Khốn đốn lao động xuất khẩu ở Libya!

Gần 1.400 lao động quê Hà Tĩnh xuất khẩu sang Libya làm việc với mong muốn kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thật không may, đại đa số sang làm việc chưa lâu thì gặp cảnh bạo loạn khiến họ phải sống như tị nạn với những mối nguy hiểm luôn rình rập và đối mặt với gánh nặng nợ nần sau sự cố này...

Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, đến sáng nay (1/3), trong số gần 1.400 lao động quê Hà Tĩnh xuất khẩu sang Libya, mới có gần 70 người về nước. Hàng trăm gia đình đang như đứng trên đống lửa ngóng tin người thân…

Kẻ vui, người buồn

Chúng tôi về xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc khi xã này vừa đón một lao động trở về từ Libya. Biết chúng tôi là nhà báo, Chủ tịch UBND xã Thân Văn Nam vồn vã đưa một danh sách các lao động hiện đang mắc kẹt ở Libya.

Ông Nam cho biết: “Xã Sơn Lộc có 8 lao động thông qua các công ty môi giới sang làm việc tại Libya. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu các lao động báo cáo với xã, ngoài ra còn có ít nhất 8-10 người nữa đi theo các đường dây lao động khác mà không thông qua chính quyền. Hiện tại, theo chúng tôi được biết, toàn bộ số lao động này đang mắc kẹt tại Libya và các nước lân cận; nhiều gia đình còn mất liên lạc cả tháng trời với người thân bên đó”.

Hàng xóm đến chia vui với gia đình anh An khi anh vừa trở về từ "vùng chiến sự"
Hàng xóm đến chia vui với gia đình anh An khi anh vừa trở về từ "vùng chiến sự"

Chúng tôi đến nhà anh Thân Văn An, ở xóm 5, gặp cả gia đình đang rộn rã tiếng cười khi anh vừa thoát nạn từ Libya trở về. Theo lời kể của anh An, tất cả các lao động Việt Nam làm việc cùng với anh được các công ty trực tiếp ký hợp đồng lao động hướng dẫn ra sân bay lấy vé sang Italya rồi tiếp tục từ Italya bay về Việt Nam.

“Có hơn 150 lao động (chủ yếu là người Hà Tĩnh) làm việc cùng công ty với tôi cũng phải đợi hơn 4 ngày tại sân bay quốc tế của Libya để lên máy bay. Khi ra về, ngoài bộ quần áo mang trên người, chúng tôi chẳng mang theo được gì. Không có tiền, chúng tôi phải nhịn cả ăn, uống” - anh An nói.

Đối lập với niềm vui khôn tả của gia đình anh An là nỗi buồn, sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt bà Thân Thị Ngụ, thôn 12. Chồng mất sớm, bà Ngụ một mình bươn chải nuôi cậu con trai tên Cường khôn lớn nên người.

Bà Thân Thị Ngụ thẫn thờ ngóng tin con
Bà Thân Thị Ngụ thẫn thờ ngóng tin con

Ở nhà không có công ăn việc làm nên khi thấy các công ty môi giới đăng tuyển công nhân đi xuất khẩu lao động, bà Ngụ liền vay mượn ngân hàng, anh em hàng xóm được 45 triệu đồng để cho con đi Libya những mong sau này có đồng vốn làm ăn. Nào ngờ chưa làm được bao lâu thì xảy ra cơ sự này. Bà Ngụ vừa khóc vừa nói: “Loạn lạc như thế không biết con tôi sống chết thế nào bên đó, các chú ơi! Giờ tui chỉ mong cho nó bình an trở về, đói no gì cũng được chứ cứ như thế này thì tôi chết mất thôi”!.

Bi đát hơn là hoàn cảnh của bố mẹ lao động Ngô Đức Tân. Ông Ngô Đức Trí, bố anh Tân cho biết: Tân chỉ mới sang Libya chưa được 5 tháng; chưa gửi về cho gia đình được đồng nào để trả nợ. Từ sau tết đến nay, vợ chồng ông chị mất liên lạc với Tân, mấy ngày gần đây lại nghe tin dữ trên truyền hình nên cả nhà mất ăn, mất ngủ, đi khắp các huyện dò la tin tức của con trai nhưng vẫn bặt vô âm tín.

Gánh nặng nợ nần

Hệ lụy từ việc phải về nước khi chưa hết thời hạn hợp đồng đang gây nên một cú sốc lớn cho cả lao động và gia đình có lao động xuất khẩu sang Libya. Gánh nặng từ các khoản nợ đang ngày ngày đè lên đầu những người dân vốn chỉ là những nông dân quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời".

Chị Võ Thị Anh, quê ở Cẩm Xuyên biết tin chồng đã rời khỏi Libya chị mừng khôn xiết, nhưng khi chúng tôi vừa nhắc tới việc “sắp xếp” lại cuộc sống sau khi chồng về, chị Anh òa khóc: “Giờ thì coi như hết, cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng khô cằn làm không đủ ăn thì lấy đâu ra 40 triệu mà trả ngân hàng bây giờ! Sao trời bắt dân chúng tôi cứ khổ mãi thế này?...”.

Vợ chồng anh Trí đang mất liên lạc với con
Vợ chồng anh Trí đang mất liên lạc với con

Mừng mừng tủi tủi khi vừa từ “cõi chết” trở về nhưng anh Phạm Duy Chính, ở Phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh) cũng không khỏi lo lắng: “Không biết rồi mai mốt làm gì mà trả khoản nợ đã vay ngân hàng và anh em để đi sang Libya làm việc đây? Đối với những nông dân nghèo như chúng tôi, khoản tiền hơn 40 triệu là quá lớn, không biết bao giờ mới có được”.

Đa số lao động Hà Tĩnh đi làm việc tại Libya đều là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên không chỉ chị Anh, anh Chính mà còn hàng trăm trường hợp khác rồi sẽ khốn đốn khi phải gánh trên vai nợ nần do vay tiền đi xuất khẩu lao động ở Libya.

Cần những giải pháp tối ưu

Ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng phòng Việc làm – An toàn lao động – Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh) cho biết: Hà Tĩnh có hơn 960 lao động (tập trung ở các huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Cẩm Xuyên…) sang làm việc tại Libya. Đến 28/2, có hơn 20 lao động đã về nước an toàn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là giải quyết vấn đề thực hiện các giải pháp giúp người lao động và gia đình họ giảm áp lực nợ nần và sớm có việc làm, ổn định cuộc sống.

Cũng theo ông Dũng, hiện tại ngoài các phương án hỗ trợ người lao động của Chính phủ, tỉnh Hà Tĩnh đang tiến hành tổng hợp, phân loại đối tượng lao động để có phương án hỗ trợ bằng nhiều cách như phối hợp với các ngân hàng khoanh nợ, gia hạn nợ hoặc xóa một phần nợ cho người lao động; phía công ty trực tiếp ký hợp đồng với lao động, đề xuất các công ty này tìm kiếm các thị trường khác để tạo cơ hội đi lại các nước khác nếu lao động có nguyện vọng; ưu tiên việc làm tại các doanh nghiệp trong nước và nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất tại địa phương có các đối tượng này; đồng thời, hỗ trợ đào tạo nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề cho các lao động giúp họ sớm có cuộc sống ổn định.

Về phía các công ty môi giới việc làm, phương án tối ưu nhất hiện nay các đơn vị này thực hiện là phối hợp chặt chẽ với gia đình và người lao động để đưa người lao động về nước an toàn; đồng thời, tìm các giải pháp hỗ trợ khác.

Anh Nguyễn Văn Bảo – Phó Giám đốc Công ty NTHH công nghệ Hà Tĩnh khẳng định: “Bằng mọi biện pháp, chắc chắn Công ty chúng tôi sẽ không để người lao động của mình thiệt thòi. Chúng tôi đang cố gắng tạo điều kiện tối đa giúp người lao động có một công việc ổn định trong nước hoặc ra ngoài nước để có tiền trả nợ, ổn định cuộc sống”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast