Mưu sinh – “năng nhặt, chặt bị”

(Baohatinh.vn) - Không may mắn như nhiều người khác, họ phải tự học nghề hay đi làm thuê với nhiều nghề khác nhau để nuôi sống bản thân và gia đình. Họ làm những công việc đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa có thêm thu nhập. Những công việc của họ đang tô điểm cho cuộc sống thêm ý nghĩa.

“Không có điều kiện học đại học, cao đẳng, tôi quyết định học nghề cắt tóc nam. Sau 2 tháng, tôi đã có thể cắt thành thạo. Lúc đầu ít khách, giờ mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng” - anh Tuấn, thợ cắt tóc trên đường Hải Thượng Lãn Ông (TP Hà Tĩnh) tâm sự.

Theo Tuấn, nghề cắt tóc không khó, không cần trình độ học vấn cao, chỉ cần đôi bàn tay khéo léo cộng với sự chịu khó và tỉ mẩn. Đặc biệt, đây được ví như nghề “làm dâu trăm họ”, vì thế, đòi hỏi các tay kéo phải biết chiều theo sở thích của khách hàng.

Mưu sinh – “năng nhặt, chặt bị” ảnh 1

Em Nguyễn Thị Hằng, quê ở Diễn Châu, Nghệ An vì điều kiện gia đình khó khăn nên vào Hà Tĩnh làm nghề bán hàng rong kiếm tiền phụ gia đình. Ảnh: Thành Nam

Hiện nay, bên cạnh các trung tâm dạy nghề, nhiều tiệm cắt tóc ở TP. Hà Tĩnh cũng thường xuyên thông báo nhận dạy nghề. Mùa này, các dịch vụ cắt, uốn, sấy, nhuộm tóc nữ đang rộn rịp và không ít tiệm kiếm được cả chục triệu đồng vào những ngày cao điểm.

Với thâm niên 3 năm trong nghề dán điện thoại trên đường Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh), đều đặn hàng ngày, Hà làm việc từ 8h sáng - 7h tối. “Nghề dán điện thoại, laptop không khó để khởi nghiệp. Dụng cụ hành nghề chỉ gồm giấy dán, khăn lau, dao rọc, bật lửa... kèm theo một chút khéo tay nên ngày càng có nhiều người chọn nghề này để mưu sinh” - Hà cho biết.

Số người hành nghề đông, nên để có thu nhập từ nghề này không đơn giản. Ngày nhiều cũng kiếm được hơn trăm nghìn, ngày ít vài ba chục nghìn, những hôm nắng mưa thất thường thì ế khách. Khi nói về dự định tương lai, Hà bảo: “Giờ khách hàng có xu hướng chọn các cơ sở lớn, không tin tưởng vào tay nghề những người như chúng em, số lượng khách hàng vì thế cũng giảm rất nhiều. Em cố gắng làm việc, tích cóp để thuê một cửa hàng đàng hoàng”.

Mưu sinh – “năng nhặt, chặt bị” ảnh 2

Những người đạp xích lô đang chờ việc trên đường Trần Phú (TP. Hà Tĩnh). Ảnh: Thành Nam

Ông Hùng mưu sinh bằng nghề sửa xe đạp hơn 10 năm trên đường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) với dụng cụ quen thuộc như bơm, dao, kéo, nạy, cao su, keo dán... Lau mồ hôi lăn trên má, ông bảo: Khoảng 15 năm về trước là quãng thời gian tôi có nhiều việc làm nhất. Khi đó rất đông khách, bởi có nhiều người đi xe đạp. Giờ đây, xe máy đã thành phương tiện thông dụng, khách hàng ít hẳn. Có khi cả ngày ông Hùng chỉ bơm, vá được một vài bánh xe cho học sinh, các bà đi chợ. Ngày nhiều kiếm được 50-70 nghìn đồng, nhưng có ngày chẳng được đồng nào. “Nghề vá săm xe bên phố giờ khó lắm” - ông Hùng trầm ngâm.

Nói đến nghề mưu sinh, có lẽ chẳng thể đếm xuể, có người chọn gánh hàng rong; có người lại chọn cho mình một “quầy” di động là chiếc xe đạp cũ kỹ, rong ruổi khắp con phố để bán hàng; người làm thợ sơn PU; người thì khoan cắt bê tông… Tất cả họ đã trở thành một phần của cuộc sống đời thường. Điều quan trọng là họ đang kiếm tiền lương thiện để duy trì cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast