Đưa nghề mới đến các vùng nông thôn

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên minh HTX Hà Tĩnh nhằm thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tập thể, góp phần xoá đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn. Từ cầu nối Liên minh HTX, nhiều nghề mới đã sinh sôi, bén rễ ở những vùng quê thuần nông, giúp người dân GQVL, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Về các xã nằm trong vùng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê ở thời điểm này sẽ được chứng kiến không khí sản xuất hào hứng, đầy khí thế của người dân với nghề trồng nấm vừa được nhen nhóm và từng bước nhân rộng trong năm 2009. Đây là một nghề mới được Liên minh HTX kết hợp với Ban GPMB-TĐC Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê tổ chức đào tạo cho bà con nhằm tìm hướng chuyển đổi nghề phù hợp khi diện tích đất sản xuất bị thu hẹp.

HTX mây tre đan Thành Lợi (Lộc Hà) đào tạo nghề tại chỗ cho xã viên.
HTX mây tre đan Thành Lợi (Lộc Hà) đào tạo nghề tại chỗ cho xã viên.

Cách làm là mời thầy giáo truyền nghề theo phương thức vừa học vừa làm và hỗ trợ cho các hộ dân mua vật tư, nguyên liệu sản xuất, từ điểm khởi động đầu tiên là xóm Thuận Ngãi, xã Thạch Trị (với 60 hộ đầu tiên), đến nay nghề trồng nấm đã thu hút hàng trăm hộ nông dân ở các xã Thạch Lạc, Thạch Bàn, Thạch Đỉnh tham gia, một số nơi đã thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm khá thuận lợi.

Ông Sơn - Chủ nhiệm HTX Sơn Long- Thạch Bàn cho biết, sau khi 4 lớp tập huấn về nghề trồng nấm được tổ chức, có 70 lao động địa phương đã tiếp thu được những kỹ thuật cơ bản và bắt tay vào sản xuất. HTX đã làm 3 tạ rơm và thu hoạch được 1,5 tấn nấm đầu tiên. Đối với vùng quê không có đất sản xuất nông nghiệp, sống bằng nghề muối là chủ yếu thì nhu cầu việc làm ở thời điểm diêm nhàn đặt ra rất cấp thiết. Vì vậy, người dân Thạch Bàn rất phấn khởi khi được tiếp cận nghề mới.

Cũng với nghề trồng nấm, HTX Nam Sơn - thị trấn Nghèn- Can Lộc đang vững vàng vươn lên nhờ lao động, xã viên say sưa với nghề và Ban Quản lý HTX năng động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Chủ nhiệm HTX-Võ Quang Dảnh chia sẻ: “Ước vào sản xuất, điều bà con lo lắng nhất là có bán được sản phẩm hay không. Băn khoăn này đã được HTX tháo gỡ bằng cách chủ động quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho các nhà hàng để tiêu thụ sản phẩm tươi trên thị trường. 65 kg nấm rơm đầu tiên của HTX nhanh chóng được bán và nhiều khách hang đặt vấn đề tiêu thụ thường xuyên .

Bên cạnh nghề trồng nấm mới được đưa về các vùng nông thôn trong năm 2009 thì một số nghề phụ khác như may bóng da, sản xuất mây tre đan xuất khẩu nhiều năm qua đã trở thành nghề xoá đói nghèo cho nhiều địa phương. Xã Tân Lộc (Lộc Hà) với nghề mây tre đan xuất khẩu là một ví dụ. Hơn 3 năm qua, nghề phụ này được du nhập về Tân Lộc với sự nỗ lực, tâm huyết của ông Nguyễn Duy Ngụ- Chủ nhiệm HTX mây tre đan Thành Lợi cùng với sự tiếp sức, ủng hộ của Liên minh HTX, cấp ủy, chính quyền địa phương.

Kết quả bước đầu trong công tác đào tạo nghề của Liên minh HTX trong thời gian qua đã có thể thấy rõ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở trên hành trình đưa nghề mới phát triển bền vững ở các vùng nông thôn. Trước hết, chính các HTX, tổ hợp sản xuất và người lao động chưa có sự chủ động khi được tiếp nhận nghề mới, còn nặng tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, không nhiều đơn vị có được sự quyết tâm và năng động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Hàng chục lớp dạy nghề, nâng cao tay nghề đã được Liên minh HTX phối hợp các đơn vị tổ chức ở Tân Lộc, đào tạo cho HTX một đội ngũ hơn 200 lao động có tay nghề cơ bản, trong đó có 7 thợ bậc cao, có thể đảm nhận các sản phẩm phức tạp, tinh xảo, đáp ứng mọi yêu cầu của nhà sản xuất. Nghề mới không chỉ ăn sâu bén rễ vào cuộc sống của người dân ở vùng quê thuần nông, mang lại nguồn thu nhập thường xuyên cho nhiều gia đình mà đến nay còn được mở rộng quy mô và phát triển thêm những hướng đi mới.

Bên cạnh sản xuất sản phẩm, HTX đã được giao 7 ha đất để trồng mây nếp, về lâu dài không chỉ cung cấp nguyên liệu để đơn vị chủ động sản xuất, giảm giá thành sản phẩm mà còn có thể gây dựng vùng nguyên liệu cho các HTX sản xuất mây tre đan xuất khẩu khác trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa có đủ nhận thức và nhiệt tình để đồng hành, hỗ trợ cho các HTX phát triển nghề mới. Sự nhạy cảm, năng động trong việc nghiên cứu, lựa chọn những nghề phụ phù hợp để đưa về các vùng nông thôn cũng như tìm kiếm, liên kết với các đơn vị, nhà tài trợ để tăng nguồn lực hỗ trợ đào tạo, phát triển nghề phụ của Liên minh HTX chưa được phát huy một cách mạnh mẽ trong thời gian qua. Những khó khăn, tồn tại này đang được các đơn vị, địa phương nhìn nhận, tìm giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ đào tạo nghề của Liên minh HTX trong thời gian tới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast