Mất an toàn lao động trong khai thác hải sản

Thời gian qua, các cấp, ngành ở Hà Tĩnh đã có nhiều cố gắng vận động, giúp đỡ ngư dân mua sắm trang thiết bị thông tin, cứu hộ nhằm giúp ngư dân hoạt động an toàn trên biển. Tuy nhiên, vấn đề an toàn lao động nghề biển hiện nay vẫn đáng lo ngại, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

Hà Tĩnh hiện có 3.790 tàu cá với 13.717 lao động thường xuyên làm việc trên biển, trong đó có 3.010 tàu cá lắp máy công suất dưới 20 CV (chất lượng thấp, chủ yếu mua lại ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình).

Năm 2010, Hà Tĩnh xảy ra 7 vụ tai nạn tàu cá làm chết 3 người, thiệt hại ước tính trên 200 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn trên vẫn là do thiếu thông tin liên lạc, thiếu trang thiết bị an toàn kỹ thuật, ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá của một số bộ phận ngư dân kém.

Không chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn là nguyên nhân chính dẫn đến các tai nạn trên biển
Không chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn là nguyên nhân chính dẫn đến các tai nạn trên biển

Theo Chi Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (KT&BVNLTS) Hà Tĩnh, trang thiết bị đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hiện còn thiếu, chưa đồng bộ. Toàn tỉnh chỉ có 3 tàu được trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa (ICOM), khoảng 46% (361/780 tàu cá) hoạt động vùng lộng và vùng khơi có trang bị máy thông tin liên lạc tầm gần, 450 tàu cá có trang bị máy thu trực canh để theo dõi diễn biến thời tiết, khoảng 2.500/13.717 thuyền viên lao động trên tàu được trang bị phao cứu sinh cá nhân.

Chi Cục trưởng Chi Cục KT&BVNLTS Hà Tĩnh Trần Xuân Hoàng cho biết: Để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, Chi cục đã phối hợp với cơ quan chức năng, địa phương thường xuyên nắm bắt thông tin tàu cá để chỉ đạo sản xuất và triển khai phương án phòng tránh thiên tai trên biển, đặc biệt là trong những ngày có bão, áp thấp nhiệt đới; nâng cao ý thức cộng đồng về công tác phòng chống thiên tai trên biển, đặc biệt là đội ngũ quản lý Nhà nước liên quan; tăng cường phương tiên và cơ sở hạ tầng phục vụ công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển; tổ chức tuyên truyền tập huấn, phát tờ rơi cho ngư dân và cán bộ phụ trách thuỷ sản các xã ven biển về quy định an toàn tàu cá, kiến thức cơ bản về bão, phương pháp neo đậu khi tránh bão và cách xử lý khi có sự cố xảy ra.

Cùng đó, Chi cục đã hướng dẫn, chỉ đạo ngư dân thành lập các tổ, đội khai thác trên biển, đặc biệt là thành lập các tổ đội khai thác vùng xa bờ và vùng lộng để hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như trong việc xử lý tai nạn, cung cấp, trao đổi thông tin về diễn biến thời tiết, ngư trường…; cung cấp địa chỉ các đơn vị cứu hộ, cứu nạn tại khu vực tàu hoạt động để ngư dân kêu gọi cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều tổ, đội được thành lập nhưng không đoàn kết, ra biển đường ai nấy đi; nhiều chủ tàu không muốn đi gần nhau, thường tìm cách tách xa nhau để tìm luồng cá nên khi bị nạn, thông báo cho nhau cũng không kịp ứng cứu.

Theo Trung tá Trương Thanh - Trưởng Ban Tác chiến BCH Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, tình hình tai nạn trên biển chủ yếu từ chủ quan của ngư dân. Đó là việc vi phạm các quy định về an toàn trên biển như: không mang áo phao, phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc; đăng ký, khai báo không chính xác vùng, toạ độ đánh bắt cá của ngư dân với cơ quan chức năng trước khi ra khơi. Từ đó, khi ngư dân bị nạn, công tác cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn trong xác định vị trí của tàu bị nạn.

Nhiều tàu có vỏ tàu, máy tàu và các thiết bị trên tàu quá cũ. Do thiết kinh phí đầu tư, nhiều tàu đã đại tu quá nhiều lần, không đảm bảo an toàn vẫn cố tình ra khơi nên tỷ lệ rủi ro càng cao. Đặc biệt, nhiều chủ tàu không sắm ICOM, thiết bị liên lạc tầm xa nên khó khăn trong tiếp nhận và phát đi thông tin khi gặp nạn. Phần lớn các tầu hiện nay mới sắm bộ đàm liên lạc tầm ngắn nếu biển động, sóng lớn, có gần nhau cũng khó liên lạc.

“Nhiều chủ tàu khi đánh trúng đàn cá, sợ tàu khác biết nên tắt các thiết bị liên lạc, ung dung đánh cá một mình. Bởi thế khi tai nạn bất chợt xảy ra thì không thể gọi cho tàu bạn hoặc các đơn vị cứu hộ, cứu nạn kịp thời” – Chi Cục trưởng Trần Xuân Hoàng cho biết.

Để khắc phục và hạn chế tối đa rủi ro, tai nạn cho tàu cá trên biển cần có sự đồng thuận của người dân cũng như các ngành hữu quan trong công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành và sử dụng, đầu tư trang thiết bị cần thiết, đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển. Cùng đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra chất lượng tàu thuyền, cương quyết không cho bất cứ tàu cá nào không đủ điều kiện đảm bảo an toàn theo quy định ra biển hoạt động.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast