Hướng mới trong đào tạo nghề

(Baohatinh.vn) - Với phương châm “vững tay nghề, giỏi kỹ năng”, cam kết giải quyết việc làm (GQVL) 100% sau đào tạo cho các ngành: hàn, nhân viên nhà hàng, khách sạn, may và thiết kế thời trang; hỗ trợ 100% chi phí học tập, sinh hoạt trong suốt quá trình học ngành khai thác mỏ, Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng đã tìm được hướng đi đúng trong công tác đào tạo nghề.

Vừa tốt nghiệp loại giỏi lớp sơ cấp nghề kỹ thuật chế biến món ăn khóa 1 - Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng, chị Nguyễn Thị Huân chia sẻ: “Với phương pháp giảng dạy dễ hiểu, trọng tâm là thực hành, tôi không chỉ được các thầy cô truyền đạt kiến thức mà cả tác phong làm việc, kỹ năng mềm để thuyết phục nhà tuyển dụng”.

Với phương châm đào tạo chất lượng gắn với GQVL cho học sinh (HS), học viên sau khi tốt nghiệp, ngay từ những khóa đầu tiên, Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng đặc biệt quan tâm đến chuyên môn, phương pháp thực hành phù hợp nhu cầu các đơn vị, doanh nghiệp…

Hướng mới trong đào tạo nghề ảnh 1

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện thăm Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng

Hiệu trưởng Trần Đình Long cho biết: “Xác định công tác đào tạo nghề phải đi đôi với GQVL cho học viên, thời gian qua, trường đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn với chương trình hướng nghiệp cho các đối tượng, qua đó, giúp người học có nhận thức đúng về học nghề và lựa chọn ngành nghề phù hợp. Bên cạnh đó, trường đặc biệt quan tâm đào tạo nghề gắn với thực tiễn, thông qua việc trau dồi kỹ năng nghề tại các cơ sở của trường và các đơn vị ký hợp đồng tuyển dụng”.

Từ đầu năm đến nay, Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng đã tuyển mới 22 HS hệ trung cấp, chuyên ngành kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng; 25 HS hệ trung cấp CNTT, nâng tổng số HS hệ trung cấp lên 90 em; phối hợp tuyển mới 70 học viên hệ sơ cấp nghề, chuyên ngành kỹ thuật chế biến món ăn tại huyện Vũ Quang; tuyển sinh 88 sinh viên kế toán hệ vừa học, vừa làm…

Nhằm giúp học viên sau khi tốt nghiệp có việc làm, nhà trường đã chủ động phối hợp với Công ty Lilama, Công ty Than Khe Chàm, Tổng Công ty Dệt may Hà Nội và các nhà hàng, khách sạn, đơn vị xuất khẩu lao động uy tín. Nhà trường mạnh dạn kêu gọi đầu tư xưởng may, khai trương Nhà khách thanh niên gồm 12 phòng nghỉ khép kín; mở nhà hàng tại bãi biển Thạch Hải phục vụ quá trình thực tập của HS và góp phần phát triển dịch vụ, du lịch; tổ chức ký kết chương trình phối hợp tuyển dụng sau đào tạo, đưa lao động đi làm việc ngoài nước với Công ty Đào tạo và Cung ứng nhân lực HAUI (Đại học Công nghiệp Hà Nội), Công ty TNHH Sunrise (Tổng Công ty Phát triển nguồn nhân lực Lod)…

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo của Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng còn những hạn chế: tuyển sinh gặp nhiều khó khăn do nhận thức của HS và phụ huynh trong việc định hướng nghề nghiệp chưa phù hợp; số lượng cán bộ, giáo viên biên chế của nhà trường còn ít. Bên cạnh đó, ngân sách hạn hẹp do nguồn kinh phí được phân bổ về huyện, huyện lại có chủ trương ưu tiên đào tạo tại chỗ, vì vậy, việc phối hợp đào tạo nghề nông nghiệp khó triển khai.

Hiệu trưởng Trần Đình Long cho biết: Trường sẽ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động, xác định học nghề, tạo việc làm vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo phù hợp yêu cầu thị trường lao động; tăng cường sự phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để tạo việc làm cho HS sau tốt nghiệp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast