Thưởng Tết nguyên đán 2015: Tăng 15% so với năm 2014

Khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại 13.189 doanh nghiệp, với 2,5 triệu lao động thuộc 63 tỉnh, thành cho thấy, mức thưởng Tết Nguyên đán 2015 đạt trung bình khoảng 5,03 triệu đồng/người, tăng 15% so với năm ngoái.

Theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp thưởng tết bình quân hơn 10 triệu đồng/người, nhưng có doanh nghiệp chỉ thưởng 30 nghìn/người

Theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp thưởng tết bình quân hơn 10 triệu đồng/người, nhưng có doanh nghiệp chỉ thưởng 30 nghìn/người

Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Phạm Minh Huân cho biết trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam.

Doanh nghiệp nhà nước thưởng cao nhất

Theo đánh giá của Bộ LĐ,TB & XH, mặc dù năm 2014 tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) vẫn còn khó khăn, tuy nhiên phần lớn các DN đã có phương án duy trì giữ được mức lương, thưởng tết bằng hoặc cao hơn năm trước. Hầu hết các DN khảo sát đều dự kiến có mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Mùi- 2015 với mức bình quân 1 tháng lương (khoảng 5,03 triệu đồng/người). Đáng chú ý là có trên 80% số DN ở địa phương được khảo sát đã thực hiện thưởng tết dương lịch cho người lao động với mức bình quân 1,55 triệu đồng/người (bằng 140,7% so với mức thưởng Tết Dương lịch năm 2014).

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, mức thưởng cao nhất là khối DN có vốn nhà nước, bình quân 7 triệu đồng/người. Riêng, các tập đoàn nhà nước cao gấp đôi. DN có vốn đầu tư nước ngoài thưởng bình quân 4,8 triệu/người. DN dân doanh thưởng bình quân 4,3 triệu đồng/người. Mức thưởng thấp nhất, theo Sở LĐ,TB&XH Nghệ An báo cáo, là 30.000 đồng/người. Ngoài ra, theo báo cáo hiện vẫn còn khoảng 20% doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch thưởng Tết.

Trước thực tế này, Thứ trưởng Phạm Minh Huân thừa nhận đây là điều đáng “trăn trở” nhất và Bộ LĐ,TB&XH đã yêu cầu các địa phương đôn đốc các DN xem xét trích các khoản tiết kiệm, các khoản phúc lợi trong DN để có thể thưởng cho người lao động, vì thưởng Tết vẫn được coi là món quà truyền thống của chúng ta lâu nay.

Về mức lương, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng cho biết, điều tra chuyên đề về tiền lương với trên 2.000 DN ở 17 tỉnh, thành phố ở 3 vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước cho thấy, lương bình quân đạt khoảng 5,11 triệu đồng/người/tháng; thu nhập của người lao động đạt 5,4 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 6% so với năm 2013. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ LĐ,TB&XH, nếu trừ yếu tố trượt giá là 4,08% thì tiền lương, thu nhập của người lao động năm 2014 cải thiện không đáng kể.

Nên hay không luật hóa thưởng Tết?

Theo Bộ LĐ,TB&XH, con số trên chỉ tính tham khảo bởi số DN gửi báo cáo rất ít (chỉ chiếm 3%) nên rất khó có thể kết luận về con số thực thưởng Tết. Trả lời câu hỏi của phóng viên TBTCVN, xung quanh vấn đề có nên luật hóa việc báo cáo thưởng Tết(?) ông Tống Văn Lai- Phó Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương, Bộ LĐ,TB&XH cho rằng, câu chuyện này đã được đề cập từ lâu song rất khó. Hiện nay, Chính phủ đang tiến hành cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu những thủ tục, quy định không cần thiết. Hơn nữa, trong cơ chế thị trường theo nguyên tắc thỏa thuận (điều này cũng được quy định tại Bộ Luật lao động sửa đổi mới), do đó việc luật hóa là không nên.

“Cá nhân tôi cho rằng, không nên luật hóa chuyện lương, thưởng. Vấn đề này đã được nói rõ trong Luật Lao động, với nguyên tắc công khai minh bạch và có thỏa thuận giữa DN và công đoàn” - ông Tống Văn Lai nhấn mạnh.

Thế nhưng thực tế cho thấy, cơ chế thỏa thuận giữa DN và công đoàn chưa thực sự được công khai minh bạch như Bộ Luật Lao động đã quy định. Bởi hiện nay, phần lớn tổ chức công đoàn vẫn phụ thuộc vào DN, thậm chí người đứng đầu tổ chức công đoàn còn là người của DN thì việc đứng ra thỏa thuận, đòi quyền lợi cho người lao động là khó khăn...

“Có những thủ tục cần cắt giảm nhưng cũng có những quy định cần được đặt ra để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Cá nhân tôi cho rằng, nên luật hóa việc thưởng tết. Điều đó sẽ tạo sự công bằng giữa các ngành, nghề, các khu vực” – Luật gia Đặng Quang Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, mức thưởng nên căn cứ theo lương. Bởi lẽ, việc đóng bảo hiểm xã hội hay kêu gọi đóng góp ủng hộ... cũng đều căn cứ theo lương. Mặt khác, việc thưởng Tết cũng nên ưu tiên những vùng điều kiện kinh tế khó khăn, những lao động trực tiếp, nặng nhọc ở nơi môi trường độc hại.

Đồng quan điểm, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, nên có quy định chung về thưởng tết. Luật hóa là cần thiết, song phải có lộ trình để các bên chuẩn bị. “Khi việc này chưa được luật hóa thì nên có quy định chung. Nên căn cứ vào các đối tượng như lao động nặng nhọc thì mức thưởng cao hơn…”– đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất./.

Theo Sâm Linh/Thời báo Tài chính VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast