Đời phu đá

(Baohatinh.vn) - Dưới cái nắng như đổ lửa, nhiều người dân 2 xã Thạch Đỉnh, Thạch Bàn (Thạch Hà) vẫn bươn mình trên những mỏm đá, đục đẽo mưu sinh, bất chấp hiểm nguy rình rập.

Những mối hiểm nguy

Ngay từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã nghe tiếng ồn ã phát ra từ những bãi đá thuộc khu vực núi Mốc (2 xã Thạch Đỉnh và Thạch Bàn). Lần theo âm thanh, chúng tôi được chứng kiến cảnh những người đàn ông đang vắt mình trên sườn núi hì hục đục đá. Những âm thanh khô khốc, chát chúa phát ra từ tiếng búa tạ, từ mũi khoan chọi khoét vào lòng đá khiến chúng tôi không khỏi giật mình. Dẫu biết sinh tử chỉ trong gang tấc nhưng vì cơm áo, nhiều người dân nơi đây vẫn liều lĩnh “bán thân” cho nghề.

“Mót” đá mưu sinh.
“Mót” đá mưu sinh.

Dãy núi Mốc sừng sững một thời, nay đã chằng chịt, nham nhở những hố sâu do các công ty khai thác đá để lại. Mặc dù công ty đã bị đóng cửa từ lâu nhưng ngọn núi này vẫn là nơi kiếm kế sinh nhai của hàng chục người dân 2 xã Thạch Bàn, Thạch Đỉnh.

Anh Nguyễn Tuấn Luật (xóm 2, xã Thạch Đỉnh) cho biết: “Không làm nghề này thì chúng tôi cũng không biết làm gì. Ruộng thì không có nước nên chỉ làm được 1 mùa, vì vậy, đành phải ra bãi đá này để kiếm sống”. Cứ 3 ngày, những người thợ như anh Luật đục được 1 xe đá khoảng 3 khối bán với giá 500 ngàn đồng. Tính trung bình mỗi ngày “bán thân” tại núi Mốc, những người “mót” đá nơi đây cũng kiếm được 120-150 ngàn đồng.

Mặc dù hiểm nguy luôn rình rập nhưng nghề này lại kiếm tiền khá dễ. Chỉ cần sức khỏe, có vài kinh nghiệm là có thể xách búa, đục ra bãi đá mưu sinh. Điều khiến chúng tôi hoang mang nhất là dù lao động trên những triền núi, hàng ngày đối mặt với “tử thần” nhưng hầu như ai cũng tay trần, chân đất. Những bàn tay vì thế sần sùi, đầy sẹo. Đây là vết dấu của những lần gõ búa nhầm tay hoặc bị đá cắt. Anh Phạm Báu (xóm 3, Thạch Đỉnh) cho biết: “Đi làm thủ công lấy đâu ra đồ bảo hộ. Nếu người nào cẩn thận thì mua đôi tất tay, còn không thì thôi. Làm lâu quen rồi. Chuyện bị trầy xước tay chân, máu chảy là bình thường, ngày nào cũng có”.

Những người có thâm niên làm phu đá cho biết, ngoài những tai nạn trực tiếp trong quá trình lao động thì về lâu dài, di chứng để lại là còng lưng, “nặng tai”, kèm theo chứng chóng mặt, đau đầu vì phải lúi húi suốt ngày với những khối đá rắn chắc trên những triền núi. Cùng với đó là các căn bệnh về đường hô hấp do phải ngâm mình trong bụi đá.

“Bóng hồng” trên mỏ đá

Tại địa bàn chúng tôi đến, bên cạnh đàn ông, trai tráng còn có rất nhiều chị em cũng liều mình tìm đến những bãi đá đã bị ngừng khai thác để kiếm cơm. Vừa bước vào công trường khai thác đá thủ công, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng những tốp phụ nữ đang ghé vai cùng nhau chuyền từng tảng đá nặng trịch đưa lên xe. Hầu hết họ đang ở độ tuổi 30–45, chia thành nhiều tốp nhỏ 5-10 người. Bình quân mỗi xe đá được chủ xe trả chung cho các chị 60 ngàn đồng. Nếu 1 ngày có nhiều xe đến mua đá thì các chị cũng kiếm được 70-100 ngàn đồng/người.

Chực chờ xe để bốc đá
Chực chờ xe để bốc đá

Việc dầm mình trong mưa, phơi mình giữa nắng thường xuyên khiến khuôn mặt các chị hốc hác, đen rám, già trước tuổi. Ngồi tránh nắng dưới vách đá trong lúc chưa có xe, chị Nguyễn Thị Hường (xóm 5, xã Thạch Bàn) cho biết: “Làm nghề bốc đá này nhọc lắm. Khi chủ xe yêu cầu lấy đá nhỏ thì còn đỡ, nhưng nếu lấy đá to thì rất vất vả. Nhiều bữa vác đến nỗi áo bị rách, vai chảy máu chú à”. Không chỉ oặn mình vác đá mà ngày ngày, các chị phải hít khói bụi, đã có không ít người mắc các chứng bệnh về hô hấp.

Rời khỏi núi Mốc, chúng tôi thầm nghĩ, không biết mỏm đá này sẽ nuôi sống được những người dân nơi đây đến bao giờ khi hiểm họa luôn rình rập. Và cũng không biết đến bao giờ những nơi như núi Mốc sẽ vắng bóng những phận người cần lao, không còn những tiếng đục đá chua chát, tiếng khoan chọi khét…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast