Hà Tĩnh tích cực tuyên truyền, vận động công dân chấp hành pháp luật khi ra nước ngoài làm việc

(Baohatinh.vn) - Nhằm giảm thiểu tình trạng lao động đi xuất khẩu cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, tăng cường cơ hội việc làm cho người có nhu cầu, các cấp ngành ở Hà Tĩnh đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong vấn đề này.

Xã Cương Gián (Nghi Xuân) từ lâu đã nổi danh là một trong những địa phương có người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) đông nhất Hà Tĩnh. Người dân đi làm ăn xa gửi ngoại tệ về cho gia đình, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống, vừa góp phần xây dựng quê hương, song, cũng không ít trong số đó vi phạm các quy định về lao động, cư trú tại nước sở tại, gây ảnh hưởng đến uy tín của địa phương và làm mất cơ hội của người khác.

Hà Tĩnh tích cực tuyên truyền, vận động công dân chấp hành pháp luật khi ra nước ngoài làm việc

Toàn xã Cương Gián có hơn 3.000 con em sinh sống, làm việc tại nước ngoài.

Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián Lê Thị Sáu cho biết: “Toàn xã hiện có hơn 3.000 người sinh sống, làm việc tại nước ngoài, trong đó, hơn 1.500 người ở Hàn Quốc. Về cơ bản, lao động địa phương xuất khẩu theo đường chính ngạch, hợp pháp nhưng cũng có một số ít sau khi hết hạn hợp đồng không trở về nước mà trốn ra ngoài cư trú, làm việc bất hợp pháp. Tình trạng này khiến Nghi Xuân nhiều thời điểm nằm trong danh sách bị hạn chế, ngừng tuyển dụng lao động từ các đối tác Hàn Quốc”.

Hà Tĩnh tích cực tuyên truyền, vận động công dân chấp hành pháp luật khi ra nước ngoài làm việc

Các thành viên Ban Tư vấn XKLĐ xã Cương Gián họp bàn triển khai nhiệm vụ.

Để hạn chế tình trạng này, chính quyền địa phương đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Từ năm 2012, xã Cương Gián đã thành lập Ban Tư vấn XKLĐ với thành viên là cán bộ chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể.

Hà Tĩnh tích cực tuyên truyền, vận động công dân chấp hành pháp luật khi ra nước ngoài làm việc

Đoàn xã Cương Gián thường xuyên sử dụng mạng xã hội với các hội nhóm trên facebook, zalo như “Tuổi trẻ Cương Gián”, “Cương Gián Korea”... để nắm bắt thông tin, tuyên truyền, vận động.

Ngoài việc cập nhật, cung cấp thông tin về thị trường, việc làm, ban tư vấn còn thường xuyên đến tận các hộ dân có con em đi XKLĐ để tuyên truyền họ động viên con em chấp hành đúng pháp luật, hợp đồng đã ký kết. Đồng thời, kết nối chặt chẽ với hội đồng hương tại nước ngoài; sử dụng mạng xã hội với các hội nhóm trên facebook, zalo như: “Tuổi trẻ Cương Gián”, “Cương Gián Korea”... để nắm bắt thông tin, vận động con em xa quê...

Hà Tĩnh tích cực tuyên truyền, vận động công dân chấp hành pháp luật khi ra nước ngoài làm việc

Được sự tuyên truyền, tư vấn của chính quyền địa phương, bà Lê Thị Oánh (người ngồi ngoài cùng bên trái) luôn động viên các con trở về nước đúng quy định.

Có 3 người con từng làm việc tại Hàn Quốc nay đã về Việt Nam, 2 người đang làm việc tại quốc gia khác, bà Lê Thị Oánh (thôn Trung Sơn, xã Cương Gián) chia sẻ: “Dù công việc bên đó thu nhập khá nhưng khi hết hạn hợp đồng, tôi đều động viên các con chấp hành, trở về nước đúng quy định. Với kiến thức, kinh nghiệm học được sau những năm làm việc tại Hàn Quốc, trở về nước, các cháu đều tìm được công việc phù hợp, thu nhập ổn định”.

Cũng là địa phương có đông con em đi XKLĐ tại nước ngoài, xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) xem việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này là việc làm thường xuyên, gắn với trách nhiệm của cán bộ xã, thôn, đoàn thể.

Hà Tĩnh tích cực tuyên truyền, vận động công dân chấp hành pháp luật khi ra nước ngoài làm việc

Ngành chức năng, cơ quan đoàn thể xã Thịnh Lộc thường xuyên tuyên truyền người dân động viên người thân đi XKLĐ chấp hành nghiêm quy định pháp luật.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thịnh Lộc Trần Văn Sỹ cho biết: “Nội dung tuyên truyền, tư vấn về XKLĐ được lồng ghép thường xuyên vào các cuộc họp của thôn, đoàn thể. Mỗi cán bộ là một tuyên truyền viên tích cực để nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này”.

Bà Hoàng Thị Lăng (thôn Nam Sơn - xã Thịnh Lộc) chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 con trai làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản nhiều năm nay. Được cán bộ thôn, xã tuyên truyền thường xuyên nên chúng tôi hiểu được những nguy cơ con mình có thể gặp phải khi cư trú bất hợp pháp, do vậy, tôi luôn dặn dò, động viên các con chấp hành nghiêm quy định pháp luật của cả hai nước, của doanh nghiệp”.

Hà Tĩnh tích cực tuyên truyền, vận động công dân chấp hành pháp luật khi ra nước ngoài làm việc

Bà Hoàng Thị Lăng (thôn Nam Sơn - xã Thịnh Lộc) thường xuyên trò chuyện, động viên các con chấp hành đúng quy định pháp luật.

TX Kỳ Anh cũng là địa phương có số lượng lao động lớn làm việc tại nước ngoài với gần 5.000 người. Một số thời điểm, TX Kỳ Anh lọt “danh sách đen” những địa phương bị phía Hàn Quốc, Nhật Bản ngừng tuyển lao động do nhiều lao động vi phạm quy định.

Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX Kỳ Anh Dương Tri cho biết: “Thị xã đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, trong đó tập trung làm thay đổi nhận thức cho người dân để họ hiểu rằng đi XKLĐ là tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình nhưng không đánh mất cơ hội của người khác”.

Theo số liệu của ngành chức năng, từ năm 2013 đến nay, Hà Tĩnh có gần 69.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Mỗi năm, số lao động này gửi về địa phương hàng nghìn tỷ đồng, là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.

Vì lợi ích kinh tế nên một số lao động đã bất chấp để cư trú bất hợp pháp, làm việc không theo hợp đồng sau khi sang nước ngoài. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho bản thân lao động, tước đi nhiều cơ hội việc làm của con em địa phương, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của hai chính phủ. Sở LĐ-TB & XH đã phối hợp các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ hồ sơ các doanh nghiệp, đơn vị tham gia tuyển dụng; đồng thời tập huấn cho người lao động những kiến thức, kỹ năng cơ bản trước khi đi XLLĐ nhằm hạn chế tình trạng này.

Ông Nguyễn Xuân Thái
Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ - TB&XH)

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast