Đừng chỉ thích làm thầy mà không muốn làm thợ

Đến hẹn lại lên, hiện nay theo thông báo, các trường đại học đã bắt đầu nhận hồ sơ để chuẩn bị cho kỳ thi đại học, cao đẳng (ĐHCĐ) năm 2013. Gần đây, có dịp đến một số trường THPT hoặc các vùng quê, chúng tôi nghe các thầy cô giáo, các em học sinh lớp 12 và các bậc phụ huynh trao đổi nhiều về vấn đề chọn nghề.

Người ta thường bảo: cuộc đời mỗi con người có ý nghĩa hay không chính là ở chỗ bằng lao động của mình đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Nếu bạn chọn được nghề phù hợp năng khiếu, sở trường của mình thì bạn sẽ thành đạt khi vào đời. Song, cái khó là trong biển nghề nghiệp mênh mông ấy, con người làm sao có thể chọn được nghề thật sự phù hợp, có thể gắn bó và theo chân mình suốt cả cuộc đời.

Học viên theo học nghề hàn ở Trường Cao đẳng luyện kim Thái Nguyên - Phân hiệu Hà Tĩnh
Học viên theo học nghề hàn ở Trường Cao đẳng luyện kim Thái Nguyên - Phân hiệu Hà Tĩnh

Theo ông Lê Đức Tiến (Can Lộc), chọn nghề là chuyện đại sự như thế nhưng tiếc rằng hiện nay không ít học sinh chưa nhận thức được điều đó. Trong khi một số bạn có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp, đánh giá đúng khả năng, sức lực của mình thì cũng còn khá nhiều người "đứng núi này trông núi nọ", không biết "liệu cơm mà gắp mắm".

Thực tế các năm qua cho thấy, rất nhiều người đăng ký vào những ngành học, trường học vượt quá năng lực mình, học trung bình (hoặc yếu) lại thi vào trường có điểm chuẩn khá cao. Không ít bạn làm hồ sơ thi 2-3 trường trong khi kiến thức hạn chế (!).

Giờ là thời đại của nền kinh tế tri thức. Chính vì vậy, phần đông những người đã bỏ công đèn sách đều chọn con đường đến với tương lai bằng tri thức. Mùa thi sắp đến, học sinh đua nhau đi thi ĐH,CĐ. Có người vì có chí học hành, nhưng không ít bạn trẻ lại chạy theo "mốt". Nhiều người không có chủ kiến, chỉ đăng ký trường thi, khối thi theo bạn, để có bạn bè, khi vào thi có thể "giúp" nhau được (?!).

Cha ông ta có câu: "Cho con nghìn vàng không bằng cho con một nghề". Vậy nên các bậc cha mẹ phải vất vả để nuôi con học suốt 12 năm trời, cũng chỉ mong con có một nghề để vào đời. Đó là một mong muốn chính đáng và cần trân trọng. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là bậc cha mẹ phải phối hợp chặt chẽ với nhà trường cũng như thầy cô giáo để tư vấn cho con em mình chọn đúng nghề. Vì điều quan trọng, theo nhà giáo Phạm Văn Hòa (Đức Thọ), khi lựa chọn nghề là làm trắc nghiệm đánh giá năng lực bản thân để có cơ sở lựa chọn ngành học phù hợp lại rất ít được học sinh quan tâm: chỉ có 25% học sinh quan tâm đến trắc nghiệm bản thân khi chọn nghề.

Cũng theo thầy Hòa, qua thăm dò thấy trình độ đào tạo nghề mà phần lớn học sinh hướng tới sau khi tốt nghiệp THPT là đại học (91,2%,), chỉ có 6,7% định hướng vào cao đẳng và 2,1% vào trung cấp; điều này bắt nguồn từ tâm lý "thích làm thầy chứ không muốn làm thợ"(!). Qua gặp gỡ, trao đổi với một số cán bộ quản lý các trường THPT trên địa bàn, hầu hết mọi người đều thừa nhận lâu nay, công tác hướng nghiệp có kết quả thấp. Nhận thức của học sinh và phụ huynh về nghề nghiệp mù mờ, hơn 70% học sinh cảm tính khi chọn nghề, trong khi đó, giáo viên cũng chưa coi trọng nhiệm vụ đó.

Theo điều tra mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới, qua khảo sát về chất lượng nguồn nhân lực, Việt nam xếp hạng 53/59 quốc gia và mất cân đối nghiêm trọng. Cụ thể, ở Việt Nam cứ một cán bộ tốt nghiệp đại học có 1,4 cán bộ tốt nghiệp trung cấp và 0,03 công nhân kỹ thuật (tỷ lệ này của thế giới là 1/4/10); 1 vạn dân có 181 sinh viên đại học (con số này của thế giới là 100).

Từ thực tế trên, chúng tôi mong muốn các trường THPT, cần quan tâm đội ngũ giáo viên làm nhiệm vụ tâm lý học đường và nên xây dựng hệ thống thông tin cập nhật liên tục để học sinh tiếp cận về thị trường lao động, ngành nghề và những kỹ năng cơ bản, nhất là khi Khu kinh tế Vũng Áng ở tỉnh ta đang cần rất nhiều lao động kỹ thuật.

Cần định hướng cho học sinh chọn nghề phù hợp với năng lực học tập của mình, tương lai của lớp trẻ đang rộng mở, chứ đâu phải chỉ có ngưỡng cửa của các trường đại học.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast