Trẻ em bị đuối nước, thực trạng và giải pháp

Theo thống kê của phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em ( BVCSTE) Hà Tĩnh, năm 2009, toàn tỉnh xẩy ra 633 vụ tai nạn thương tích đối với trẻ em, làm chết 47 em, trong đó 25 em chết vì đuối nước. Cứ mỗi khi hè đến con số này lại gia tăng...

Cách đây không lâu, một vụ tai nạn đau lòng xẩy ra tại tiểu khu 3, khu phố Hương Bình (thị trấn Kỳ Anh), khiến hai chị em ruột là Nguyễn Thị Trà Giang ( SN 2001) và Nguyễn Thái Trường Sơn ( SN 2006) bị tử nạn ngay trong vườn sau của ông nội mình.

Sự quan tâm của gia đình là yếu tố bảo vệ tốt nhất cho trẻ

Sự quan tâm của gia đình là yếu tố bảo vệ tốt nhất cho trẻ

Chiều hôm đó, khi lúc bố mẹ đi vắng, hai chị em đến nhà ông nội chơi, trong lúc ông đang ngủ trên võng, 2 chị em rủ nhau ra ao cá sau vườn, không may bị trượt chân rơi xuống hố, khi ông nội phát hiện được thì hai cháu đã nằm bất động dưới ao. Cũng vào dịp đó, 3 em học sinh ở Kỳ Đồng ( Kỳ Anh) trong ngày lễ đã rủ nhau đi chơi ở bãi biển Kỳ Khang, mặc dù hôm đó số học sinh đi chơi tại đây khá đông, nhưng do tính hiếu kỳ của trẻ nhỏ, 3 em này đã ra quá xa và bị sóng cuốn.

Vào tháng 12/2009, một vụ tai nạn thương tâm nữa cũng diễn ra trên địa bàn Kỳ Anh, em Nguyễn Thị Trâm, Nguyễn Thị Thơm và Nguyễn Thị Mùi đều là học sinh trường THCS Kỳ Hà, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau giờ học các em đi mò hến, không may bị trượt chân chết đuối.

Và còn rất nhiều những cái chết của các em khi vào hè, dù gia đình, thầy cô có đau lòng đến mấy cũng không thể mang lại sự sống cho các em. Những tưởng ngày hè là khoảng thời gian để các em vui chơi, giải trí sau một năm học hành vất vả nhưng sự ra đi của các em khiến chúng ta bàng hoàng.

Với bản tính trẻ con nhiều em mặc nhiên nô đùa dù hiểm họa có thể xẩy ra bất cứ lúc nào.

Với bản tính trẻ con nhiều em mặc nhiên nô đùa dù hiểm họa có thể xẩy ra bất cứ lúc nào.

Theo ông Tô Quang Quyền- Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em (Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội) thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước rất nhiều, nhưng một điều dễ dàng nhận thấy chính là vấn đề nhận thức của xã hội về đuối nước còn nhiều hạn chế cho nên công tác tuyên truyền phòng ngừa chưa được chú trọng. Thêm vào đó, môi trường sống xung quanh chúng ta chưa tạo được sự an toàn cho các em, nhiều gia đình sống gần ao sâu, suối dốc nhưng tuyệt nhiên không có hàng rào che chắn, bể nước, giếng khơi hoàn toàn không có nắp đậy… Sự thiếu quan tâm của những người làm công tác quản lý giao thông đường thuỷ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những cái chết thương tâm, cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ nhỏ…

Tai nạn đuối nước xẩy ra hầu khắp các địa phương, nhưng mấy năm lại nay, các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Hương Sơn là những địa phương có số lượng trẻ đuối nước khá cao. Ngoài những nguyên nhân chung thì sự quản lý lỏng lẽo của chính quyền địa phương, sự thiếu quan, phối hợp của gia đình và nhà trường là lý do khiến trẻ em ở đây bị tử nạn tương đối cao.

Cũng theo ông Quyền, càng gần đến ngày hè thì công tác quản lý trẻ em cần phải đẩy mạnh, trước hết chính quyền địa phương cần phối hợp với các nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm trang bị cho các em kiến thức về cách thức phòng chống đuối nước cũng như tác hại của nó; các nhà trường cần phối hợp với địa phương, gia đình tiến hành bàn giao quản lý học sinh khi kết thức năm học; ở các bến sông nới có trẻ nhỏ đi qua bắt buộc phải có phao cứu sinh hoặc người đi kèm, bể nước, cống rãnh, miệng giếng phải có nắp đậy, đặt các biển báo nguy hiểm tại các bãi biển, bãi tắm; nên đưa chương trình dạy bơi vào trường học, hướng dẫn cho học sinh biện pháp sơ cứu ban đầu khi gặp trường hợp đuối nước. Đặc biệt, cần tạo cho trẻ cho sân chơi bổ ích, thu hút sự quan tâm của trẻ trong những ngày hè.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast