Ly hương kiếm sống - “thiếu hụt” lao động vùng nông thôn

(Baohatinh.vn) - Sau kỳ nghỉ tết dài ngày, hàng ngàn lao động lại xách ba lô, bắt xe đò vào Nam, ra Bắc, thậm chí, đi nước ngoài để tiếp tục mưu sinh, để lại không ít nỗi niềm sau những lũy tre làng...

Đã thành thông lệ, sau những ngày tết cổ truyền về quê sum họp với gia đình, dọc tuyến quốc lộ 1A qua các huyện, thị, thành phố, chúng ta lại chứng kiến cảnh người dân đứng chật hai bên đường đón xe vào Nam, ra Bắc để tiếp tục cuộc mưu sinh vất vả nơi quê người.

Đứng chờ xe ở ngã ba đường Lê Duẩn (thị trấn Cẩm Xuyên), anh Võ Đình Thái (Cẩm Quan) tâm sự: “Tôi làm công nhân ở Sài Gòn hơn chục năm nay. Tết nào cũng vậy, về quê được ít ngày lại phải vào để làm việc. Muốn ở lại với gia đình, bạn bè chơi thêm vài hôm nữa nhưng vào muộn sẽ bị cắt lương, nhà trọ lại khó tìm. Từ ngày vào Nam đến nay, năm nào cũng chỉ gặp vợ con được 5, 6 ngày tết, buồn lắm, nhưng biết làm sao”. Nói xong, anh Thái lại ôm đứa con 3 tuổi vào lòng, khóe mắt cay cay. Nhìn cảnh ấy, ai cũng chạnh lòng.

Ly hương kiếm sống - “thiếu hụt” lao động vùng nông thôn ảnh 1

Người dân ngồi chờ để đón xe khách vào miền Nam

Mỗi người mỗi cảnh, nhưng hầu như cuộc chia tay nào cũng bịn rịn, nỗi buồn để lại trong lòng cả người đi và người ở. Vẻ mặt đượm buồn vì mới tiễn chồng lên xe vào Nam, chị Phan Thị Hạnh (quê xã Thịnh Lộc, Lộc Hà) bùi ngùi chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, không kịp cúng rằm thì chồng tôi đã phải đi rồi. Điều kiện kinh tế ở quê khó khăn quá, 3 đứa con còn đang học nên anh ấy phải vào Nam làm công nhân. Con còn nhỏ quá, không thì tôi cũng gửi các cháu cho ông bà rồi cùng chồng vào Nam tìm việc, chứ trông vào mấy sào ruộng thì không đủ sống”.

Cũng theo chị Hạnh, ở quê chị, hầu hết lao động đều vào Nam kiếm sống. Họ làm đủ nghề, từ bán vé số, làm công, bán hủ tiếu đến làm công nhân... Mặc dù cuộc sống khó khăn đủ bề, nhưng cũng đỡ vất vả hơn so với việc “bám” vào mấy sào ruộng.

Dường như, khắp mọi miền quê trên địa bàn Hà Tĩnh, làn sóng ly hương sau mỗi dịp tết xảy ra từ khá lâu và những năm gần đây, số lượng người vào Nam, ra Bắc, xuất ngoại làm thuê càng tăng lên. Không thể phủ nhận một điều là ly hương đã tạo cơ hội việc làm cho thanh niên, tăng thêm thu nhập cho các gia đình và góp phần làm thay đổi bộ mặt ở các vùng nông thôn. Thế nhưng, “cơn lốc” ấy cũng đang khiến các làng quê dần vắng bóng thanh niên. Trên đồng ruộng, bây giờ, chủ yếu là các chị, các mẹ và cụ già, em nhỏ; một số diện tích đất phải bỏ hoang vì thiếu lao động.

Cụ Dương Thanh (Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên) tâm sự: “Trước đây, vào ngày mùa, chủ yếu là thanh niên ra đồng thì nay chỉ toàn phụ nữ luống tuổi và các em nhỏ. Mỗi dịp lễ, cưới hỏi, thanh niên cùng xắn tay làm, khiến làng trên, xóm dưới đều đông vui nhưng nay thì không thấy đâu”.

Theo điều tra mới đây của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, tại thời điểm 30/11/2014, toàn tỉnh có 16.532 người chuyển đi ngoại tỉnh, trong đó, 9.228 người đi làm ăn, 3.987 người đi học, 3.317 người đi với lý do khác. Làn sóng ly hương diễn ra khắp 12/12 huyện, thị, thành phố, nhưng cao nhất là: Kỳ Anh (3.459 người), Thạch Hà (2.184 người), Cẩm Xuyên (1.763 người), Lộc Hà (1.509 người)...

Anh Biện Lương Hiền - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lộc Hà cho biết: “Do ảnh hưởng của làn sóng ly hương nên mặc dù, tỷ suất sinh thô của huyện Lộc Hà nhiều năm qua đều cao nhưng trong vòng 7 năm, quy mô dân số toàn huyện cũng chỉ tăng 500 người. Thanh niên ở nông thôn dù chưa đủ tuổi lao động nhưng có sức khỏe, không học hành nữa thì đều vào Nam làm ăn. Đến tết, lao động về quê nườm nượp, nhưng ra tết thì làng quê nào cũng vắng hoe, chỉ còn người già và trẻ nhỏ”.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, đằng sau những cuộc chia tay người thân để ly hương kiếm sống là nỗi niềm để lại trong lòng người đi, kẻ ở, khiến ai chứng kiến đều không khỏi chạnh lòng. Và hệ lụy của làn sóng này là các phong trào do địa phương phát động đều gặp khó khăn, đặc biệt là tình trạng “thiếu hụt” lao động ở vùng nông thôn.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast