Nỗ lực GQVL từ người dân trong vùng TĐC Dự án Formosa

Sau hơn ba năm khởi công Dự án gang thép lớn nhất Đông Nam Á, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, chính người dân địa phương trong vùng TĐC cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo cho mình những công ăn việc làm mới, phù hợp với cuộc sống hiện tại.

Sau hơn ba năm khởi công Dự án gang thép lớn nhất Đông Nam Á do Tập đoàn Formosa đầu tư, đến nay bộ mặt kinh tế -xã hội của Kỳ Anh đã có nhiều đổi thay đáng kể. Dọc quốc lộ 1A, từ ngã ba Vũng Áng vào đến Đèo Ngang, thay vào cảnh hoang vu trước đây, là sự sôi động của trung tâm Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng với đại công trường dự án Formosa rộn vang tiếng máy cùng với những ngôi nhà mới, ngói đỏ ở các khu TĐC và hàng loạt nhà hàng, khách sạn, nhà hàng, văn phòng, đại lý, ki ốt kinh doanh buôn bán đang thi nhau mọc lên như nấm sau mưa.

Chăn nuôi lợn quy mô lớn là một trong những hướng đi hiệu quả của người dân trong vùng TĐC Kỳ Anh
Chăn nuôi lợn quy mô lớn là một trong những hướng đi hiệu quả của người dân trong vùng TĐC Kỳ Anh

Trong chuyến hành trình về vùng TĐC ở Kỳ Anh mới đây, chúng tôi theo chana ông Nguyễn Hoài Sơn- Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh đã đến thăm cac khu TĐC và cảm nhận rất rõ sự ấm yên đang hiện hữu trên tất cả những “vùng đất mới” này. Phó Chủ tịch Nguyễn Hoài Sơn nói nửa đùa nửa thật: “Để cho khách quan, nhường các nhà báo dẫn đầu, thích đi chỗ nào, vào nhà ai thì ta cứ vào”. Được thể, chúng tôi chọn đi khu TĐC Kỳ Liên và vào ngay một ngôi nhà khang trang nằm ngay gần trục đường chính của thôn Liên Sơn. Chủ nhân ngôi nhà này là anh Tưởng Đức Việt và chị Thái Thị Lạc, là 1/19 hộ đầu tiên lên khu TĐC này. Dưới cái nắng hè oi ả, nhưng câu chuyện về tạo dựng cuộc sống mới ở vùng TĐC trong ngôi nhà mới này giữa chủ và khách vẫn rôm rã vui tươi, không còn có cảm giác nắng hè oi bức. Chị Lạc khoe: “Nhận tổng số tiền đền bù được hơn 500 triệu đồng, vợ chồng tôi tính toán chi ly làm nhà hết hơn 300 triệu đồng, số còn lại dành mua ô tô làm dịch vụ. Được sự hỗ trợ nguồn vốn của tỉnh, gia đình đầu tư thêm dây chuyền làm bún bánh kết hợp chăn nuôi lợn và cũng phát huy hiệu quả khá. Trung bình, mỗi ngày sản xuất, tiêu thụ được gần hai tấn bún, lãi 200-300 nghìn đồng. Ngoài ra, cứ ba tháng, gia đình tôi lại xuất một lứa lợn, thu lãi dăm triệu đồng, nên cuộc sống cũng sớm ổn định. Lên vùng đất mới, gia đình cũng vừa mới tổ chức cưới vợ cho con đầu. Hiện vợ chồng cháu vừa phụ giúp làm bún vừa mở thêm quá bán nước mía, thu nhập cũng tạm được. Cháu thứ hai đang học năm cuối khoa Cơ Khí, Trường Cao đẳng cơ khí Thái Nguyên. Chỉ ít tháng nữa cháu ra trường, mong cháu được về làm việc tại Formosa”.

Anh Việt cho biết: Lên đây, cơ sở vật chất hạ tầng cùng điều kiện sống và nhà cửa tốt hơn nhiều so với nơi ở cũ. Điều quan trọng là làm sao lo việc làm cho người dân mất đất, nhất là số quá độ tuổi lao động. Giờ đây, có nhiều nhà đầu tư đến Kỳ Anh thì cơ hội việc làm cho thanh niên cũng nhiều hơn. Lớp trung niên như chúng tôi, nếu chịu khó thì cũng có bao việc để làm, từ dịch vụ lao động như thợ xây, bốc vác đến chăn nuôi, trồng trọt… Giá ngày công lao động lại cao, từ 250-300 ngàn đồng/ngày, tăng gấp 2-2,5 lần so với cách đây vài năm. Tuy nhiên, cơ hội việc làm chỉ dành cho ai siêng năng, không dành cho những kẻ lười nhác và nằm chờ hỗ trợ!”. Nhiều thanh niên trong khu TĐC, chỉ mỗi đi làm thợ xây, mỗi tháng trừ chi phí cũng còn dành dụm được dăm triệu đồng. Nếu riêng năng, riêng một lao động làm nghề thợ xây cũng đủ nuôi sống cả gia đình.”.

Chị Trương Thị Nguyệt, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Hoành Nam, xã Kỳ Liên, cho biết: “Thay cho việc làm 8 sào ruộng nơi ở cũ, chị đầu tư vào nuôi 5 lợn nái và 40 lợn thương phẩm, tính ra, mỗi tháng chị thu về hơn 10 triệu đồng tiền lãi. Ngoài ra, gia đình còn mở đại lý buôn bán gạo và bán thức ăn chăn nuôi, cũng đem về mỗi năm gần trăm triệu đồng. Bên cạnh phát triển chăn nuôi lợn cho gia đình, chị còn đỡ đầu bằng cách tư vấn kỹ thuật, cho vay vốn, cho nợ thức ăn, con giống giúp hàng chục gia đình trong thôn phát triển nghề nuôi lợn. Nhờ đó mà phong trào chăn nuôi ở đây khá phát triển mạnh với lúc cao điểm có đến 50% gia đình hội viên nuôi từ 10 con lợn trở lên. Tuy nhiên, chị Nguyệt và những người chăn nuôi ở đây vẫn lo khi giá con giống và thức ăn ngày một tăng cao còn giá lợn hơi thì bấp bênh và dịch bệnh luôn đe doạ... Chị Nguyệt nói rằng, nếu chính quyền kêu gọi được doanh nghiệp nào đó cam kết bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi thì chỉ riêng nghề chăn nuôi lợn cũng đã đủ sung túc rồi.

Chủ tịch UBND xã Kỳ Liên, ông Văn Minh Quốc cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ của cấp trên và sự năng động của người dân mà Khu TĐC Kỳ Liên đã thành lập được ba tổ hợp chăn nuôi lợn, với hơn 100 hộ dân nuôi từ 15-70 con/lứa; thành lập một HTX dịch vụ tổng hợp; hình thành chợ, mở nhiều cửa hàng, ki ốt, nhà hàng và dịch vụ khác... Từ số tiền đền bù, nhân dân Kỳ Liên đã đầu tư mua sắm hơn 50 xe tải hiệu Huyndai cùng 5 máy công trình chuyên phục vụ san lấp mặt bằng dự án Formosa; mở 10 ga ra sửa chữa ô tô, trong số đó có gara của anh Đình Văn Thành luôn duy trì số lượng 5-6 thợ với thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, tỷ lệ số hộ nghèo trong xã còn lớn so với mặt bằng chung; số người chưa qua đào tạo và số lao động có việc làm chưa ổn định còn chiếm tỷ lệ không nhỏ. Nhiều hộ nông dân cần đất sản xuất nhưng thủ tục chia đất rừng triển khai còn chậm…

Không chỉ Kỳ Liên mà các xã Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Long, Kỳ Thinh, bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước, người dân cũng đã tự biết tìm cho mình những công ăn việc làm phù hợp với tình hình thực tế trong thời kỳ mới. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà cho thuê, ki ốt kinh doanh dịch vụ mọc lên dày đặc dọc quốc lộ 1A trong vùng KKT Vũng Áng đã chứng minh cho điều đó. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bổng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, thì bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và những nỗ lực của người dân, huyện vẫn tiếp tục tích cực phối hợp với nhà đầu tư, với các nhà trường, doanh nghiệp… đào tạo nghề và tiếp nhận con em trong vùng TĐC vào làm việc tại các dự án. Ngoài ra, các đối tượng đã quá tuổi lao động hoặc tuổi đã cao, không thể tiếp nhận vào làm công nhân ở các dự án, huyện sẽ thực hiện tốt các chính sách như đã cam kết và có những giải pháp như thu hồi đất rừng để cấp cho người dân sản xuất; động viên, khuyến khích nhân dân sản xuất các nghành nghề phụ như mây tre đan, trồng nấm, làm bún, bánh, đậu phụ, phát triển chăn nuôi, trồng rau màu cao cấp… để tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đưa cuộc sống của bà con trong vùng TĐC ngày một tốt đẹp hơn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast