Mừng - lo xuất khẩu lao động

(Baohatinh.vn) - Là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, những năm qua, xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng lao động sang làm việc tại các thị trường nước ngoài tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều nỗi lo, thử thách cần phải giải quyết dứt điểm...

Ngoài những thị trường truyền thống cơ bản được giữ vững, thì thời gian gần đây, lao động xuất khẩu tỉnh ta đã có mặt ở một số thị trường thu nhập cao, điển hình là Nhật Bản. Ngoài mức thu nhập cao, thị trường Nhật Bản có sức hút lớn đối với người lao động bởi chế độ bảo hiểm, an sinh xã hội tốt, quyền lợi người lao động được bảo đảm.

Tư vấn XKLD: Cung cấp thông tin thị trường XKLĐ, tư vấn, tuyển chọn, tổ chức đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ cho người lao động ... là một trong những giải pháp giảm tỷ lệ người lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp. (ảnh chụp tại Trung tâm GTVL Hà Tĩnh)

Tư vấn XKLD: Cung cấp thông tin thị trường XKLĐ, tư vấn, tuyển chọn, tổ chức đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ cho người lao động ... là một trong những giải pháp giảm tỷ lệ người lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp. (ảnh chụp tại Trung tâm GTVL Hà Tĩnh)

Riêng năm 2015, toàn tỉnh có 624 lao động làm việc ở Nhật Bản, nâng tổng số lao động Hà Tĩnh đang làm việc tại đất nước này lên 1.330 người (giai đoạn 2011-2015). Lao động Hà Tĩnh làm việc tại Nhật Bản chủ yếu theo hình thức tu nghiệp sinh với các ngành nghề như: dệt, may mặc, lắp ráp điện tử, gia công cơ khí… Điều này cho thấy đây là chương trình có nhiều triển vọng trong tương lai.

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân có nhu cầu tham gia XKLĐ, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, giới thiệu các đơn vị, doanh nghiệp đủ điều kiện được cấp phép tuyển dụng lao động xuất khẩu; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu quyền lợi, nghĩa vụ của người đi XKLĐ; thường xuyên cập nhật, tư vấn những thông tin cần thiết về thị trường, nghề nghiệp, chi phí, lương và các điều kiện liên quan… từ đó, lựa chọn thị trường phù hợp với nhu cầu, trình độ và năng lực tài chính.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Việc làm - An toàn Lao động (Sở LĐ-TB&XH), một số thị trường XKLĐ lớn của Hà Tĩnh có nguy cơ bị thu hẹp do tỷ lệ lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp có chiều hướng gia tăng. Riêng thị trường Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp đã công khai không tuyển lao động Hà Tĩnh.

Đối với thị trường Hàn Quốc, Hà Tĩnh đứng đầu cả nước về tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp. Mặc dù năm qua, tỉnh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: tổ chức các hội nghị tuyên truyền, vận động lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước… nhưng tính đến hết năm 2015, trên địa bàn toàn tỉnh, tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp vẫn chiếm rất cao.

Thời gian gần đây, thị trường Nhật Bản được lao động Hà Tĩnh quan tâm nhất

Thời gian gần đây, thị trường Nhật Bản được lao động Hà Tĩnh quan tâm nhất

Đặc biệt, năm 2016, Hà Tĩnh có số lao động phải về nước cao nhất từ trước tới nay với 964 người, trong đó, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2016 là 909 người, chiếm 94,29%. Như vậy, nếu tính cả số lao động hết hạn hợp đồng hiện chưa về nước (đến hết năm 2015 là 722 người) thì số lao động Hà Tĩnh cần phải tuyên truyền, vận động về nước trong năm 2016 là 1.686 người.

“Nếu các cấp chính quyền không có giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống dưới 30% (theo chỉ tiêu của Chính phủ đề ra) thì nguy cơ Hàn Quốc đóng cửa thị trường đối với lao động Việt Nam nói chung và lao động Hà Tĩnh nói riêng là hoàn toàn có cơ sở” - ông Đặng Văn Dũng nhận định.

Năm 2015, toàn tỉnh có hơn 6.000 người đi XKLĐ theo hợp đồng (so với năm 2014 tăng hơn 390 lao động), trong đó, tập trung ở các nước: Đài Loan: 2.100 người, Hàn Quốc 1.350, Nhật Bản 624, Malaysia 820; các nước Trung Đông và Bắc Phi 780; EU và các nước Đông Âu 580.

.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast