Phía sau những đồng ngoại tệ xuất khẩu lao động

Hà Tĩnh là địa phương được biết đến bởi truyền thống xuất khẩu lao động (XKLĐ) với tỷ trọng chiếm khá cao so với toàn quốc: 10%. Những kết quả mà XKLĐ mang lại đã góp phần làm thay đổi bộ mặt cuộc sống, tạo tích lũy, cơ hội cho người lao động. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của nó ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình cũng không phải là ít.

Bài I: Mong manh tổ ấm

KHI NGƯỜI MẸ THAY LÒNG

Tiết tháng 5, khí trời chuyển mùa vốn đã ngột ngạt lại càng “khó thở” hơn với anh Đậu Bá Kỷ ở xóm Cây Đa (Thiên Lộc, Can Lộc) khi vợ anh vừa chân ướt chân ráo từ ngàn dặm trùng xa về thăm nhà đã thẳng thừng tuyên bố không thể còn chung sống với bố con anh. Căn nhà hai tầng vốn đã quá rộng so với nhu cầu sử dụng của một gia đình 4 người sống ở nông thôn nay càng trở nên trống trếnh. Hai bên nội ngoại, các đoàn thể ở địa phương đã vào cuộc giải hoà nhưng chị Linh vợ anh vẫn một mực: “Chúng tôi phải chia tay vì không còn hợp nhau!”.

Một mình nơi xứ người, những người phụ nữ dễ bị sa ngã vào vòng tay tình nhân (ảnh minh hoạ)

Một mình nơi xứ người, những người phụ nữ dễ bị sa ngã vào vòng tay tình nhân (ảnh minh hoạ)

“Ngày trước, tôi chưa thấy gia đình nào hạnh phúc hơn vợ chồng Linh - Kỷ. Thế mà chỉ mấy năm xa mặt lại cách lòng. Tiếc quá!…” - thầy giáo Võ Huy Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Thiên Lộc, hàng xóm của anh Kỷ than thở với tôi như thế.

Thầy Xuân kể: Năm 1992, chị Lê Thị Linh (1973) kết duyên cùng anh Đậu Bá Kỷ (1969). Cũng như bao gia đình nông thôn thời ấy, cuộc sống của họ những ngày đầu hết sức bần hàn, nhưng mái ấm hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ này lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Linh là người phụ nữ hay lam hay làm, sớm hôm tảo tần cày sâu cuốc bẫm cáng đáng mọi việc ở nhà chồng vì anh Kỷ bị bệnh hen suyễn bẩm sinh. Cuộc sống còn chật vật nhưng khi nghe tin ở đâu có thầy hay thuốc tốt, Linh đều không quản ngại đường xa, đến tận nơi cắt thuốc cho chồng. Và trời đã không phụ công cô, sau ba năm chung sống, Linh gặp được một thầy lang giỏi ở Bắc Kạn đã chữa khỏi bệnh cho anh Kỷ.

Hạnh phúc của gia đình họ càng được nhân lên khi hai đứa con một trai, một gái lần lượt chào đời. Vốn là người tháo vát, Linh đã cùng chồng vay vốn phát triển kinh tế trang trại từ những ngày đầu xã có chủ trương. Đời sống kinh tế khá dần lên, con cái lại chăm ngoan học giỏi, gia đình Linh - Kỷ trở thành một chuẩn mực mà các bậc cao niên thường đem ra làm gương cho con cháu mình.

“Từ những năm cuối thế kỷ trước, người dân Thiên Lộc đã rồng rắn kéo nhau ra nước ngoài, chủ yếu là các nước châu Âu làm ăn theo kiểu “lớp anh trước, lớp em sau”, dắt díu nhau đi tìm cơ hội đổi đời. Đến những năm đầu thế kỷ này, khi XKLĐ trở thành mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương, phong trào ra nước ngoài làm ăn càng rộ lên ở Thiên Lộc và thị trường cũng được mở rộng ra sang cả các nước châu Á.” – Thầy Xuân tiếp tục câu chuyện.

Hoà vào dòng người hối hả ly hương, năm 2002, Linh tạm biệt chồng con sang Đài Loan làm nghề giúp việc gia đình. Thời gian đầu cô thường xuyên gọi điện về hỏi thăm sức khoẻ bố con và gửi tiền về để anh xây nhà cao cửa rộng. Cảnh gà trống nuôi con lại phải nghe nhiều lời dị nghị nhưng anh vẫn vững tin vào tình yêu, một lòng thuỷ chung nuôi dạy con khôn lớn. Nhưng thế gian mấy ai học được chữ ngờ, cách đây vài tháng, khi hết hợp đồng về nước, chị Linh điện không cho chồng con ra đón ở sân bay, anh đã linh tính chuyện chẳng lành.

Về thăm nhà chưa được một tuần, Linh viết đơn ly dị buộc chồng phải ký vì lý do: Không hợp nhau! Cầm tờ đơn ly hôn vợ đã ký, anh Kỷ chết lặng người như Từ Hải, còn cậu con trai Đậu Bá Hựu, đang học lớp 9 khi nghe tin đã gục ngay xuống chân bàn học, phải đưa đi cấp cứu!

Cũng bị vợ “cắm sừng” như anh Kỷ nhưng câu chuyện của anh Trương Văn Quang ở Cương Gián (Nghi Xuân) chua chát hơn nhiều. Cách đây dăm năm, hưởng ứng chủ trương của xã, anh Quang đã không ngần ngại dốc hết số tiền tích cóp được nhờ cày cuốc mấy héc-ta trang trại của gia đình, cho vợ mình là chị Hoàng Thị Tặn sang Hàn Quốc tìm cơ hội đổi đời.

Vợ anh ra đi để lại cho anh đàn con nhỏ 4 đứa nhưng anh vẫn thấy vui bởi thời gian đầu chị đều đặn gửi tiền lương về giúp anh có vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh tế ngày càng khấm khá. Đều đều tháng một lần lên ngân hàng nhận những đồng ngoại tệ màu xanh do vợ gửi từ nước ngoài về, người nông dân một đời chân lấm tay bùn này càng nghĩ càng thương vợ dặm trường thân gái.

Thế rồi những đồng tiền và những cuộc điện thoại của chị gọi về cho bố con anh thưa dần theo năm tháng. Chị giải thích với anh là do công việc làm ăn ngày càng khó khăn. Nhiều người cùng làm việc với chị ở Hàn Quốc về nước nói gần nói xa chị có bồ nhưng anh đều gạt đi: “Nhà tui đã gần U50, còn chi hương sắc mà bồ với bịch! Vợ chồng chung sống với nhau đã có bốn mặt con, nỡ nào cô ấy…”.

Bộ mặt làng quê Thiên Lộc khởi sắc nhờ XHLĐ

Bộ mặt làng quê Thiên Lộc khởi sắc nhờ XHLĐ

Năm ngoái, chị Tặn về phép thăm nhà. Anh Quang cảm nhận sự đổi thay của vợ, từ một phụ nữ chân quê, sau nhiều năm xa cách chị vào tuổi hồi xuân mặn mà đằm thắm hơn xưa. Hết phép, anh tiễn chị ra sân bay Nội Bài trở lại Hàn Quốc làm việc. Tại nhà chờ của sân bay, anh không còn tin vào mắt mình khi chứng kiến cảnh người vợ thân yêu đang xoắn xuýt trong vòng tay của một người đàn ông đất Bắc đi cùng chuyến bay với chị. Quá uất ức, anh thẳng tay tát vào mặt người đàn bà bội bạc rồi cay đắng quay gót trở về. Dịp vừa rồi, trong cơn khủng hoảng kinh tế thế giới, chị Tặn mất việc làm phải về quê nhưng tổ ấm gia đình không còn là chỗ nương thân của chị.

ĐƯỢC VÀ MẤT

Anh Đậu Bá Kỷ tâm sự: “Biết trước thế này thà chấp nhận cảnh nghèo mà hạnh phúc bên nhau, còn hơn giàu có mà tan đàn xẻ nghé. Cũng chỉ vì miếng cơm manh áo mà gia đình tôi phải trả giá quá đắt…”. Đó cũng là nỗi lòng của anh Quang, của rất nhiều người có cùng cảnh ngộ mà tôi đã gặp khi thực hiện phóng sự này.

Hiện xã Cương Gián có gần 2000 người đi lao động ở nước ngoài, là xã có số người XKLĐ cao nhất tỉnh. Xã Thiên Lộc cũng có hơn 600 người ra nước ngoài làm ăn, trung bình cứ ba hộ gia đình có một người đi XKLĐ. Mỗi năm lượng ngoại tệ do XKLĐ ở Cương Gián gửi về đạt từ 80-100 tỷ đồng, còn Thiên Lộc đạt khoảng 40 tỷ, là nguồn thu chính làm thay đổi hẳn diện mạo của những

vùng quê này. Thu nhập bình quân đầu người của người dân Cương Gián và Thiên Lộc hiện nằm trong tốp đầu của tỉnh, nhưng bên cạnh đó, tỷ lệ các cặp vợ chồng ly hôn, li thân và tỷ lệ học sinh chậm tiến ở những địa phương này cũng ít nơi bằng.

Điều đáng lưu tâm là càng những năm gần đây, những tác động tiêu cực của XKLĐ đến cuộc sống gia đình càng có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, vài năm lại đây, Cương Gián có trên chục cặp vợ chồng đã ly hôn, số cặp vợ chồng sống li thân ngày càng nhiều. Con số này với xã Thiên Lộc cũng ngang bằng.

Tháng 6-2009

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast