Lênh đênh lao động nữ

Vụ sập sảnh toà nhà Sailing Tower tại thành phố Hà Tĩnh vừa qua làm xôn xao dư luận, trong đó nạn nhân thiệt mạng duy nhất là một phụ nữ. Ai cũng xót xa cho một thân phận nhưng càng ngẫm nghĩ chúng tôi lại càng thấy trở trăn, nỗi niềm nhiều hơn. Hiện không ít phụ nữ nông thôn của chúng ta, nhất là ở những vùng ven biển, diêm dân, không có việc làm ổn định, không có tay nghề, nay đây mai đó để kiếm miếng cơn manh áo. Và các chị đã phải chịu nhiều rủi ro…

Rủi ro luôn rình rập

Chị Nguyễn Thị Mai, ở xóm Tân Lập, xã Hộ Độ (Lộc Hà) chính là nạn nhân thiệt mạng trong vụ sập sảnh toàn nhà Sailing Tower tại thành phố Hà Tĩnh.

Theo người nhà của chị cho biết, đã 15 năm ròng, cứ 5h sáng là chị Mai với một chiếc xe đạp, một chiếc xe ba gác “ngồi” phía sau lại cùng với chị em trong xóm đi về phía thành phố. Họ đi để kiếm việc làm. Ai gọi gì làm nấy, từ phụ hồ, bốc vác, dọn dẹp vệ sinh cho đến phụ giúp người già…

4 chị em Trang mất mẹ vì tai nạn lao động
4 chị em Trang mất mẹ vì tai nạn lao động

Một tai nạn không may đã xảy ra. Xót xa! Nhưng càng thương tâm hơn là hoàn cảnh gia đình sau cái chết của chị. 4 đứa con, 1 đứa còn bé dại, 3 đứa thì đang tuổi ăn tuổi học. Đứa lớn đang học cuối cấp 3; đứa thứ 2 cuối cấp 2 và đứa thứ 3 học lớp 6. Chúng tôi có mặt tại gia đình sau đám tang của chị một ngày. 4 chị em đang ngồi ôm nhau khóc mẹ rưng rức. Bé lớn, Nguyễn Thị Trang nghẹn ngào: “Tuy mẹ luôn đi làm từ sáng đến tối nhưng mọi việc trong nhà mẹ đều sắp xếp, lo liệu cả. Mẹ mua thức ăn, áo quần, sách vở, lo tiền học phí cho mấy chị em. Bố thì đi làm xa, lâu lâu một đợt mới về. Giờ không còn mẹ nữa, chị em nhà em biết mần răng đây, một mình bố không lo đủ đâu… Chắc em phải bỏ học mất…”

Chồng chị Mai ngồi tiếp khách một cách bất động, giọng nói có vẻ bất lực: “Nhà có hai sào nại. Đã từ lâu lắm rồi muối làm ra không bán được. Tui đàn ông thì có thể đi làm xa hơn, lâu lâu mới về một đợt. Nhưng cũng làm thuê làm mướn, ngày độ được 120 ngàn. Ngày mưa, gió không làm được thì công không. Hai vợ chồng chịu khó, tiết kiệm mới đủ lo cho mấy đứa. Giờ mẹ nó mất rồi….”

Tại xã Hộ Độ, nhiều năm trở lại đây, các tai nạn lao động thương tâm xảy ra liên tục. Theo lời kể của cán bộ Hội Phụ nữ và Hội Nông dân xã, năm 2010, chị Nhiên ở xóm Xuân Nam đi xe đất bị trập tường đè chết, cũng để lại 4 đứa con nhỏ trong một điều kiện hết sức khó khăn. Năm trước đó nữa, có một chị đi phụ hồ nhưng vương phải giây điện hở nên bị điện giật chết… Điều mà cán bộ địa phương quan tâm lo lắng nữa đó là ngoài những rủi ro trực tiếp đối với chị em thì còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với gia đình khi người phụ nữ, người giữ lửa cho gia đình có thời gian quá ít cho gia đình. Việc quản lý con cái bị hạn chế; không có điều kiện để tham gia sinh hoạt tập thể, tham gia các lớp tập huấn do các tổ chức Hội tổ chức để nâng cao nhận thức, kỹ năng sống…

Việc làm cho lao động nữ: Vẫn còn trăn trở!

Xã Hộ Độ (Lộc Hà) có 1779 hội viên Hội phụ nữ, trong đó chiếm 70% đối tượng thường đi làm ăn nay đây mai đó, còn những người ở nhà chủ yếu là người già và trẻ nhỏ. Tìm giải pháp tạo việc làm tại chỗ, ổn định đời sống cho chị em là một trong những vấn đề cốt lõi được địa phương quan tâm hàng đầu bấy lâu.

Hội LHPN xã phối hợp với các tổ chức hội cấp trên đã mở các lớp tập huấn về may khâu bóng cho chị em, đồng thời, đã làm khâu kết nối nhận hàng về cho chị em làm. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, thu nhập từ nghề khâu bóng không đảm bảo đời sống nên không còn được chị em hưởng ứng.

Ông Nguyễn Văn Điệp – Chủ tịch UBND xã cho biết: Nghề truyền thống của người dân địa phương là nghề muối. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan như giá muối ngày càng rẻ, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết không thuận lợi cho sản xuất muối… Vì vậy, diện tích sản xuất muối ngày càng hoang hóa; đại đa số người dân, kể cả phụ nữ phải tìm việc làm khác để đảm bảo đời sống.

Để ổn định đời sống cho người dân, Đảng ủy, UBND xã cũng đã nỗ lực tìm các giải pháp về kinh tế, giải quyết lao động tại địa phương. Xã đã từng xây dựng dự án chuyển đổi diện tích muối sang nuôi trồng thủy hải sản. Theo dự án này, mỗi hộ nuôi trồng thủy hải sản phải cần khoảng 5000 m2 mặt nước, đồng nghĩa với việc phải chuyển đổi từ 40 ha diện tích làm muối. Tính ra, ít nhất 10 hộ làm muối mới đủ diện tích chuyển đổi cho một hộ nuôi trồng thủy hải sản. Như vậy, không khả thi với người dân địa phương nên không triển khai được.

Gần đây, trong đề án xây dựng nông thôn mới, xã Hộ Độ cũng đã xây dựng tiêu chí chuyển đổi việc làm cho người dân. Cụ thể, sẽ chuyển đổi diện tích làm muối sang các mô hình trồng rau sạch. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Điệp thì mô hình này rất khả thi. Thực tế tại địa phương đã có nhiều mô hình tự phát và rất hiệu quả. Tuy nhiên, để triển khai đồng bộ thì còn thiếu nguồn nước ngọt để chăm bón. Vì vậy, có triển khai được kế hoạch này hay không địa phương không thể quyết định được mà phụ thuộc vào sự hỗ trợ về dự án nước ngọt.

Như vậy, mặc dù đã có những định hướng, kế hoạch rất cụ thể nhưng rõ ràng việc giải quyết việc làm cho người lao động hiện vẫn còn bế tắc.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Giải quyết việc làm cho lao động nữ là vấn đề quan tâm hàng đầu của các tổ chức Hội. Không chỉ có chị em ở xã Hộ Độ mà còn rất nhiều chị em ở các vùng ven biển, vùng làm muối, vùng tái định cư… Việc làm của chị em đang là nỗi niềm trăn trở hàng đầu. Lâu nay, các tổ chức Hội đã rất nỗ lực hoạt động trên lĩnh vực này. Đã tăng cường huy động các nguồn vốn cho chị em vay phát triển kinh tế; tổ chức tập huấn, dạy nghề… Đồng thời, Hội cũng đã tổ chức khảo sát phụ nữ đi làm ăn xa; thành lập các CLB “Mẹ vắng nhà”… Tuy nhiên, thực tế hiện nay tình trạng phụ nữ thiếu việc làm phải đi mưu sinh này đây mai đó chiếm tỷ lệ rất đáng kể. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với bản thân chị em cũng như gia đình. Vì chị em là lực lượng chủ chốt tạo nên mái ấm gia đình.

Để từng bước hạn chế tình trạng này, một mình tổ chức Hội Phụ nữ tỉnh không thể giải quyết được mà rất cần sự vào cuộc của Sở Lao động Thương binh và Xã hội và của cả hệ thống chính trị.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast