Lao động xuất khẩu sau khi về nước khó tìm việc phù hợp

(Baohatinh.vn) - Những năm qua, xuất khẩu lao động (XKLĐ) được cho là hướng đi hiệu quả nhằm cải thiện kinh tế của nhiều gia đình, đặc biệt là các vùng nông thôn Hà Tĩnh. Tuy nhiên, sau nhiều năm làm việc, tích lũy vốn, kinh nghiệm và tác phong làm việc mang tính công nghiệp, không ít lao động trở về vẫn khó khăn trong tìm việc làm. Chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực có tay nghề này vẫn còn bỏ ngỏ.

Lao động xuất khẩu sau khi về nước khó tìm việc phù hợp ảnh 1
Đào tạo nghề hàn ở Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng

Năm 2008, anh Phan Quốc Tuấn ở thị trấn Thạch Hà đi XKLĐ tại Hàn Quốc và làm việc tại một công ty với ngành nghề cơ khí, mức lương 2.000 USD (hơn 30 triệu đồng/tháng). Sau 7 năm làm việc nơi xứ người, anh tích lũy được nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp và vốn nên trở về quê hương để lập nghiệp và gần gia đình hơn. Nhưng từ khi trở về, anh vẫn chưa tìm được công việc phù hợp với ngành nghề mình từng làm. Hiện, anh đang học lái xe để chuyển nghề.

Theo anh Tuấn, phía doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc trả lương cao, nhưng họ đòi hỏi tay nghề vững và tác phong trong công việc rất khắt khe. Ai không đáp ứng nhu cầu sẽ bị đào thải. Những năm tháng làm việc ở nước ngoài đã rèn luyện cho nhiều lao động như anh kỹ năng, tay nghề vững vàng; tác phong nhanh nhẹn.

“Với tay nghề của mình, tôi có thể tự tin làm việc tại các DN trong nước và nước ngoài, tuy nhiên, họ (DN) lại trả mức lương thấp. Một số người cùng đi XKLĐ với tôi không xin được việc ở trong tỉnh đã ra Vĩnh Phúc làm việc cho các DN của Hàn Quốc với mức lương khá cao” - anh Tuấn chia sẻ.

Cũng như anh Tuấn, anh Hoàng Văn Trường trú tại TP Hà Tĩnh trở về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc cũng đang loay hoay tìm việc. Anh Trường cho biết: “Đã quen tác phong làm việc công nghiệp, được trả lương xứng đáng nên tìm việc làm trong nước phù hợp với khả năng và thu nhập cao là rất khó khăn. Nguyện vọng của tôi là tiếp tục được trở lại Hàn Quốc làm việc”.

Những năm qua, mỗi năm, Hà Tĩnh có trên 5.500 người đi XKLĐ và trở về, với số tiền gửi về nước ước đạt 2,3-2,4 nghìn tỷ đồng. Song, có không ít người sau khi trở về quê không tìm được việc làm phù hợp, số tiền kiếm được nơi xứ người cũng cạn dần theo thời gian.

Ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Chưa có con số thống kê chính xác về số lao động sau khi hồi hương trên địa bàn tỉnh, cũng như việc họ có tìm được việc làm phù hợp hay không. Nhưng có thể khẳng định, lực lượng lao động sau khi trở về nước đúng thời hạn hợp đồng có tay nghề cao, trình độ ngoại ngữ được nâng lên rõ rệt. Đó thực sự là nguồn nhân lực cần được khai thác.

Người đi XKLĐ phần đông đều muốn trở về quê hương để làm việc, cống hiến, tuy nhiên, chính sách thu hút của các DN chưa tương xứng với khả năng trong khi môi trường làm việc tại nước ngoài năng động, chuyên nghiệp, thu nhập cao.

Có một thực tế đáng ngại hiện nay là rất nhiều người không thể tìm được việc làm (đã được đào tạo) tại quê nhà, nhưng cũng không vận dụng những kỹ năng, kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài để tự tạo việc làm cho mình. Theo ông Đặng Văn Dũng: Xã Cương Gián (Nghi Xuân) có những thời điểm gần 1.000 người đi XKLĐ về nước mà không chịu làm việc. Họ chỉ chờ việc và tiêu hết số tiền tích góp được khi đang làm việc ở nước ngoài rồi tìm cơ hội trở lại làm việc. Trong khi đó, không ít người từng làm việc ở Đài Loan đã xin vào làm phiên dịch, lái xe… cho một số DN Đài Loan tại KKT Vũng Áng.

“Hiện, toàn tỉnh có trên 7.000 mô hình kinh tế và hơn 4.500 DN. Tuy nhiên, số mô hình và DN do người đi XKLĐ trở về nước làm chủ còn quá khiêm tốn. Lẽ ra, những lao động này phải là người tiên phong đầu tư các mô hình kinh tế để tăng thu nhập, tạo việc làm cho mình và người thân trong gia đình. Bởi chính họ là người có vốn, tư duy tốt, trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm khi làm việc ở nước ngoài” - ông Dũng cho biết thêm.

Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, rất cần có chính sách thu hút, ưu tiên đối với người trở về sau khi XKLĐ nhằm tránh lãng phí, thất thoát nguồn nhân lực này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast