Những ông chủ trẻ trên miền sơn cước

(Baohatinh.vn) - Bằng những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tuổi trẻ Hương Sơn đã chứng minh vai trò xung kích, tiên phong, sáng tạo trong thời kỳ mới. Mô hình của thanh niên không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần tích cực trong việc giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí nông thôn mới.

Mô hình tiên phong

Thời gian gần đây, trang trại thanh long ruột đỏ của đoàn viên Nguyễn Tiến Dũng (SN 1991, ở thôn Nam Nhe, xã Sơn Tây) nổi lên như mô hình mẫu để các ĐVTN trong vùng học hỏi. “Một lần tình cờ xem chương trình truyền hình “Sinh ra từ làng”, tôi quyết tâm tìm hiểu về loài cây này. Không thể vay mượn ai, tôi đành bán chiếc xe máy - tài sản duy nhất lúc đó lấy 25 triệu đồng mua cây giống để trồng 200 trụ thanh long” - Dũng nói.

Trang trại thanh long ruột đỏ của đoàn viên Nguyễn Tiến Dũng (thôn Nam Nhe, xã Sơn Tây) cho hiệu quả kinh tế cao, trở thành mô hình cho ĐVTN trong vùng đến tham quan, học hỏi.
Trang trại thanh long ruột đỏ của đoàn viên Nguyễn Tiến Dũng (thôn Nam Nhe, xã Sơn Tây) cho hiệu quả kinh tế cao, trở thành mô hình cho ĐVTN trong vùng đến tham quan, học hỏi.

Đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức học hỏi, chăm bón, đến giữa năm 2014, 200 trụ thanh long ruột đỏ đã phát triển tốt và đơm hoa, kết quả, với sản lượng hơn 1 tấn, thu về khoảng 30 triệu đồng. Tích lũy kinh nghiệm, Dũng trồng thêm 800 trụ thanh long ruột đỏ, dự kiến, năm nay sẽ có 500 trụ cho thu hoạch khoảng 5 tấn (thu khoảng 150 triệu đồng). Ngoài thanh long ruột đỏ, trang trại tổng hợp của Nguyễn Tiến Dũng còn trồng 100 gốc đu đủ, nuôi 10 con bò nái, 15 con dê, 500 con gà và trồng các loại cây ngắn ngày... Tổng thu nhập từ trang trại, theo Dũng nhẩm tính gần 1 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm.

Năm 2012, tốt nghiệp Khoa Sư phạm Ngữ văn Đại học Huế với tấm bằng khá nhưng Trần Thanh Cần ở xã Sơn Phú không lập nghiệp bằng con đường dạy học mà quyết định dấn thân phát triển kinh tế với tâm niệm: phải làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Lựa chọn hướng đi chăn nuôi thỏ, vượt qua những khó khăn ban đầu, với sự chăm sóc bài bản, đúng kỹ thuật, 60 đôi thỏ giống sinh trưởng rất nhanh, chỉ sau khoảng 6 tháng thì thu hồi vốn và bắt đầu cho lãi. Hiện nay, trại thỏ của anh có hơn 200 đôi thỏ giống New Zealand thuần chủng. Cần cho biết, hàng năm, 1 đôi thỏ sinh sản và phát triển cho khoảng 100-120 kg thỏ, như vậy, trại sẽ cung cấp ít nhất 15-20 tấn thỏ giống và thỏ thịt. Hiện tại, giá thỏ thịt trên thị trường là 70 triệu đồng/tấn. Trừ chi phí, mỗi năm, Cần lãi khoảng 600-700 triệu đồng.

Là người tiên phong trên lĩnh vực chăn nuôi lợn liên kết, đoàn viên Nguyễn Văn Linh (thôn Khe Dầu, xã Sơn Kim 1) đã thoát nghèo vươn lên làm giàu. Được cấp ủy, chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, anh đầu tư trên 1,5 tỷ đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn liên kết với Công ty CP, quy mô 600 con/lứa. Từ mô hình này, bình quân mỗi năm, trừ chi phí, anh thu lãi trên 300 triệu đồng. “Sau 3 năm thực hiện cho thấy kết quả khả quan, tôi tiếp tục vay vốn mở rộng quy mô gấp đôi” - Linh tự tin.

Tiêu biểu trong những thanh niên đi làm ăn xa trở về lập nghiệp trên quê hương là ông chủ trẻ chưa đầy 30 tuổi Lê Anh Tuấn ở xã Sơn Quang. Tốt nghiệp THPT, Tuấn rời quê đi làm thợ điện tại tỉnh Bình Dương, sau một thời gian tích lũy vốn, Tuấn quyết tâm trở về lập nghiệp tại quê nhà. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương và tổ chức đoàn, anh được trang bị kiến thức, kỹ năng, cách tổ chức sản xuất. Đến nay, trang trại trồng keo thương phẩm kết hợp nuôi gà, ong mật, thỏ và hươu lấy nhung đã cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm theo mùa vụ cho 8 thanh niên với mức tiền công hơn 3 triệu đồng/tháng.

Tiếp sức cho thanh niên làm giàu

Anh Trần Quang Thắng - Bí thư Huyện đoàn Hương Sơn cho biết, thời gian qua, tổ chức đoàn luôn đồng hành, vận động thanh niên trên địa bàn mạnh dạn tiếp cận chủ trương, chính sách phát triển kinh tế. Đến nay, tổng số vốn do tổ chức đoàn trên địa bàn huyện quản lý đạt trên 59 tỷ đồng với 61 tổ tiết kiệm vay vốn, dư nợ theo nguồn giải quyết việc làm trên 80 triệu đồng. Ngoài hỗ trợ thanh niên vay vốn thông qua các kênh, BTV Huyện đoàn còn tổ chức tư vấn, tập huấn, chuyển giao KH&CN cho hàng trăm ĐVTN. Không chỉ hướng dẫn, khuyến khích thanh niên phát triển kinh tế, Huyện đoàn còn kêu gọi thanh niên đi làm ăn xa đã tích lũy được vốn trở về quê lập nghiệp. Năm 2015, toàn huyện đã xây dựng mới 47 mô hình kinh tế, nâng tổng số mô hình do thanh niên làm chủ lên 250, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.

Những mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ phát huy hiệu quả đã góp phần giúp địa phương sớm hoàn thành nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, trong đó, có tiêu chí số 10 (thu nhập), 12 (lao động có việc làm thường xuyên).

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast