Nhà gỗ có "đất dụng võ"

(Baohatinh.vn) - Kinh tế khá lên cũng là lúc nhiều gia đình ở Hà Tĩnh muốn dựng những ngôi nhà gỗ vừa cổ kính, vừa hiện đại để sinh hoạt. Đáp ứng nhu cầu đó, những kíp thợ đục nhà gỗ từ Can Lộc, Hương Sơn, Hương Khê lại có “đất dụng võ”, vừa mang lại thu nhập đáng kể, vừa giữ được nghề truyền thống.

Nhà gỗ có "đất dụng võ" ảnh 1

Bắt đầu từ những công đoạn đầu tiên, người thợ đã phải tập trung để có những chi tiết dựng chuẩn xác nhất

Kíp thợ đục nhà gỗ từ Can Lộc do bác Ngọc làm thợ cả đang triển khai những công đoạn đầu tiên cho ngôi nhà 3 gian ở Hương Sơn. Khi nhận làm, kíp thợ gồm 10 người từ Mỹ Lộc mang tất cả đồ nghề đến đây cùng ăn, cùng ở với gia chủ để hoàn thành công việc trong thời gian sớm nhất. Chính vì lẽ đó nên thường thấy hình ảnh những anh thợ làm nhà gỗ chỉ cần tay đục, tay búa là có thể đi khắp nơi để “tung hoành”.

Bác Ngọc chia sẻ: “Cũng có một thời gian khá dài, anh em chúng tôi ít việc. Để giữ nghề, chúng tôi nhận làm thêm những việc liên quan đến gỗ lạt như làm cửa, tủ, trần,… đồng thời, thường xuyên học hỏi, trau dồi những kiểu nhà mới để khách hàng cần là đáp ứng ngay. Vài năm nay, kíp thợ nhận được đơn hàng nhiều hơn, thị trường rộng hơn, có khi phải đi ra các tỉnh lân cận để làm nên anh em rất phấn khởi, gắn bó với nghề “nhất thổ, nhì mộc” đầy vất vả này”.

Nhà gỗ có "đất dụng võ" ảnh 2
Nhà gỗ có "đất dụng võ" ảnh 3

Kiểu dáng nhà gỗ tám oai đang được khách hàng ưa chuộng

“Sống trong nếp nhà gỗ ấm về mùa đông, mát về mùa hè, mới thấy hết cái thú quê điền viên tao nhã và cảm thấy con người hòa nhập với thiên nhiên. Nhà gỗ rất thích hợp với môi trường sinh hoạt nông thôn. Khi có việc hiếu, việc hỷ… mở hết cửa ra, rất thoáng rộng, bày biện được nhiều thứ, trông thật bề thế, phong lưu” - bác Lê Văn Quyền ở Sơn Lĩnh (Hương Sơn), người đang sở hữu 2 căn nhà gỗ chia sẻ suy nghĩ chung của nhiều người. Đây cũng chính là động lực để những người làm nhà gỗ trau dồi, học hỏi thêm kỹ thuật mới.

10 thợ gỗ, người nào việc nấy, đang tập trung triển khai những chi tiết đầu tiên; tiếng bào, cưa, khoan đục làm khuấy động cả một vùng quê vốn dĩ yên tĩnh. Việc cất dựng nhà gỗ rất công phu. Đó là cả một nghệ thuật kiến trúc tinh xảo. Các vì kèo, mộng cột, xà thượng, xà nách... phải khít. Các chi tiết hạ, trắm đấu phải cân đối, vuông vắn. Ke chụp, xà mái phải phẳng phiu để khi lợp, các mũi ngói, rãnh ngói khớp với nhau... Tất cả các chi tiết chính xác tạo nên sự đăng đối, cốt dáng mềm mại và không gian ấm cúng của ngôi nhà.

Khi dựng nhà, công đoạn làm đẹp, chạm khắc mang tính quyết định, vừa thể hiện được nét riêng của gia chủ lại vừa khẳng định được tay nghề của các “nghệ nhân”. Bác Ngọc cho hay: “Việc chạm khắc tuy không vất vả như khi dựng nhưng lại đòi hỏi sự khéo tay, sáng tạo. Mỗi chủ nhà thường có sở thích khác nhau, cùng một chi tiết nhưng người thích chạm nổi, người lại ưa chạm thủng; người thích “tứ linh”, người ưa “tứ quý”, “bát quả” nên thợ phải thật nhanh ý trong cách thể hiện. Ngày nay, máy móc hỗ trợ nhiều nhưng các đội thợ “ăn nhau” ở việc chạm khắc thủ công nên thường những người có kinh nghiệm đảm nhận việc này và kiêm luôn vai trò thợ cả”.

Những kíp thợ thường tập trung từ 8-15 người có tay nghề, được chủ nhà giao khoán để dựng nên một ngôi nhà gỗ theo đúng yêu cầu. Thông thường, một nhà gỗ 3 gian làm trong 3 tháng được trả công từ 110-130 triệu đồng cho cả tổ. Tính ra, trung bình mỗi ngày mỗi người nhận trên dưới 300.000 đồng.

“Mặc dù khá vất vả nhưng anh em vẫn cảm thấy thoải mái khi được gắn bó với nghề để thỏa niềm đam mê. Khi nhu cầu khách hàng tăng cao, kết hợp với những kiểu cách làm nhà mới đòi hỏi những người làm nghề như bác phải trau dồi kinh nghiệm, học hỏi thêm kỹ thuật. Hy vọng, kíp thợ có ngày càng nhiều những đơn hàng ngoại tỉnh để được đưa những kỹ thuật của quê mình đi… trình diễn” - bác Đạt chia sẻ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast