Lao động trở về từ Thái Lan: Mong ngày trở lại...

(Baohatinh.vn) - Những năm gần đây, tình trạng lao động sang Thái Lan làm việc bằng cách “nối thị thực” đã trở nên phổ biến. Theo thống kê của ngành LĐ-TB&XH, hiện có khoảng 10.000 lao động Hà Tĩnh đang làm việc tại Thái Lan với đủ ngành nghề. Tuy nhiên, biến cố trên chính trường Thái Lan vào tháng 5/2014 khiến nhiều người nhập cư Việt Nam phải về nước.

Muôn vàn khó khăn

Bà Nguyễn Thị Chắt (Cẩm Thạch, Cẩm Xuyên) cho biết, gia đình bà có 3 người con lao động ở Thái Lan nhiều năm. Con bà và người dân trong xã chọn Thái Lan bởi dễ đi, tốn ít kinh phí, dễ tìm việc, thu nhập tương đối. Theo bà Chắt, chỉ cần có người thân, bạn bè giới thiệu là có thể “xuất ngoại” tìm một việc làm trên đất Thái. May mặc, trông xe, phục vụ nhà hàng đến rửa bát... là công việc phổ biến của lao động Việt Nam khi sang Thái Lan. Nhiều gia đình, cả vợ chồng cùng làm việc tại Thái Lan. Vợ chồng anh Thắng, chị Vân (xóm 6, xã Cẩm Thạch) gửi lại 3 đứa con thơ cho ông bà nội hơn 10 năm nay để sang Thái Lan kiếm kế sinh nhai. Chồng làm thuê cho một xưởng may, vợ phục vụ tại một quán ăn ở Chanthaburi, 2 vợ chồng dành dụm được khoảng 15-20 triệu đồng/tháng. Cuộc sống ở quê vì thế cũng đỡ vất vả hơn nhiều.

Người Việt phụ giúp bán hàng tại Thái Lan (Ảnh minh họa)
Người Việt phụ giúp bán hàng tại Thái Lan (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, sau sự cố trên chính trường Thái Lan vào tháng 5/2014, rất nhiều lao động Việt Nam do lo sợ về chính sách đã phải khăn gói về quê. Chị Vân cho biết: “Cuối tháng 5/2014, tôi và chồng về nước. Hầu như người làng tôi làm việc tại Thái Lan đều đã về nước. Làm việc ở Thái Lan với những công việc phổ thông như rửa bát, trông xe, phục vụ nhà hàng nhưng thu nhập tương đối khá. Giờ về nước, tìm việc làm với mức thu nhập như thế không dễ chút nào!”. Phải lặn lội khắp, chị Vân mới xin được giúp việc cho một gia đình tại TP Hà Tĩnh với mức tiền công 2,5 triệu đồng/tháng.

Câu chuyện lao động Việt Nam làm việc tại Thái Lan phải về nước xuất hiện hầu như ở các làng quê Hà Tĩnh. Về Mỹ Lộc, Xuân Lộc (Can Lộc); Thạch Sơn (Thạch Hà) vào những ngày này, đâu đâu cũng nghe chuyện chính phủ tạm quyền Thái Lan dọa bắt giữ và trục xuất lao động nước ngoài nhập cư bất hợp pháp. Chị Nguyễn Hiền (xóm Nhật Tân, xã Mỹ Lộc), một người chạy bàn lâu năm tại Thái Lan cho biết: “Hầu như chị em người làng đều đã về nước từ 2 tháng nay. Cũng có một số anh chị em đánh liều ở lại nhưng nghe đâu cũng rục rịch khăn gói về nước bởi người ta không còn cho “nối thị thực” nữa. Về quê đã lâu nhưng ruộng không có, kiếm việc làm lại càng khó, nhà đông con nên cuộc sống hết sức khó khăn. Mấy chị em đang tính thời gian tới sẽ vào các tỉnh phía Nam tìm việc làm”.

Mong muốn lao động hợp pháp tại Thái Lan

Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH, số lượng lao động Hà Tĩnh sang Thái Lan làm việc có khoảng 10.000 người, chủ yếu ở các huyện Can Lộc (3.000 lao động), Thạch Hà (2.500), Cẩm Xuyên (1.000)...

Trước đây, những lao động này tận dụng thỏa thuận miễn thị thực để làm việc tại Thái Lan. Thái Lan đã ký hiệp định miễn thị thực với rất nhiều quốc gia để thúc đẩy du lịch, trong đó có việc cho phép người nước ngoài vào Thái Lan bằng thị thực du lịch 60 ngày và việc miễn thị thực 30 ngày. Hết thời hạn này, họ có thể ra khỏi biên giới và quay trở lại trong ngày để được thêm 30 ngày nữa. Chính phủ Thái Lan không hề có quy định về số lần ra vào biên giới.

Tuy nhiên, những biến cố trên chính trường Thái Lan khiến nhiều lao động Việt Nam lo ngại. Ngày 23/6/2014, Bộ Ngoại giao Thái Lan có công hàm gửi các cơ quan đại diện nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Bangkok, khẳng định việc miễn thị thực nhập cảnh Thái Lan chỉ dành cho mục đích du lịch. Hiện tại, cơ quan chức năng Thái Lan đang áp dụng các biện pháp nhằm từng bước hạn chế việc “nối thị thực” để nhập cảnh lao động bất hợp pháp và tiến tới chính thức cấm “nối thị thực” vào ngày 12/8/2014.

Chị Nguyễn Hiền cho biết thêm: “Việc cấm nối thị thực sẽ khiến cho những người như chúng tôi không có cơ hội trở lại Thái Lan làm việc. Hy vọng rằng, chính phủ Việt Nam và Thái Lan sẽ sớm ký kết chính sách về xuất khẩu lao động để tạo điều kiện cho những người như chúng tôi có thể quay lại Thái Lan làm việc một cách hợp pháp”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast