Giấc mơ bị... "đánh thuế"!

“Lớn lên cháu muốn trở thành thuỷ thủ mặt trăng” luôn là câu trả lời của tôi hồi còn là một đứa trẻ 5 - 6 tuổi...

Lớn thêm một chút, tôi ước mong sẽ trở thành một người thợ may lành nghề để có thể làm công việc hàng ngày là may đồ cho búp bê.

Thêm một chút nữa, những mơ ước lần lượt hiện ra trong trí óc non nớt của tôi là trở thành bác sĩ, kĩ sư...

Khi bắt đầu có ý thức về nghề nghiệp, tôi lại mong tôi sẽ kiếm được công việc có thể phù hợp với năng lực của mình nhưng với điều kiện là công việc phải nhiều tiền và nghe tên sẽ thật kêu.

Và khi đã có nhận thức hoàn chỉnh về công việc của cuộc đời, tôi nghiệm ra rằng:

Không ai đánh thuế giấc mơ bao giờ. Vì thế chúng ta có thể mơ những gì chúng ta mong muốn; nhưng nghề nghiệp lại đánh thuế cuộc đời của chính chúng ta...

Cách đây 4 năm, tôi chân ướt chân ráo ra Hà Nội với danh nghĩa tân sinh viên trường Luật. Thi đỗ điểm cao vào trường đại học danh giá được xếp vào hàng top 2 của cả nước, thời đó tôi là niềm tự hào của gia đình. Và giảng viên đứng lớp bao giờ cũng giúp cho niềm ước ao của những sinh viên năm nhất thêm phần mơ mộng: nghề luật là nghề danh giá với mức thu nhập chỉ có thể được nói gọn “tiền vào như nước sông Đà - tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin... bị tắc”.

Như một lẽ đương nhiên, cái mới và cái lạ bao giờ cũng gợi cho người ta cảm giác thích thú. Và tôi, vẫn mơ mộng về cái ngày được nhận vào làm ở doanh nghiệp nước ngoài, gặp gỡ đối tác, và lương tháng được tính bằng tiền đô.

Nhưng, đúng là thêm một tuổi thì lại cho ta thêm suy ngẫm về sự đời. Những năm tiếp theo của đời sinh viên, tôi không còn quá hão huyền như hồi mới là tân sinh viên đại học nữa. Thực tế về nạn thất nghiệp của sinh viên qua hàng năm đã kéo tôi về với thực tại. Thời buổi kinh tế khó khăn đồng nghĩa với việc cửa vào đời của chúng tôi bị thu hẹp lại. Nếu như trước đó sinh cơ lập nghiệp tại mảnh đất Hà Nội luôn là niềm mong mỏi của tôi thì sang những năm tiếp theo, đó lại là nỗi ám ảnh. Duy trì cuộc sống đắt đỏ ở mảnh đất này bằng đồng lương công chức nhà nước quả là điều khó khăn. Nhưng khó khăn hơn gấp bội phần khi chúng tôi vốn chỉ là những sinh viên ngoại tỉnh.

Thất nghiệp là vấn nạn của xã hội. Tôi đã chứng kiến quá nhiều cảnh sinh viên ra trường không có việc làm; có người không còn hy vọng đã khăn gói về quê, nhưng cũng có những người bám trụ lại, tìm kiếm tấm vé vào đời bằng đủ thứ nghề có thể gọi bằng những cái tên khác nhau.

Tôi có một người bạn, ra trường đã hơn 1 năm mà vẫn chưa xin được việc làm. Vì thế, chị quyết tâm kiếm cơ hội cho mình với khởi đầu nan là nghề... buôn cá. Thật khó có thể hình dung ra được, một sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng loại khá lại khởi nghiệp như một người lao động thuần tuý. Thế mới biết, kiếm được việc khó một, kiếm kế sinh nhai bằng công việc mình thích khó mười và, sống được với nghề mình yêu thích hay không lại là một chuyện khác.

Giờ đây, là một sinh viên mới ra trường, hơn lúc nào hết thực cảnh đã cho tôi những chiêm nghiệm quý giá. Con đường kiếm kế sinh nhai, thay đổi vận mệnh cuộc đời còn lắm chông gai, những ước mơ bay bổng từ thuở bé về tương lai là một bác sĩ, một kĩ sư bỗng xa dần...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast