Kỹ năng mềm - hành trang cần thiết của người lao động

(Baohatinh.vn) - Kỹ năng mềm không chỉ cần thiết cho cuộc sống mà còn là tiêu chí để các nhà tuyển dụng “sàng lọc” ứng viên trước khi nhận vào làm việc.

Kỹ năng mềm - dễ hay khó

Nguyễn Tuấn Dũng - cử nhân kinh tế vừa được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp FORMOSA Hà Tĩnh (FHS) chia sẻ những kỷ niệm khi đi phỏng vấn tìm việc tại các công ty, đặc biệt là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi của Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhưng Dũng vẫn loay hoay tìm việc ở Hà Nội mất gần 2 năm. Dũng đã từng nộp đơn vào vài ba công ty nước ngoài nhưng đều không lọt qua vòng phỏng vấn trực tiếp, mặc dù hồ sơ chuyên ngành “đẹp”, phù hợp với yêu cầu đơn vị tuyển dụng.

Người lao động tham gia phỏng vấn tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh
Người lao động tham gia phỏng vấn tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh

Theo Dũng, nguyên nhân đầu tiên là khả năng ngoại ngữ hạn chế và thiếu kỹ năng mềm. Lần đầu tiên “trượt ngay từ vòng gửi xe” bởi lý do rất đơn giản, khi đi phỏng vấn Dũng để đầu “đinh” và mặc áo phông cổ tròn. Vừa qua cửa phòng phỏng vấn thứ nhất, nhân viên phỏng vấn đã trả lại hồ sơ và giải thích một câu ngắn gọn: trang phục của bạn không phù hợp với công việc ở đây. Lần phỏng vấn thứ 2, mặc dù đã vượt qua nhiều câu hỏi hóc búa của nhà tuyển dụng nhưng chỉ một sơ suất nhỏ (lúc kết thúc cuộc phỏng vấn, Dũng quên nói lời cảm ơn và bắt tay người phỏng vấn) nên anh lại thất bại.

Theo Dũng, những kỹ năng này đến khi ra trường nộp hồ sơ “chạy việc” em mới biết, còn những năm tháng trên ghế nhà trường chưa hề được đào tạo, hướng dẫn gì ngoài chuyên môn.

Ông Trần Yến Chung - Trưởng bộ phận nhân sự FHS cho biết: Trong 2 năm qua, FHS đã tổ chức hàng chục đợt tuyển dụng nhân sự tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trong cả nước với hơn 10 nghìn hồ sơ tham gia dự tuyển. Ngoài hồ sơ phù hợp với chuyên môn, FHS rất quan tâm đến kỹ năng mềm của những người sẽ vào làm việc cho công ty. Thực tế qua những đợt tuyển dụng cho thấy, sinh viên ra trường đáp ứng kỹ năng mềm mới đạt khoảng 15-20%. Hầu hết các lao động được tuyển dụng vào FHS đều phải qua một khóa đào tạo kỹ năng mềm.

“Trong thực tiễn, điều mà các bạn sinh viên mới ra trường cần có để được các nhà tuyển dụng mời vào làm việc là thể hiện khả năng bản thân chỉ trong vài phút ít ỏi tiếp xúc với nhân viên phỏng vấn. Điều quan trọng quyết định bạn có được chọn hay không là những kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ mà bạn đã gặt hái được trong trường học. Bên cạnh đó thì chìa khóa giúp bạn vượt qua những ứng viên khác và mở ra cánh cửa thành công chính là kỹ năng mềm. Kỹ năng này sẽ giúp bạn phát huy hết những kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ để nhà tuyển dụng thấy rằng, bạn xứng đáng được tuyển dụng” - ông Chung nói.

Trang bị kỹ năng mềm cho người lao động

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Diên -Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức cho biết, 2 năm qua, đã có trên 600 sinh viên của trường được FHS và các nhà thầu của FHS tuyển dụng. Để đạt kết quả trên, nhà trường chú trọng công tác đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên trong quá trình học cũng như giai đoạn chuẩn bị tốt nghiệp.

Theo ông Diên, trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên là việc hết sức cần thiết đối với các trường đào tạo nghề trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Ngay từ vòng phỏng vấn, chỉ cần người lao động có vài sơ suất nhỏ như trang phục không phù hợp, giao tiếp lúng túng hay ý thức chấp hành giờ giấc, tác phong công nghiệp chưa cao sẽ bị nhà tuyển dụng loại ngay từ đầu. Những điều này, nhà trường cần phải trang bị cho sinh viên trước lúc ra trường.

Thời gian gần đây, các trường dạy nghề trên địa bàn đã đưa vào chương trình học một thời lượng cần thiết về kỹ năng mềm cho sinh viên. Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch 41 của UBND tỉnh về thực hiện chương trình việc làm - dạy nghề năm 2014, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các trường dạy nghề trên địa bàn tổ chức khai giảng lớp đào tạo ngoại ngữ (tiếng Trung) và kỹ năng mềm cho lao động (người Hà Tĩnh - PV) đăng ký dự tuyển vào làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng. Trong 2 tháng, các học viên được học tiếng Trung trong giao tiếp hàng ngày và trong công việc cụ thể, đồng thời được đào tạo kỹ năng mềm như: phỏng vấn, tìm việc, tác phong công nghiệp và tác phong làm việc chuyên nghiệp, kỹ năng giữ việc và phát triển công việc… Theo kế hoạch, năm 2014, ngành tổ chức khai giảng lớp với khoảng 300 học viên và hiện nay đã tổ chức được 3 lớp.

Kỹ năng mềm là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast