Nâng cao ý thức người dân về ATLĐ-PCCN

“An toàn sức khỏe tại nơi làm việc – một trong những quyền cơ bản của người lao động” là chủ đề của Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) lần thứ 12 năm 2010 diễn ra từ ngày 14 đến 21-3.

Đây là dịp để các cơ quan, đơn vị thường xuyên thực hiện kiểm tra, rà soát công tác ATVSLĐ-PCCN, trên cơ sở đó có biện pháp khắc phục, bổ cứu kịp thời những thiếu sót, đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động và tài sản của Nhà nước và công dân.

Công ty Gas Thăng Long (Hà Tĩnh) diễn tập kỹ thuật PCCC.
Công ty Gas Thăng Long (Hà Tĩnh) diễn tập kỹ thuật PCCC.

Theo thống kê, năm 2009, cả nước xảy ra 6.250 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 6.421 người bị nạn, 550 người chết, 1.221 người bị thương, 1.948 vụ cháy, trong đó cháy lớn 24 vụ, 271 vụ cháy rừng làm 62 người chết, 145 người bị thương, thiệt hại ước tính trên 500 tỷ đồng và 1.373 ha rừng.

Từ đầu năm đến nay, thời tiết nắng nóng bất thường, nhiều vụ cháy lớn liên tiếp xảy ra gây hậu quả hết sức nghiêm trọng. Đặc biệt, chỉ trong 2 ngày (10 và 11-3), vụ cháy khu chung cư cao 18 tầng ở đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân – Hà Nội) và vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại doanh nghiệp gia công nệm mút Siêu Vĩnh Lợi (Bình Dương) đã làm chết 9 người, bị thương nhiều người.

Trên địa bàn Hà Tĩnh, năm 2009 xảy ra 41 vụ TNLĐ, làm chết 6 người, bị thương 36 người. Riêng vụ TNLĐ do sập giàn giáo xảy ra tại trường Mầm non Thịnh Lộc (Lộc Hà) làm chết 2 người, bị thương nặng 3 người. Cũng trong năm qua xảy ra 41 vụ cháy, trong đó có 23 vụ cháy rừng làm chết 1 người, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng và 24 ha rừng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hậu quả trên, nhưng trong đó nguyên nhân chủ quan là ý thức của người dân về công tác ATVSLĐ-PCCN chưa cao, không chấp hành nghiêm túc các quy trình, quy định về ATVSLĐ-PCCN. Ở các khu dân cư, chợ, việc sử dụng điện, lửa, khí đốt hóa lỏng, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã còn rất tùy tiện. Một bộ phận người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chỉ quan tâm đến cơ sở SXKD mà chưa thực sự chú trọng đến công tác đảm bảo ATLĐ-PCCN. Hoặc có cơ quan, đơn vị có đầu tư trang bị phương tiện PCCN nhưng không hướng dẫn nghiệp vụ cho CBCNV và nhân dân nên khi xảy ra cháy, nhiều người lúng túng trong sử dụng phương tiện chữa cháy.

Hiện nay, Hà Tĩnh đang triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án lớn tại KKT Vũng Áng; mỏ sắt Thạch Khê; KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang... Vì vậy, nhiệm vụ ATVSLĐ-PCCN càng được đặt ra hết sức quan trọng và cấp thiết.

Để Tuần lễ ATVSLĐ-PCCN thật hiệu quả thiết thực, nâng cao ý thức của người dân, đòi hỏi sự tham gia tích cực và có trách nhiệm hơn nữa của toàn xã hội. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở SXKD phải tổ chức học tập, huấn luyện thực hiện các quy trình, quy phạm kỹ thuật về ATVSLĐ-PCCN cho người lao động, tạo ý thức, thói quen, tác phong làm việc tốt, đồng thời đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị bảo hộ lao động, PCCN, cải thiện điều kiện làm việc, thực hiện các chế độ chăm sóc sức khỏe đối với người lao động, bảo vệ môi trường. Nhưng, điều quan trọng nhất là không ngừng nâng cao ý thức của mỗi người về công tác ATLĐ-PCCN...

Đảm bảo ATVSLĐ-PCCN là việc làm thường xuyên, là đạo lý, trách nhiệm của toàn xã hội có ý nghĩa quan trọng trong phát triển sản xuất, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, góp phần ổn định xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast