Người tìm việc hay việc tìm người?

(Baohatinh.vn) - Theo số liệu khảo sát của Sở LĐ-TB&XH, tính đến tháng 2/2014, toàn tỉnh có 6.731 lao động chưa có việc làm, trong đó có 5.316 lao động đã qua đào tạo (thạc sỹ 11 người, đại học (ĐH) 1.532, cao đẳng chuyên nghiệp 1.587, cao đẳng nghề 592, trung cấp chuyên nghiệp 724, trung cấp nghề 670, sơ cấp nghề và học nghề ngắn hạn 200 người). Từ số liệu trên cho thấy, đại bộ phận học sinh (HS) không mấy mặn mà với chuyện học trung cấp nghề, cao đẳng nghề. Điều này cũng xuất phát công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS chưa được quan tâm đúng mức, nhận thức của HS, sinh viên và gia đình về việc làm còn lệch lạc, còn có suy nghĩ vào biên chế nhà nước thì mới gọi là có việc làm.

Người tìm việc

Ngôi nhà cấp 4 của bà Sử Thị Vinh nằm trong ngõ 38, đường Nguyễn Du (phường Thạch Quý - TP Hà Tĩnh), cuộc sống gia đình chỉ nhìn vào quán bán hàng tạp hóa. Tuy lam lũ nhưng bà Vinh rất tự hào khi con trai Nguyễn Quyết Thắng thi đậu vào Trường ĐH Đà Nẵng. Bốn năm con theo học ĐH, bà tảo tần, chắt chiu từng đồng. Năm 2011, với tấm bằng ĐH ngành Lịch sử xếp loại khá, Nguyễn Quyết Thắng ôm mộng về quê xin việc, nhưng 3 năm trôi qua, em đã gửi hồ sơ đi nhiều nơi mà vẫn chưa có việc làm. Có việc làm và làm đúng ngành nghề đào tạo luôn là ước mơ của nhiều người, nhưng với Nguyễn Quyết Thắng, mơ ước có một việc làm dù không đúng với ngành nghề đào tạo vẫn là điều không dễ.

Thừa thầy, thiếu thợ khiến tình trạng thiếu việc làm ngày càng trầm trọng. Trong ảnh: Nộp hồ sơ thi tuyển công chức xã ở huyện Can Lộc. Ảnh: Tuấn vũ
Thừa thầy, thiếu thợ khiến tình trạng thiếu việc làm ngày càng trầm trọng. Trong ảnh: Nộp hồ sơ thi tuyển công chức xã ở huyện Can Lộc. Ảnh: Tuấn vũ

Khác với trường hợp của Thắng, Nguyễn Thùy Linh (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) tốt nghiệp ĐH Luật đã 4-5 năm nay vẫn loay hoay tìm việc ở khối các cơ quan nhà nước, mặc dù đã có những công ty tư nhân mời em đến thử việc. Mẹ Linh cho biết: “Gia đình đang tìm các cơ quan cấp tỉnh hoặc ban ngành, hội đoàn thể có tuyển dụng biên chế để vào làm việc. Biết là không có việc làm cũng tội cháu lắm nhưng phải làm nơi nào “chắc ăn”, ổn định lâu dài”.

Nói về thực trạng nhiều lao động đã qua đào tạo chưa có việc làm hiện nay, ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Việc làm - Sở LĐ-TB&XH chia sẻ: Nguyên nhân do người lao động ở tỉnh ta không chịu tìm việc làm và chỉ chờ việc theo ý muốn hoặc theo ngành nghề đã học. Trong khi đó, nhiều lao động ở các tỉnh lân cận đến làm việc tại Hà Tĩnh lại rất linh hoạt tự chuyển đổi nghề, cần cù lao động và ý thức tốt nên đã có thu nhập ổn định. Thời gian qua, để tạo việc làm cho người lao động, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo, trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức nhiều hội nghị, ngày hội việc làm. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động theo danh sách điều tra của các huyện tham gia ngày hội việc làm - học nghề chỉ đạt 30-35%.

Việc tìm người

Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Trần Anh Đức (phường Hà Huy Tập – TP Hà Tĩnh) theo học lớp dạy nghề sửa xe máy. Tốt nghiệp khóa học, anh vay mượn tiền của người thân đầu tư mở một hiệu sửa xe máy để kiếm sống với thu nhập ổn định.

Không riêng anh Đức, không ít người làm nghề vẽ biển quảng cáo, tranh đá, trang trí đèn hộp, mua xe du lịch cho thuê, mở cửa hàng, cửa hiệu... nhờ chịu khó, năng động, họ vẫn có đời sống dư dả. Không ít người tốt nghiệp ĐH đã đầu quân cho các doanh nghiệp tư nhân rồi trưởng thành, được đóng BHXH, có cuộc sống ổn định. Có những kỹ sư tốt nghiệp ĐH không tìm việc trong các cơ quan nhà nước mà về lập doanh nghiệp tư nhân, mở trang trại, làm kinh tế giỏi. Vợ chồng anh Hùng (Phúc Đồng - Hương Khê) đều tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp, về quê lập trang trại trồng trọt, chăn nuôi, bán con giống, thuốc thú y và chữa bệnh cho gia súc, gia cầm. Nhờ có kiến thức, họ đã trồng trọt tốt, chăn nuôi giỏi, kinh doanh phát đạt. Với họ, học là để lấy kiến thức làm việc chứ không phải để vào biên chế nhà nước.

Thực tế cho thấy, hiện nay, nhận thức của một bộ phận học sinh, sinh viên và gia đình các em chưa đầy đủ về vấn đề học nghề, việc làm. Còn có tư duy vào biên chế nhà nước thì mới gọi là có việc làm. Ngoài tư duy đó, suy nghĩ học để “làm thầy” ăn sâu trong tiềm thức người Hà Tĩnh. Vì vậy, hằng năm, số học sinh là người Hà Tĩnh dự tuyển vào các trường ĐH chiếm tỷ lệ lớn. Và khi đã có bằng ĐH, rất ít người chịu từ bỏ nó để đi theo một nghề lao động có thu nhập mà cứ loay hoay mãi với bài toán việc làm.

Trong khi nhiều lao động đã qua đào tạo chưa tìm được việc làm thì lại có rất nhiều việc cần người làm, thậm chí là thiếu trầm trọng như: thợ điện lạnh, thợ hàn, thợ mạ kim loại, thợ xây lò cao, thợ xây lành nghề v.v... Vào đầu mùa hè, thợ điện lạnh “bói không ra”, nhiều cơ quan gọi cả tuần thợ vẫn chưa đến. Ngay cả ở lĩnh vực xây dựng, thợ Hà Tĩnh vẫn “thua trên sân nhà”. Một chủ thợ xây người Huế đang xây nhà cho một gia đình ở đường Phan Đình Giót cho biết: Thợ của anh người Huế là thợ chính, người Hà Tĩnh là thợ phụ. Thợ chính làm rất kỷ luật và trách nhiệm, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng, việc làm không hết. Còn thợ xây bản địa thường về rất sớm, tác phong rề rà, lại hay nghỉ nên thu nhập không đáng là bao.

Bạn Nguyễn Thị Hằng, cựu sinh viên lớp Anh Văn - khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Hà Tĩnh hiện đang làm quản lý bộ phận lễ tân ở một khách sạn lớn tại Huế chia sẻ: “Hiện nay, chế độ của các công ty tư nhân rất tốt. Chưa kể đến yếu tố các bạn có thể chủ động mềm dẻo và linh động hơn trong công việc, không yêu thích hoặc cảm thấy công việc nhàm chán thì có thể đổi lĩnh vực khác… Tôi nghĩ các bạn hãy thay đổi tư duy trong việc chọn nghề và vị trí làm việc”.

Vấn đề mấu chốt là người lao động cần nhận diện đúng về nhu cầu ngành nghề mà xã hội cần để nắm bắt cơ hội học tập, vươn lên, tìm cho mình việc làm phù hợp để có thể nuôi sống bản thân và gia đình, đóng góp cho xã hội. Khi đã thay đổi được nhận thức, cộng với đức tính cần cù, chịu khó, kỷ luật cao, chúng ta sẽ không phải loay hoay nhiều với 2 chữ: việc làm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast