''Gần 11 triệu dân TP HCM có thể phải sống trong ngập lụt''

Đến năm 2050, nếu kết hợp với bão đổ bộ cùng sự biến đổi khí hậu trái đất, nước biển dâng... 10,8 triệu người dân Sài Gòn sẽ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt.

Kết quả mô hình phỏng đoán của nhóm "Nghiên cứu tác động biến đổi khí hậu và sự thích ứng của TP HCM" đưa ra hôm nay là một sự cảnh báo cho công tác ứng phó của các cơ quan chức năng tại TP HCM.

Dù kịch bản bão đổ bộ cộng với nước biển dâng kết hợp luôn triều cường là khó xảy ra nhưng "nếu ta chuẩn bị sẵn sàng thì đương nhiên không chịu tác động nặng nề", lời của Giám đốc quốc gia phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam Konishi.

TP HCM đối diện với nguy cơ ngập lụt lớn từ việc biến đổi khí hậu. Ảnh: Kiên Cường

Theo kết quả của cuộc nghiên cứu từ tháng 9/2008 này, khoảng 77% diện tích không gian mở còn lại của thành phố sẽ chịu ngập lụt vào năm 2050. Hệ thống kiểm soát lũ lụt dự báo sẽ chẳng làm được gì để bảo vệ những vùng chìm trong nước.

Hiện nay, khi có bão cực mạnh như Linda năm 1997 thì 1,7 triệu người, tức 26% dân số TP HCM sẽ gánh hậu quả. "Trong hơn 40 năm nữa, khoảng 62% số dân, tức 12,9 triệu người dự báo sẽ chịu tác động bởi biến đổi khí hậu. Thậm chí khi xây xong hệ thống kiểm soát lũ lụt dự kiến cũng có đến 10,8 triệu người cùng hơn 200 phường xã, 71% diện tích tức gần 142.000 ha bị ngập nếu kết hợp nhiều yếu tố bất lợi", ông Jeremy Carew, thành viên nhóm nghiên cứu khẳng định.

Ngoài ra, khi loại trừ hẳn khả năng bão thì đến giữa thế kỷ 21, TP HCM cũng phải đối diện với nguy cơ từ mực nước biển dâng đến 26 cm. Dự báo trung bình độ sâu lớn nhất khi ngập lụt sẽ tăng 21%, thời gian ngập lụt tối đa tăng 22% so với hiện nay. "Đây mới là điều đáng lo ngại chứ không phải diện tích ngập bao nhiêu", ông Jeremy Carew đánh giá.

Với quy mô lớn hơn, ông Konishi cho rằng Việt Nam có thể mất đến 17,3% GDP vì các hậu quả của biến đổi khí hậu. Theo nhiều chuyên gia thủy lợi, dù TP HCM là thành phố đầu tiên trên thế giới nghiên cứu mô hình phỏng đoán về biến đổi khí hậu nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần xem lại.

"Dù dự báo là cần thiết nhưng không nên đưa ra kịch bản quá hù dọa kiểu bão mạnh đổ bộ cùng lúc với triều cường, mưa... Cần phải xem xét để đưa ra một kịch bản vừa không quá chủ quan nhưng không quá viễn vông", ông Trần Thục, Giám đốc Viện khí tượng thủy văn và môi trường quốc gia cho biết.

Hay như về triều cường, Phó chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP HCM Phạm Việt Thắng cho rằng mức dâng từ 1 đến 1,2 m của triều trong báo cáo cần giải thích rõ ràng. "Từ năm 1960 đến nay, triều cường khoảng 1,15-1,55m, chỉ dao động 40 cm, nói dâng lên 1m là phải có cơ sở", ông Thắng chấp vấn.

Chủ tịch Hiệp hội thủy lợi TP HCM Nguyễn Ân Niên phân tích vấn đề ngập hiện nay còn một phần do mức độ bêtông hóa khi khu vực điều tiết trữ lượng nước lớn là phía Nam thành phố đã bị biến thành đô thị. "Ở Hà Lan, tư duy chống biến đổi khí hậu đã chuyển sang thích nghi. Như việc họ mở rộng không gian cho sông bằng cách làm đê xa chứ không phải sát bờ", ông Niên ví dụ.

Đại biểu Hội đồng nhân dân Đặng Văn Khoa lưu ý dù nghiên cứu hay tới đâu, nhưng sẽ chỉ đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả nếu trở thành chủ trương, chính sách của thành phố.

Năm 1990, kết quả quan trắc của chuyên gia Hà Lan cho thấy mực nước biển Vũng Tàu tăng 3,3 mm mỗi năm. Từ năm 1980 đến 2007, Hội Thủy lợi cũng tiến hành quan trắc độc lập và cho kết quả mực nước Vũng Tàu tăng 3,2 mm một năm, đến năm 2050 mực nước biển tại đây có thể tăng tới 16 cm.

Theo đại diện Sở Tài nguyên môi trường, trong các kế hoạch gần đây của thành phố có nhắc đến biến đổi khí hậu nhưng đưa vào cụ thể các chỉ tiêu xây dựng công trình như thế nào vẫn còn là điều lúng túng.

Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast