Thành công nhờ phát huy thế mạnh của địa phương

(Baohatinh.vn) - Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg được triển khai ở tỉnh ta từ năm 2010. Đến nay, hiệu quả đã rõ nhưng bên cạnh đó vẫn có một số nghề bị “chết yểu” do nhiều nguyên nhân. Làm tốt công tác khảo sát, lựa chọn nghề dựa trên nhu cầu, điều kiện của người học, một số lớp dạy nghề đã phát huy hiệu quả qua việc học viên áp dụng tốt những kiến thức được truyền đạt vào hoạt động sản xuất của gia đình.

Lớp dạy nghề mây tre đan ở xã Thạch Bàn (Thạch Hà) mở ra cơ hội nâng cao thu nhập cho bà con
Lớp dạy nghề mây tre đan ở xã Thạch Bàn (Thạch Hà) mở ra cơ hội nâng cao thu nhập cho bà con

Được sự giới thiệu của Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh, chúng tôi đến các xã Thạch Bàn (Thạch Hà), Kỳ Tân (Kỳ Anh) và Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên) - những địa phương phát huy hiệu quả sau dạy nghề cho bà con nông dân. Đến Kỳ Tân vào đúng dịp kết thúc lớp học chăn nuôi lợn an toàn, 30 học viên theo học đầy đủ các buổi theo quy định với tinh thần tự giác rất cao. Cầm chứng chỉ nghề trên tay, chị Phạm Thị Tâm (thôn Văn Miếu) phấn khởi nói: “Theo học thời gian 3 tháng, những gì được học và thực hành trên lớp, tôi về “triển khai” ngay trên đàn lợn 10 con ở nhà. Vừa học, vừa thực hành nên thấy dễ vào, nghỉ buổi nào, tiếc buổi nấy”. Cũng chung tâm lý như chị Tâm, các học viên đều là chủ của những đàn lợn 2-10 con tại gia nên những kiến thức có được từ lớp nghề được áp dụng ngay, dù nhỏ lẻ nhưng bước đầu đã giúp bà con trong sản xuất.

Ông Hoàng Xuân Hợi – Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Tân cho biết: “Chúng tôi đăng ký lớp nghề dựa trên nhu cầu của người dân. Có kế hoạch thông báo về chi hội thôn, sau khi nhận danh sách từ thôn, lại tiếp tục soát xét về học viên và nghề họ đăng ký. Tiêu chí học nghề dựa trên những điều kiện có sẵn nên hầu hết bà con trong xã đều chọn các nghề có khả năng áp dụng cao như chăn nuôi lợn, gà, bò; trồng lạc, lúa nên ít nhiều kiến thức được học phục vụ tốt cho sản xuất”.

Dẫn chúng tôi đến gia đình chị Nguyễn Thị Cúc (thôn Trung Kỳ) - một trong những học viên phát huy hiệu quả sau đào tạo khi hiện nay, gia trại của chị đã nhân đàn lên 70 con lợn, mỗi năm xuất 3 lứa, thu lãi hơn 150 triệu đồng. Đang tiến hành tiêm thuốc cho con lợn bị tụ huyết trùng, chị Cúc chia sẻ: “Những năm trước, mỗi khi vật nuôi bị bệnh, tôi lo lắm, không có kinh nghiệm nên để lâu, lây sang cả đàn, đến khi nhờ bác sĩ thú y thì có khi không cứu được. Nhưng nay, tôi có thể chữa trị được những bệnh đơn giản nên yên tâm hơn để mở rộng sản xuất”.

Cũng mở lớp học nghề dựa trên nhu cầu thực tiễn của người dân cộng với sự nhạy bén và nhiệt tình của cán bộ Hội Nông dân xã Cẩm Lạc, từ năm 2010 đến nay, xã đã mở 16 lớp nghề cho bà con nông dân. Không tổ chức học theo nhu cầu đại trà của toàn xã mà Cẩm Lạc chọn cách học theo chi hội thôn, mỗi lớp nghề bao gồm thành viên trong 1 thôn và như thế sẽ đảm bảo đáp ứng được nhu cầu học của người dân nếu có. Anh Đặng Văn Thành - Chủ tịch Hội Nông dân Cẩm Lạc cho biết: “Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội Nông dân tỉnh, chúng tôi triển khai xây dựng kế hoạch dựa trên thực trạng sản xuất ở địa phương, sau đó tiến hành trong đơn vị thôn, do đó thời gian đăng ký và khảo sát nhanh hơn nên thuận lợi khi trình lên cấp trên để xin mở lớp”.

Thạch Bàn được biết đến là xã vùng bãi ngang, điều kiện sản xuất chủ yếu ở lĩnh vực phi nông nghiệp nhưng cũng hết sức khó khăn. Sau khi chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn được triển khai từ năm 2012, đời sống của một số hộ dân ở đây đã phần nào ổn định hơn. Mặc dù chỉ mới có 3 lớp nghề về nuôi lợn, gà và sản xuất mây, tre đan được mở ở địa phương nhưng bước đầu cho kết quả khả quan.

Hiện số hộ nhân đàn sản xuất sau học nghề ngày càng tăng, trong đó đặc biệt là gia đình chị Thu (80-100 con lợn), anh Việt (20-30 con lợn), anh Ty (hơn 1.000 con gà)… và rất nhiều học viên khác áp dụng kỹ thuật chăn nuôi vào sản xuất quy mô nhỏ. Đặc biệt, nghề sản xuất mây, tre đan tuy không đạt hiệu quả ở một số địa phương nhưng ở Thạch Bàn đang mở ra hướng đi cho bà con. Tận dụng lực lượng lao động nữ tương đối lớn, không có việc làm ổn định cộng với kinh nghiệm cá nhân nên lớp mây tre đan sẽ rút ngắn thời gian đào tạo bước cơ bản mà tập trung vào các kỹ thuật cao hơn. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã đã liên hệ được đầu ra sản phẩm cho học viên trong thời gian tới.

Đến 3 địa phương được đánh giá cao trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, điều dễ nhận thấy nhất là tính thiết thực của nghề được học đã phát huy hiệu quả. Điều đó xuất phát từ chính nhu cầu và điều kiện thực tiễn của người dân, có như vậy, người được học mới phát huy hết khả năng để mang lại kết quả cao hay ít nhất cũng chủ động được việc sản xuất nhỏ, lẻ ở gia đình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast