Nghề thợ hồ hiểm nguy rình rập

(Baohatinh.vn) - Đối với những lao động nông thôn, ngoài thu nhập từ những sào ruộng thì mỗi người còn tìm cho mình một nghề phụ để nuôi sống gia đình. Làm thợ hồ, thợ xây (có người gọi thợ nề) là nghề được nhiều người dân vùng quê chọn để mưu sinh. Tuy nhiên, khi nghe những câu chuyện rủi ro do nghề, tôi mới rùng mình nhận ra những đắng cay của một đời thợ.

Tay trần, chân… dép

Thạch Đỉnh (Thạch Hà) là một trong những địa phương có số người theo nghiệp thợ hồ nhiều nhất tỉnh. Ở thôn Tây Sơn theo thống kê thì khoảng 80% người dân theo nghiệp cầm bai, xúc hồ để kiếm sống. Phần lớn những thợ hồ trong thôn đều mạnh dạn đứng ra nhận các công trình rồi kêu gọi con em trong làng đi làm. Ngoài các công trình trong xã, huyện, họ còn nhận các công trình ở những huyện khác như: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, TX Hồng Lĩnh...

Hầu hết giàn giáo đều là những cọc tre, cây phi lao được dựng lên làm chân chống néo rất mất an toàn

Hầu hết giàn giáo đều là những cọc tre, cây phi lao được dựng lên làm chân chống néo rất mất an toàn

Không chỉ Tây Sơn mà hiện nay thôn Vĩnh Hòa cũng có hơn 50% người dân tìm đến nghề thợ hồ để mưu sinh. Theo ông Hồ Văn Thăng - thợ hồ lâu năm thì hầu hết thợ nề chỉ làm thời vụ nên công việc không ổn định. Được một thời gian, khi đến vụ mùa lại nghỉ để về làm cùng gia đình. Do chỉ làm tranh thủ nên nhóm thợ các anh cũng chỉ cần 1 chiếc bai, bàn xoa và vài cái thước nhôm. Còn đồ bảo hộ thì không cần có vì làm lâu thành quen. “Thợ mùa, thợ quê bảo hộ làm chi cho rườm rà. Tay trần mới dễ làm” - anh Hồ Văn Hà chia sẻ.

Rời Thạch Đỉnh, chúng tôi tìm về xã Ích Hậu, một trong những vùng quê có số người theo nghiệp thợ nề nhiều nhất huyện Lộc Hà. Được sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhóm thợ nề của anh Hoài. Khi chúng tôi đến thì cả nhóm thợ 8 người của anh đang hì hục hoàn thiện ngôi nhà cấp 4 mà người ta vừa thuê làm cách đây chừng 3 tuần. Đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng một người đàn ông đứng chót vót trên khung giàn giáo cách mặt đất khoảng 4m. Nhìn giàn giáo lắc lư, chúng tôi lạnh người vì nếu bị gãy thì không biết hậu quả sẽ như thế nào?

Dù đang bận trang trí họa tiết ở phần mái che mặt tiền ngôi nhà nhưng thấy chúng tôi anh Hoài cũng dừng việc xuống tiếp chuyện. Ở độ cao gần 4m, Hoài nhảy từ giàn giáo trên xuống giàn giáo dưới, mỗi lần nhảy, chiếc giàn lại lung lay dữ dội, mấy tấm ván cong lên, lệch bên này, nghiêng bên kia, trông phát sợ.

Vừa nói chuyện, Hoài vừa uống ngụm chè xanh đặc quánh. Đôi tay trần của anh đang nhòe nhoẹt vữa hồ, bụi xi măng bám khắp người. “Hội thợ bọn tui làm từ 7h sáng - 11h30’, còn buổi chiều thì từ 1h30’ đến tối mới nghỉ. Đồ đạc làm nghề mỗi thợ tự sắm. Riêng giàn giáo, cốp-pha thì cả hội đứng ra mua hoặc thuê. Do chỉ là thợ mùa nên nhà tui không có tiền thuê giàn giáo sắt, lắp ráp sẵn mu, toàn phải thuê mấy tấm ván rồi tận dụng tre làng, phi lao cho đỡ kinh phí” - Hoài lý giải. Chúng tôi đi một vòng quanh ngôi nhà còn dang dở. Hầu hết giàn giáo đều là những cọc tre, cây phi lao được dựng lên làm chân chống néo lại bằng những chiếc lốp xe đạp hoặc dây được cắt ra từ bao xi măng rồi đặt các tấm ván có độ dày từ 2-3 cm. Mỗi lần có người lên là chiếc giàn giáo lại lắc lư. Hàng ngày tiếp xúc với bụi xi măng, vữa hồ, gạch đá nhưng hầu hết các thành viên trong nhóm đều không có bảo hộ lao động, chỉ tay trần, chân đi dép...

Xã Phù Lưu (Lộc Hà) - nơi có khá nhiều nhóm thợ xây đang hành nghề. Nhóm thợ anh Ka là một trong những nhóm khá đắt khách tại vùng quê này. Theo những người dân trong xã, hầu hết những ngôi nhà 2 tầng trong xã đều do nhóm này thi công. Nhóm Ka cũng không khác hơn so với nhóm của Hoài là mấy, vẫn là giàn giáo tre chông chênh, tay trần chân đất mưu sinh.

“Đói nên… đầu gối phải bò”!

Hầu hết những người làm thợ nề ở các vùng quê đều là tay ruộng tay nghề nên nguồn thu nhập tương đối ổn định, con cái được học hành. Chính vì vậy, dù khó nhọc, vất vả, thậm chí đang từng ngày chết mòn vì nghề thì những người thợ mùa này vẫn cứ bám trụ.

Công nhân các đơn vị đang thi công trên công trường Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 luôn thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn khi làm việc
Công nhân các đơn vị đang thi công trên công trường Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 luôn thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn khi làm việc

Ông Hồ Văn Nam - Trưởng thôn Vĩnh Hòa (Thạch Đỉnh) phân trần: “Do thiếu nước nên nông nghiệp chỉ làm được một vụ đông xuân, còn hè thu thì đành bỏ hoang nên lúa chỉ đủ ăn, không có bán. Muốn có chi tiêu, trang trải trong gia đình thì phải đi làm nghề phụ. Và thợ hồ là nghề được nhiều người trong thôn chọn lựa nhất vì thu nhập cũng khá cao”. Khi đề cập đến những tai nạn do nghề thợ hồ, ông Nam buồn rầu: “Việc gãy giàn giáo, gạch đá rơi trúng đầu thường xuyên xẩy ra nhưng đành phải chấp nhận vì cuộc sống. Còn đồ bảo hộ thì thật sự là khó vì chủ yếu là thợ quê, thợ mùa nên chưa ai chú ý”.

Anh Cường (xã Phù Lưu) có thâm niên hơn 5 năm trong nghề, từ Bình Dương, Sài Gòn, Quảng Ngãi và nay về làm ở quê nhà. “Làm nghề ni thì nhọc lắm, tay chân bị hồ ăn trắng xóa, rửa không ra. Có nhiều khi còn bị gạch đá rơi trúng đầu chảy máu” - vừa nói, Cường vừa giơ đôi tay sần sùi do vữa hồ bám dính lâu ngày cho chúng tôi xem. Bù lại, mỗi ngày, Cường thu nhập khoảng 180-200 ngàn đồng, cao hơn hẳn so với làm ruộng.

Làm nghề này sợ nhất là sập giàn giáo. Câu chuyện anh Bưởi - thợ nề ở Ích Hậu bị sập giàn giáo rơi xuống gãy nát xương phải cưa mất một chân khiến những thợ nề khác không khỏi lo sợ.

Mặc dù hiểm nguy rình rập nhưng những người thợ nề không thể dứt khỏi nghề. Vì theo nhiều người, nếu không làm nghề này thì họ biết làm nghề gì để kiếm sống. Chỉ dựa vào mấy sào ruộng chỉ đủ ăn chứ không có tiền trang trải cuộc sống. Vào Nam, ra Bắc mưu sinh thì không phải khi nào cũng làm được ăn. Nghe chuyện nghề của những người thợ quê, trong chúng tôi dâng lên niềm thương cảm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast