Đề xuất giãn đóng BHXH khi tăng lương tối thiểu

“VCCI đề xuất giãn lộ trình thực hiện mức lương làm căn cứ đóng các chế độ bảo hiểm, công đoàn cho người lao động. Cụ thể, tiền lương và các khoản phụ cấp từ 3 năm lên 4 năm hoặc 5 năm, tùy thuộc vào điều kiện thực tế của doanh nghiệp”.

Mức đề xuất tăng lương tối thiểu 2016 là 12,4%

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại VN (VCCI) trao đổi với PV Dân trí về Dự thảo nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng 2016 do Bộ LĐ-TB&XH đang triển khai lấy ý kiến trong dư luận xã hội.

“VCCI nhất trí với nội dung dự thảo Nghị định, dựa trên căn cứ vào kết quả vừa được Hội đồng Tiền lương quốc gia thông qua ngày 3/9. Tuy nhiên, doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp vẫn kiến nghị về mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 thêm 12,4% là quá cao” - ông Hoàng Quang Phòng cho biết.

Ông Hoàng Quang Phòng lý giải: “Bắt đầu từ 1/1/2016, doanh nghiệp phải đóng các khoản chi phí cho người lao động tăng thêm 35% - 40% so với năm 2015. Vì từ 1/1/2016, mức lương làm căn cứ đóng BHXH và kinh phí công đoàn cho người lao động không chỉ tiền lương mà có thể các khoản phụ cấp”.

Trước đây, căn cứ đóng BHXH chỉ gồm tiền lương ghi trong hợp đồng lao động. Việc bổ sung thêm căn cứ đóng BHXH là bước đầu trong lộ trình điều chỉnh đóng BHXH theo quy định pháp luật. Tới năm 2018, mức đóng BHXH sẽ bao gồm cả tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ phải đóng thêm các chi phí liên quan tới lao động nữ, chính sách về an toàn vệ sinh lao động từ năm 2016.

VCCI cảnh báo, mức điều chỉnh đưa ra không hợp lý có thể làm số doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Hoàng Quang Phòng đề xuất, trường hợp Chính phủ quyết định mức tăng lương theo đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia họp hôm 3/9, thì cần giãn lộ trình đóng BHXH cho doanh nghiệp theo hướng giữ mức đóng BHXH theo quy định cũ.

Để để tránh xảy ra tranh chấp lao động và đình công liên quan tới tăng lương, VCCI đề xuất: Dự thảo nghị định cần nêu rõ: “Nếu mức lương thực tế lớn hơn mức lương tối thiểu vùng thì mức tăng tùy vào doanh nghiệp và điều kiện kinh tế địa bàn nơi doanh nghiệp đang hoạt động, để quyết định mức tăng phù hợp”.

Trước đó, Hiệp Hội dệt may VN cũng đề xuất giữ mức đóng BHXH cũ. Lý giải điều này, Hiệp hội cho biết: Lương tối thiểu vùng từ năm 2010 tới nay đã tăng 2,95 - 3,16 lần (doanh nghiệp trong nước) và 2,15 - 2,3 lần (đối với doanh nghiệp FDI).

Đồng thời, tỉ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động đã tăng từ 18 % lên 22% trong giai đoạn giai đoạn 2010 - 2014, người lao động đóng trong thời gian tương ứng tăng từ 7% lên 10%.

Trao đổi với báo chí trước đó, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia - thừa nhận: Với việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, doanh nghiệp sẽ gặp thêm nhiều khó khăn vì phải điều chỉnh mức đóng các chế độ cho người lao động theo Luật BHXH năm 2014.

Theo Dân trí

Chủ đề Bảo hiểm xã hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast