Nhân lực du lịch Hà Tĩnh: Thiếu và yếu!

(Baohatinh.vn) - Mặc dù có khá nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng, nhiều bãi biển đẹp để phát triển du lịch nhưng cho đến nay, Hà Tĩnh vẫn xếp thứ hạng thấp so với các địa phương trong khu vực cũng như cả nước về ngành “công nghiệp không khói” này.

Thiếu và yếu

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu - Phát triển du lịch Việt Nam, lượng khách du lịch đến Hà Tĩnh xếp thứ 5/6 các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 39/63 tỉnh, thành cả nước. Đặc biệt, lượng khách lưu trú tại Hà Tĩnh đạt tỷ lệ rất thấp, trung bình 0,65 ngày/khách và chi phí du lịch chưa quá 20 USD/ngày/khách.

Đào tạo nghiệp vụ lễ tân nhà hàng, khách sạn tại Khoa Du lịch, Trường Cao đẳng VH-TT&DL Nguyễn Du.
Đào tạo nghiệp vụ lễ tân nhà hàng, khách sạn tại Khoa Du lịch, Trường Cao đẳng VH-TT&DL Nguyễn Du.

Ngoài chất lượng hạ tầng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu nên chưa thu hút nhiều du khách nghỉ dưỡng dài ngày thì yếu tố chủ quan mà ngành du lịch Hà Tĩnh cần sớm khắc phục, đó là chất lượng nguồn nhân lực. Hay nói cách khác, đội ngũ làm du lịch chưa sẵn sàng và chưa biết cách làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh kể, trong một bữa ăn tại một khách sạn khá lớn trên địa bàn TP Hà Tĩnh, ông gọi nhân viên phục vụ bàn đưa thêm bát nước mắm. Hơn 10 phút sau, nhân viên phục vụ mới đưa được bát nước mắm đến bàn và trong lúc vội vàng đã làm đổ nước mắm lên người khách. Tuy nhiên, thay vì xin lỗi khách, nhân viên nọ đã “hồn nhiên” cười và “tỉnh bơ” bỏ đi trước sự ngỡ ngàng của nhiều vị khách trong bữa tiệc.

Đó là một trong nhiều câu chuyện về phong cách phục vụ “thiếu văn hóa, thiếu chuyên nghiệp” của nhân viên phục vụ bàn tại một số nhà hàng, khách sạn trên địa bàn. Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ của hầu hết nhân viên lễ tân, buồng, bàn tại các nhà hàng, khách sạn còn hết sức yếu kém. Khách quốc tế lưu trú tại các khách sạn khi muốn đổi phòng hay yêu cầu dịch vụ nào đó phải rất vất vả dùng tay ra hiệu để giao tiếp với nhân viên. Giám đốc một khách sạn tâm sự, mỗi năm, đơn vị ông nhận được rất nhiều hồ sơ xin việc ở các vị trí kế toán, quản trị kinh doanh, marketing, thư ký, nhân viên văn phòng… trong khi đơn vị thật sự thiếu nhân sự ở các bộ phận bếp, buồng, phục vụ bàn, nhưng đăng thông báo tuyển dụng nhiều tháng ròng vẫn không tìm được người có tay nghề như ý muốn.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 147 cơ sở lưu trú với số phòng nghỉ xấp xỉ 3.200. Ngoài một số khách sạn lớn như BMC, White Place, Ngân Hà, Sailing... đã quan tâm thu hút nhân lực qua đào tạo vào làm việc, còn lại hầu hết các cơ sở lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn) đang sử dụng phần lớn lao động chưa qua đào tạo (gần 50%), chưa đạt tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ và đặc biệt là trình độ ngoại ngữ còn nhiều yếu kém.

Theo tiêu chuẩn, đối với nhóm khách sạn dưới 2 sao thì hệ số nhân viên phục vụ là 1,5 người/phòng; đối với khách sạn 2 sao trở lên thì hệ số nhân viên phục vụ là 3 người/phòng. Như vậy, tính trung bình với số cơ sở lưu trú trên địa bàn như hiện nay (147 cơ sở, 3.200 phòng) phải cần tới 5.000 lao động trực tiếp, đó là chưa kể lao động hoạt động trong các nhà hàng nhỏ lẻ cũng chiếm số lượng đáng kể. Nhưng hiện nay, toàn tỉnh mới có gần 3.000 lao động làm việc trong lĩnh vực này.

Nguyên nhân và giải pháp

Ông Dương Đình Lượng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh cho rằng, chất lượng nhân lực du lịch Hà Tĩnh yếu kém do nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân cơ bản là nhận thức của người lao động chưa xem du lịch là nghề và cơ hội để phát triển kinh tế. Quan niệm truyền thống của người Hà Tĩnh cho rằng, phục vụ trong các khách sạn, nhà hàng là nghề “không sang” nên không muốn cho con em theo học và phục vụ lâu dài. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, cơ sở du lịch, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn quen với lối kinh doanh nhỏ lẻ, muốn tiết kiệm chi phí nhân công nên chủ yếu thuê lao động phổ thông chưa qua đào tạo vì số lao động này chấp nhận mức tiền công thấp. Chính vì thế, sau khi vào làm việc, những lao động này cũng không được ông chủ tạo điều kiện cho đi học hoặc chưa có cơ chế thỏa đáng để khuyến khích nhân viên học thêm nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học.

Lớp đào tạo kỹ thuật chế biến món ăn tại khoa Du lịch, Trường Cao đẳng VH-TT&DL Nguyễn Du.

Lớp đào tạo kỹ thuật chế biến món ăn tại khoa Du lịch, Trường Cao đẳng VH-TT&DL Nguyễn Du.

Còn theo ông Hồ Việt Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng VH-TT&DL Nguyễn Du thì, yếu tố không kém phần quan trọng làm hạn chế nguồn nhân lực du lịch đó là sự thiếu hụt các cơ sở đào tạo nghề du lịch (trên địa bàn Hà Tĩnh từ năm 2012 trở về trước chưa có một cơ sở nào đào tạo về nhân lực du lịch). Một số cơ sở đào tạo nghề xen dắm có đào tạo nghề du lịch nhưng chủ yếu là hợp thức hóa bằng cấp, chứng chỉ chứ chưa chú trọng đến chất lượng kỹ năng nghề.

Để có đủ số lượng nhân lực và đảm bảo chất lượng, công tác đào tạo phải được coi trọng và đặt lên hàng đầu. Có như vậy chúng ta mới hy vọng phát triển ngành “công nghiệp không khói” này. Trước hết, cần tập trung tuyên truyền, giáo dục định hướng cho học sinh phổ thông chọn nghề, chọn trường; làm thay đổi định kiến của người dân về “nghề du lịch”, phải coi đây là cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Song song với công tác tuyên truyền, cần quy hoạch hệ thống cơ sở đào tạo và dạy nghề du lịch phù hợp với yêu cầu phát triển, đồng thời đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp cũng như yêu cầu của khách hàng. Hà Tĩnh cần có chính sách thu hút lao động tay nghề cao, nghệ nhân, các nhà quản lý giỏi… để có các “hạt nhân” du lịch.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast