Phía sau những đồng ngoại tệ xuất khẩu lao động - kỳ II

Việc thiếu đi một người, đặc biệt là người mẹ, đã tác động không nhỏ đến cuộc sống gia đình, nhất là với việc chăm sóc, nuôi dạy con trẻ. Nơi đất khách quê người, các ông bố bà mẹ không quản cực nhọc, lam lũ kiếm tiền dành dụm gửi về cho gia đình xây nhà và mua sắm vật dụng. Những tưởng cuộc sống trong những ngôi nhà khang trang ấy rồi sẽ hạnh phúc, ai ngờ…

Kỳ II : Những cú trượt đầu đời

TRƯỢT DÀI THEO VẾT ĐỔ

Trưởng công an xã Thiên Lộc Trần Đình Cảnh lật lật cuốn sổ công tác đến trang ghi danh sách những đối tượng thuộc diện cần phải “lưu ý” rồi buông lửng một câu: “Những đối tượng chậm tiến hầu hết là con cái các gia đình có bố mẹ đi xuất khẩu lao động”. Trong các đối tượng “được” liệt vào danh sách của vị trưởng công an xã, tôi chú ý đến một dòng tên bị gách đít mấy lần. Đó là trường hợp Võ Văn Đức, sinh năm 1991, có bố và mẹ đi XKLĐ ở Anh.

Nghiện game - "căn bệnh" thường gặp của trẻ khi thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình(Ảnh minh hoạ)

Nghiện game - "căn bệnh" thường gặp của trẻ khi thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình(Ảnh minh hoạ)

Có lẽ khi đặt tên con, bố mẹ Đức mong muốn đứa cháu đích tôn nối dõi tông đường nhà họ Võ sau này sẽ ngoan hiền, đức hiếu. Ngày Đức vào lớp 1 cũng là thời cao điểm xuất ngoại làm ăn của người dân Thiên Lộc, bố mẹ cậu gửi con cho ông bà nội, theo một người bà con sang châu Âu làm ăn.

Những đồng ngoại tệ do bố mẹ gửi về ngày càng nhiều, Đức lớn lên trong điều kiện vương giả về vật chất nhưng lại thiếu đi một thứ cực kỳ quan trọng, đó là sự quản lý, giáo dục của cha mẹ. Sống với ông bà, Đức muốn gì được nấy, dần dần hình thành trong con người cậu ta lối sống hưởng thụ, và bước chân của Đức trượt dần theo những vết đổ.

Lúc đầu là lừa ông bà lấy tiền trốn học đi chơi game, tiếp đến là trộm cắp tài sản của gia đình và hàng xóm bán lầy tiền đi bụi cùng đám học trò lêu lổng. Và hậu quả là năm 15 tuổi, Đức là một trong ba đối tượng được công an xã Thiên Lộc gửi đi “đào tạo” ở trường giáo dưỡng.

Bố của Đức đang làm ăn phát đạt ở xứ sương mù khi nhận được tin về cậu quý tử đành bỏ việc kiếm tiền về quê kèm cặp thằng con trời đánh nhưng xem ra đã quá muộn. Từ trường giáo dưỡng trở về, Đức gặp lại đám bạn “dạt vòm” ngày càng nhiều nên cậu ta lại chứng nào tật ấy.

“Sắp tới chúng tôi sẽ cho Đức vào cơ sở Xuân Hà (Cục V26 - Bộ Công an) giáo dục một thời gian mong cậu ta tỉnh ngộ” – anh Cảnh quả quyết với tôi như vậy. Căn nhà ba tầng đầy đủ tiện nghi vừa cất lên ngay mặt đường 1A giờ đây với bố mẹ Đức gần như vô nghĩa.

Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH, hiện Hà Tĩnh có xấp xỉ 20.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Sáu tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xuất khẩu được hơn 2.000 lao động, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Phần lớn số người đi XKLĐ của Hà Tĩnh là lao động phổ thông ở vùng nông thôn, miền núi, trình độ thấp, hiểu biết hạn chế. Mức thu nhập của lao động đi làm ở nước ngoài ngày càng khó khăn hơn so với trong nước, trong khi đó, tại địa phương thị trường lao động ở các KCN ngày càng mở rộng.

Là một người làm công tác giáo dục lâu năm, thầy giáo Võ Huy Xuân tỏ ra lo lắng trước hiện tượng học sinh cá biệt ở Thiên Lộc ngày càng nhiều. “Tôi lấy làm tiếc cho nhiều trường hợp học sinh bị trượt ngã do thiếu sự giáo dục, quản lý của gia đình” - Thầy Xuân nêu ý kiến.

Chẳng hạn như em Nguyễn Văn Trung, một trong những học sinh giỏi của thầy Xuân những năm cậu ta còn là học sinh THCS. Mẹ của Trung là chị Nguyễn Thị Mai đi lao động ở Đài Loan gửi tiền về cho bố con xây được căn nhà hai tầng khang trang ở xóm Đông Đoài. Bố con Trung ở nhà thiếu thốn tình cảm nhưng lại thừa tiền đâm ra hư hỏng.

Từ một công dân hiền lành, bố Trung thành người nát rượu, anh ta bỏ mặc con cái cho ông bà ngoại, suốt ngày sớm xỉn chiều say. Mẹ Trung trở về không chấp nhận cảnh này đòi sống li thân. Từ một cậu học trò chăm ngoan học giỏi, Trung trở thành một kẻ chuyên ăn cắp vặt, đã bị công an xử lý hành chính nhiều lần. Tháng trước cậu ta đàn đúm với đám bạn bè lêu lổng tổ chức đua xe máy bị tai nạn gãy tay phải bỏ học dở chừng.

Cùng cảnh ngộ như Trung, hoàn cảnh của em Nguyễn Duy Vũ, học sinh lớp 6D cũng rất đáng thương. Vũ là con trai cả của anh Nguyễn Đình Tuấn và chị Võ Thị Việt. Cuối thập niên chín mươi của thế kỷ trước, mong tìm được cơ hội đổi đời, chị Việt đã huy động mọi nguồn vốn tích cóp của gia đình cho anh Tuấn sang Nga làm ăn. Nhưng vận may đã không mỉm cười với Tuấn, do tình hình mất ổn định, anh phải về nước mang theo một khối nợ khổng lồ.

Đâm lao phải theo lao, lần này Việt động viên chồng ở nhà, đích thân chị thế chấp toàn bộ gia sản vay vốn ngân hàng rồi theo một người bà con sang Đức xây mộng làm giàu. Vốn là một người đàn bà tháo vát lại có chút nhan sắc, Việt dễ dàng thành đạt nơi xứ người nhưng làm được đồng nào cô ta giữ hết, mặc bố con tảo tần nuôi nhau nơi quê nhà.

Năm trước, Việt về nước mang theo một người đàn ông hào hoa người Hà Nội. Nhìn thấy cảnh ấy, Tuấn đâm ra chán đời, phó mặc con cái cho ông bà già rồi phiêu bạt vào miền Nam làm thuê kiếm sống. Từ một học sinh giỏi huyện những năm học tiểu học, năm học vừa qua Vũ bị xếp vào nhóm học sinh yếu cả về văn hoá lẫn đạo đức của Trường THCS Thiên Lộc.

NHỮNG ĐIỀU ĐÁNG LƯU TÂM

Được biết, trong số trên 2000 người đi XKLĐ của xã Cương Gián, có khoảng dăm chục cặp vợ chồng ra nước ngoài làm ăn và đến nay có gần 100 cháu nhỏ sinh ra ở ngoại quốc được bố mẹ đưa về nước gửi ông bà trông nom. Còn Thiên Lộc có trên hai chục cặp cả vợ và chồng đi XKLĐ trong tổng số hơn 600 người.

Đường về Cương Gián - xã có số lượng người XKLĐ cao nhất nước

Đường về Cương Gián - xã có số lượng người XKLĐ cao nhất nước

Năm học vừa qua, Trường THCS Cương Gián có 12% học sinh xếp loại học lực yếu, hơn 20% tỷ lệ học sinh đạo đức trung bình, có 16 học sinh hạnh kiểm loại yếu; Trường THCS Thiên Lộc có 42 học sinh xếp loại học lực yếu và có 23 em thuộc diện học sinh cá biệt, hầu hết là con em các gia đình có bố mẹ đi XKLĐ.

Khi nói về những học sinh thuộc diện này, thầy giáo Võ Huy Xuân tâm sự: “Mỗi lần nhà trường tìm gặp động viên, các em đều ôm mặt khóc, không nói nên lời. Vì miếng cơm manh áo, nhiều gia đình phó mặc con cái cho ông bà để đi kiếm tiền, nhưng khi có nhiều tiền thì con cái lại hư hỏng. Khi các cháu không còn tìm thấy một chỗ dựa tinh thần ở gia đình thường hay mặc cảm và rất dễ sa vào các tệ nạn xã hội”.

Rõ ràng, đã đến lúc cần phải tính lại bài toán XKLĐ, để làm sao sự đánh đổi giữa cái được và cái mất ít nhất. Tình cảm con người vốn không bất biến. Nhu cầu sinh lý cũng là điều khó để phán xét. Nhưng hoàn toàn có thể hạn chế sự đánh đổi về mặt tình cảm của người đi XKLĐ và người thân của họ bằng những mô hình can thiệp hỗ trợ gia đình. Ở đó, những người vợ (người chồng) được tư vấn và sẻ chia, cũng như được trang bị kỹ năng để bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Tháng 6-2009

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast