Tấm bằng... có gai

Bằng mọi giá, con phải cố gắng học để đậu đại học, chỉ có đại học là cách để thay đổi cuộc đời con! Đó là câu nói có sức nặng nhất mà tôi từng được nghe...

Trong thâm tâm của tôi lúc đó, hẳn đại học là một cái gì đó thực sự lớn lao. Thế nên, khi may mắn vượt "vũ môn" thành công, tôi nghĩ rằng mình đã nắm trong tay cả một tương lai đầy hoa hồng.

Nhưng...

... vốn dĩ hoa hồng thường có gai

... và nếu không cẩn thận, người cầm sẽ bị chảy máu.

...

Đỗ đại học đúng nguyện vọng, với một tân sinh viên không còn gì hãnh diện hơn. Nhưng sau ngày ra trường, liệu tất cả các tân sinh viên ngày ấy đều có thể nở nụ cười hạnh phúc?

Một điều không thể phủ nhận là xã hội chúng ta muốn đánh giá trình độ, năng lực của một người thì phải dựa vào bằng cấp. Đó như một tâm lý đã ăn sâu vào tiềm thức, dù biết rằng “tấm giấy đỏ” không phải là tất cả thì tâm lý này vẫn luôn tồn tại. Đó có là một sự bất công?

Cuộc sống là một khối đa diện nhiều màu mà ở đó chúng ta thấy được nhiều nghịch cảnh. Bởi lẽ còn có những con người không có cơ hội để được ghi nhận ở các trường lớp nhưng họ vẫn có thể tự xây dựng cuộc đời bằng khối óc và trí tuệ của mình. Đó là thành công lớn của bản thân họ. Ở một góc độ khác nên xem xét là có ai dám chắc được tất cả những người cầm trong tay tấm bằng đại học đều có đủ năng lực để đáp ứng được mọi yêu cầu công việc? Bởi trong đó không ít người chỉ là cử nhân trên giấy.

Trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng như hiện nay, đối với một số cơ quan, việc cắt giảm nhân lực là điều không thể tránh khỏi. Hãy thử tưởng tượng xem, một công ty đang lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính, vậy thì đối với người đứng đầu công ty lúc đó, việc giữ một người có bằng cấp hay người thật sự có năng lực cho công việc ở lại là điều cần thiết?

Chúng ta thấy rằng người có bằng cấp là người tăng uy tín cho công việc, nhưng người có năng lực mới có thể giúp công ty vượt qua khó khăn. Cũng như vậy, đối với một doanh nghiệp đang phát triển, người tài giỏi bao giờ cũng là người biết hướng doanh nghiệp đến sự thành công theo mong muốn. Đây chính là điều kiện luôn luôn cần và không bao giờ đủ trong quá trình làm việc.

Nói như vậy không có nghĩa là xem nhẹ tấm bằng đại học. Bởi trên thực tế, không có doanh nghiệp nào tuyển người mà lại không thông qua bằng cấp. Hãy xem như chúng ta đang chơi trò chơi cuộc đời. Lúc này tấm bằng là tấm vé thông hành. Nếu chúng ta biết cách chơi, trò chơi sẽ được tiếp tục. Ngược lại, mọi thứ sẽ kết thúc. Trong công việc cũng vậy, nếu không có khả năng làm việc, thì tấm bằng cũng sẽ không còn giá trị.

Một vấn đề nữa cần được đặt ra khi hàng năm có tới hàng chục ngàn sinh viên ra trường. Đó là một con số không hề nhỏ. Trong khi lượng công việc không đủ để giải quyết đồng nghĩa với cánh cửa vào đời của những cựu sinh viên đã bị thu hẹp. Vậy cơ hội nào để cho họ có thể phát huy được năng lực của mình? Và tấm bằng đại học lúc đó có thực sự giá trị hay không?

Vậy thì, chúng ta phải đặt ra một câu hỏi đáng suy ngẫm: đậu đại học có còn là con đường dẫn tới mọi thành công?!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast