Hướng tới đào tạo lao động đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế

(Baohatinh.vn) - Phát triển trường nghề chất lượng cao là để đào tạo nhân lực kỹ thuật có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp cao trong sản xuất - dịch vụ, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của người lao động. Qua đó, giúp lao động tự tin hơn khi cạnh tranh về mức lương, cơ hội việc làm.

Trường Cao đẳng Nghề Việt Đức là một trong số 45 trường cao đẳng nghề trên cả nước vinh dự được lựa chọn triển khai thực hiện “Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao tới năm 2020” của Chính phủ. Đây là vinh dự và trách nhiệm không chỉ của cán bộ, giáo viên nhà trường mà còn của tỉnh Hà Tĩnh. Mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2020, cả nước có khoảng 40 trường nghề chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nghề ở Việt Nam và đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển KT-XH.

Hướng tới đào tạo lao động đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế ảnh 1

Sinh viên Trường CĐ nghề Việt Đức thực hành sữa chữa điện, máy ô tô

Tiến sỹ Đặng Minh Ất - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt Đức cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc di chuyển, tìm kiếm việc làm của lao động giữa các nước dễ dàng hơn. Lao động Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng có nguy cơ “thua trên sân nhà” do sự cạnh tranh gay gắt từ phía lao động ngoài tỉnh và nước ngoài có tay nghề cao, ngoại ngữ tốt và kỹ năng mềm được rèn luyện. Ngay cả việc ra nước ngoài làm việc, do chưa được công nhận về bằng cấp nên lao động Việt Nam thường phải nhận mức lương như lao động phổ thông. Từ thực tế đó, vấn đề đặt ra là chúng ta cần đào tạo một đội ngũ tay nghề cao, tiếp cận công nghệ hiện đại và được quốc tế công nhận. Qua đó, giúp lao động tự tin hơn khi cạnh tranh về mức lương, cơ hội việc làm.

Để được công nhận là trường nghề chất lượng cao, cần phải đáp ứng 6 tiêu chí: quy mô đào tạo; việc làm sau đào tạo; trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo; kiểm định chất lượng; giáo viên, giảng viên; quản trị nhà trường. Trên cơ sở các tiêu chí đó, thời gian qua, Trường Cao đẳng Nghề Việt Đức tập trung hoàn thiện từng tiêu chí, phấn đấu đến 2017 trở thành trường nghề chất lượng cao. Trước hết, về quy mô tuyển sinh, nhờ chất lượng đào tạo có uy tín nên nhiều năm qua, trường là địa chỉ tin cậy, mỗi năm có 2.700-3.000 học sinh nộp hồ sơ xin vào học tại trường. Để đạt tiêu chí quản trị nhà trường theo yêu cầu đề án, hiện nhà trường đang ký hợp đồng với đơn vị chuyên về lĩnh vực giám định chất lượng để triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008.

Đặc biệt, những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Việt Đức là một trong số ít trường cao đẳng nghề trên cả nước giải quyết việc làm sau đào tạo cao, với trên 90% học sinh ra trường được các đơn vị sản xuất tiếp nhận vào làm việc và có thu nhập ổn định. Đây là tiêu chí hết sức cơ bản để đánh giá chất lượng đào tạo của trường.

Theo Tiến sỹ Đặng Minh Ất, để đào tạo lao động chất lượng cao, trước hết phải có giáo viên chất lượng cao, cơ sở vật chất đạt chuẩn. Trường Cao đẳng Nghề Việt Đức có điều kiện thuận lợi khi được tiếp nhận dự án hỗ trợ đào tạo nghề do Chính phủ Đức viện trợ từ năm 2002. Vì vậy, từ đó đến nay, tất cả giáo viên giảng dạy đều được đào tạo chuẩn hóa trong và ngoài nước thông qua các chương trình đào tạo nâng cao do dự án mang lại. 100% chương trình đang giảng dạy được xây dựng theo phương pháp modul do các chuyên gia quốc tế, trong nước, giáo viên của trường và các cơ sở sản xuất tham gia xây dựng đã cho kết quả tốt. Đến nay, đã có 40 giáo viên tốt nghiệp cao học các chuyên ngành: cơ khí chế tạo, điện công nghiệp, công nghệ thông tin.

Việc hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận trường nghề chất lượng cao không phải để lấy “danh”, mà hơn hết là sự khẳng định về chất lượng đào tạo giúp những lao động đã qua môi trường này tự tin hơn khi cạnh tranh về mức lương, cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á - Thái Bình Dương. Ngay cả so với các nước ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam vẫn có khoảng cách lớn, chỉ bằng 1/5 Malaysia và 1/10 Thái Lan. Nguyên nhân là do lao động chưa được đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, kỹ năng yếu, kỹ thuật và công nghệ sản xuất thấp ...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast