Thực hư chuyện 42 lao động Việt Nam bị ngược đãi ở Malaysia

Vụ việc 42 lao động Việt Nam bị bắt giữ tại Malaysia đang dấy lên nhiều lo ngại. Lẽ ra, sau khi vụ việc xảy ra, đơn vị trực tiếp làm cống tác XKLĐ là Công ty CP Việt Hà phải cung cấp những thông tin đầy đủ trong quá trình xử lý để thân nhân lao động yên lòng. Nhưng, buồn thay, điều đó đã không được thực hiện. Chính sự bưng bít này đã khiến sự việc trở nên “rối như canh hẹ”.

Vợ bị cảnh sát bắt, chồng canh cánh với nỗi lo

Xóm 7 xã Cẩm Duệ - Cẩm Xuyên những ngày đầu tháng 4 bầu không khí năng nề vẫn bao phủ khắp các đường ngang lối rẽ khi trước đó thông tin về các lao động đang làm việc tại nước sở tại bị cảnh sát bắt giữ được đăng tải trên các phương tiện thông tin dại chúng theo nhiều chiều hướng khác nhau.

Khuôn mặt ủ dột của anh Nguyễn Trọng Sơn chợt trở nên tươi tỉnh khi hay tin có các nhà báo tìm đến nhà mình, tưởng rằng nhà báo sẽ cung cấp thông tin về cuộc sống của người vợ hiện nay, chị Phạm Thị Tình - nạn nhân trong “lô” hàng xuất khẩu vừa bị cảnh sát Malaysia bắt giữ. Nhưng khi biết dụng ý của chúng tôi là muốn tìm hiểu vụ việc, gương mặt anh chợt chùng xuống với ánh mắt thất thần nhìn xa xăm vào khoảng không ở phía trước.

Anh Sơn thất vọng cho biết: “Đến nay tôi vẫn chưa thể hình dung được cuộc sống của vợ tôi ra sao?
Anh Sơn thất vọng cho biết: “Đến nay tôi vẫn chưa thể hình dung được cuộc sống của vợ tôi ra sao?

Anh Sơn thất vọng cho biết: “Đến nay tôi vẫn chưa thể hình dung được cuộc sống của vợ tôi ra sao? Trước đó vợ chồng còn liên lạc được với nhau bằng điện thoại di động, nhưng sau ngày bị bắt thì mỗi lần bấm máy, tín hiệu mà tôi nghe được chỉ là những tiếng tíc tíc rồi im bặt. Về hay ở với tôi không quan trọng. Vấn đề là sức khỏe hiện nay của vợ tôi ra sao và có bị họ hành hạ hay không mà thôi!”.

Cũng theo lời anh Sơn thì chị Tình sang làm việc tại Malaysia vào tháng 6-2010 với công việc lau chùi vệ sinh tại Bệnh viện Penang. Năm đầu tiên sang làm việc, mức lương vẫn được thực hiện như cam kết nghĩa là mỗi tháng chị nhận được 100% lương (khoảng hơn 8 triệu đồng). Nhưng đến năm thứ 2 thì chỉ nhận được 50% lương và cứ thế cho đến ngày bị bắt. Cho đến nay, chị Tình đã gửi về nước được số tiền gần 50 triệu đồng.

Trong số 5 lao động quê Cẩm Duệ, ra đi cùng một ngày, cùng một nơi làm việc và cùng bị băt một lần nhưng hoàn cảnh chị Phạm Thị Quyên được coi là éo le hơn cả. “Số tiền gần 30 triệu đồng chi phí cho toàn bộ chuyến đi, hiện tại gia đình tôi vẫn còn nợ ngân hàng 20 triệu. Nay vợ như thế với mức thu nhập 100 ngàn đồng bằng nghề thợ xây lúc có lúc không của tôi thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới trở lại “vạch xuất phát”. Biết thế để vợ ở nhà còn hơn, giờ lại phải chịu nỗi lo “kép”, anh Nguyễn Văn Thân - chồng chị Quyên cay đắng thổ lộ.

… Tháo gỡ

Toàn bộ 42 lao động nữ bị bắt giữ nằm trong số 71 người xuất cảnh sang Malaysia từ ngày 25/6/2010, chủ yếu là người Hà Tĩnh và Nghệ An, do Công ty CP Việt Hà cung ứng với Công ty ASMANA thuộc bang Penang - Malaysia sau khi được Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia thẩm định (Công văn thẩm định số 260/2010/BQLLĐ). Các lao động này được ký kết hợp đồng làm việc 36 tháng với các công việc như: khán hộ công (lau chùi, dọn dẹp vệ sinh ở bệnh viện Penang) và giúp việc gia đình.

Sau thời gian làm việc 3 tháng đã có 3 lao động buộc phải về nước do không đảm bảo sức khỏe, chỉ còn lại 69 người. Ngày 21/2, toàn bộ số lao động này bị Công ty ASMANA cho nghỉ việc. Ngay sau khi nhận được thông tin này, ngày 26/2, Đoàn công tác của Cty cổ phần Việt Hà đã sang Malaysia, phối hợp với Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia làm việc với Công ty ASMANA về việc yêu cầu Công ty này làm thủ tục gia hạn Visa và thanh toán tiền lương cho người lao động. Tuy nhiên, Công ty ASMANA vẫn không thực hiện đúng yêu cầu đã cam kết, dẫn đến 3 lao động của Công ty bị chính quyền sở tại bắt giữ trong tháng 2/2012 do không có thẻ cư trú.

Sự việc không dừng lại ở đó, ngày 18/3, 42 lao động nữ tiếp tục bị Cục định cư bang Penang đưa về tạm giữ vì Visa đã hết hạn từ tháng 8-2011. Việc một số cơ quan báo chí nêu lao động Việt Nam bị bỏ đói tại Malaysia là không có căn cứ, vì 69 lao động vẫn được Công ty ASMANA bố trí chỗ ăn nghỉ tại ký túc xá với mức lương khoảng 500 RM, tương đương 3,4 triệu đồng. Tiếp đó, ngày 20-3, Cơ quan chức năng của Malaysia đã đưa 49 lao động này về Trung tâm Bảo vệ phụ nữ thuộc Bộ phát triển gia đình và Phụ nữ Malaysia tại thủ đô Kulalamphua và được cung cấp ăn uống đầy đủ.

Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đang làm việc tích cực với Bộ Ngoại giao Malaysia và các cơ quan chức năng để sớm giải quyết vụ việc theo 2 hướng: Đối với lao động có nhu cầu ở lại tại Malaysia sẽ được công ty mẹ của ASMANA là Faber bố trí làm việc tại các chi nhánh của Công ty Faber (đã có 3 chi nhánh đồng ý tiếp nhận 49 lao động vào làm việc). Đối với những lao động muốn về nước thì Công ty CP Việt Hà sẽ phối hợp với Công ty ASMANA giải quyết các vấn đề về lương, vé máy bay và thanh lý hợp đồng để tạo điều kiện cho lao động sớm được về nước (có 20 lao động đăng ký về nước). Sẽ không có gì đáng nói nếu những thông tin này được cung cấp một cách đầy đủ để người dân có thể cập nhật, đặc biệt là đối với thân nhân các lao động. Tiếc thay, những thông tin này đã được những người trong cuộc giấu kín.

Mới đây, trong một lần tiếp xúc với chúng tôi, Tổng Giám đốc Lưu Quang Bình đã né tránh các câu hỏi với lý do: “Thẩm quyền trả lời báo chí thuộc Bộ Thương binh và Xã hội. Nếu có gì thắc mắc, các anh trao đổi trực tiếp với những người ở... Bộ. Tôi rất bận không có thời gian nói chuyện vì phải đi… cắt nhung hươu”. Trong khi đó Phó Giám đốc Sở Lao động và Thương binh xã hội Nguyễn Xuân Thông lại cho rằng “Chẳng có gì phải né tránh cả. Việc báo chí địa phương phản ánh sẽ là kênh thông tin quan trọng để thân nhân các lao động hiểu và bớt lo lắng”.

Không biết rồi đây, đơn vị này sẽ giải quyết chế độ chính sách với người lao động về nước như thế nào và liệu rằng người dân trong tỉnh có mặn mà tìm đến Công ty khi mà có sự cố xảy ra thông tin không được đơn vị chủ quản cung cấp một cách đầy đủ và kịp thời nhất?. Sự cố ngoài ý muốn có thể xảy ra ở bất cứ lĩnh vực hay hoàn cảnh nào; song vấn đề xử lý ra sao mới là điều quan trọng. Không biết vô tình hay chủ ý, việc Công ty CP Việt Hà né tránh trả lời người dân chính là nguyên nhân đẩy sự việc trong tầm giải quyết trở nên “rối như canh hẹ”

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast