năng sử dụng để làm căn cứ phân bổ chỉ tiêu, ra thông báo mở lớp. Trong khi đó, các cơ sở dạy nghề phải trực tiếp về các địa phương tuyển sinh theo các ngành nghề đã được phê duyệt dẫn đến các ngành nghề được đào tạo nhiều khi không sát với nhu cầu thực tiễn, gây khó khăn trong quá trình tìm việc làm của người lao động.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của Đề án 1956 trên địa bàn Hà Tĩnh là việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở dạy nghề công lập chưa phát huy đúng tác dụng, hiệu quả và có biểu hiện lãng phí. Qua kiểm tra tại các cơ sở đào tạo nghề công lập cho thấy, thời gian qua, các đơn vị đang tập trung đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy các nghề phi nông nghiệp, chưa chú trọng đầu tư, mua sắm trang thiết bị dạy các nghề nông nghiệp. Trong khi đó, kết quả đào tạo các nhóm nghề nông nghiệp trong hơn 3 năm qua chiếm gần 60% trong tổng số lao động đã được đào tạo. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng một số đơn vị không có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn mở lớp dạy nghề nông nghiệp, trong khi đó có đơn vị thuộc ngành NN&PTNT, chiếm ưu thế về nhân lực và trình độ, nhưng hơn 3 năm tham gia đề án, chỉ mở được 3 lớp thuộc nhóm nghề nông nghiệp.

Công tác phát triển đội ngũ giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý cũng có nhiều điều đáng nói. Mặc dù số lượng giáo viên cơ hữu tại các cơ sở dạy nghề được tăng cường khá đông nhưng trên thực tế, việc dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT lại đang do phần lớn đội ngũ giáo viên thỉnh giảng công tác tại các đơn vị chuyên môn đảm nhiệm. Đặc biệt, một số cơ sở đào tạo chỉ đóng vai trò là cơ sở cung ứng dịch vụ dạy nghề, chưa thực sự vào cuộc, chưa phân công giáo viên trực tiếp về tận nông thôn để dạy nghề cho nông dân.

Có thể nói, từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, thì hệ quả tất yếu là kết quả thực hiện một số mục tiêu trong Đề án 1956 chưa đạt được như mong muốn. Tuy chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng qua khảo sát tại một số địa phương trong tỉnh cho thấy, số người có việc làm ổn định sau khi tham gia học nghề đạt tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân là do chất lượng đào tạo chưa đảm bảo để người dân thành nghề, rất nhiều người học xong không chuyển đổi được nghề, đặc biệt đối với một số nghề nông nghiệp mới du nhập như làm nấm, mây tre đan…

Việc khắc phục những tồn tại, bất cập để công tác dạy nghề cho LĐNT đạt hiệu quả thực chất rất cần được các cấp, ngành và địa phương nhìn nhận một cách nghiêm túc, thấu đáo. Song trước mắt, vấn đề cần nhất lúc này để tránh lãng phí ngân sách của Nhà nước, công sức của nhân dân là khẩn trương rà soát và chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện Đề án 1956 theo hướng quản lý chặt chẽ, đưa hiệu quả đào tạo đi vào thực chất, tránh tình trạng “phấn đấu thi đua hoàn thành kế hoạch cấp trên giao”. Có như vậy, Đề án 1956 mới thực sự mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast