Triển khai công tác đào tạo chuyển đổi nghề cho vùng ảnh hưởng Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê

Sáng nay, Ban QLDA bồi thường, GPMB, hỗ trợ và tái định cư Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) đã triển khai công tác đào tạo chuyển đổi nghề cho vùng ảnh hưởng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Học viên thực hành nghề hàn tại Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh

Học viên thực hành nghề hàn tại Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh

Vùng ảnh hưởng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê có phạm vi rộng, gồm 6 xã biển ngang huyện Thạch Hà với 6095 hộ dân, 26.358 nhân khẩu; diện tích phải giải phóng mặt bằng là 3.898 ha, chiếm 56% diện tích đất tự nhiên.

Nghề nghiệp dân cư trong vùng từ nhiều đời nay chủ yếu là nông nghiệp, làm muối và đánh bắt hải sản gần bờ; đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Vì vậy, việc triển khai công tác đào tạo, chuyển đổi nghề, GQVL là hết sức cần thiết.

Các nhóm giải pháp để đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm cho người lao động vùng ảnh hưởng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê gồm: Tổ chức tuyên truyền làm thay đổi nhận thức cán bộ và nhân dân các địa phương, làm cho người dân thấy được đây là cơ hội thay đổi cơ cấu kinh tế trên cơ sở tái cơ cấu lại dân cư, ngành nghề và lao động. Mỗi gia đình, mỗi người dân hiểu, tự lựa chọn và quyết định việc chuyển đổi nghề phù hợp với sức khỏe, hoàn cảnh, điều kiện và sở trường của mình. Ban quản lý dự án tỉnh và Hội đồng bồi thường GPMB, hỗ trợ, tái định cư cấp huyện sưu tầm, tập hợp các thông tin liên quan của các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh dự báo nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn, tạo điều kiện để người dân tiếp cận thị trường lao động; phát triển nhanh các doanh nghiệp tại các khu tái định cư là giải pháp quan trọng để thu hút và giải quyết việc làm cho người lao động. Khuyến khích các tổ chức, đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai chuyển giao các tiến bộ KHKT, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm. Kinh phí cho việc thực hiện tổ chức đào tạo, chuyển đổi nghề khoảng 45 tỷ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 35 trường và cơ sở dạy nghề cho người lao động, năng lực đào tạo từ 23.000 - 26.000 lao động/năm. Sau khi lao động được đào tạo, các cơ sở dạy nghề đã giới thiệu được tư 70 – 90% số này cho các tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận sử dụng. Dự báo nhu cầu sử dụng lao động của 6 dự án lớn trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2009 – 2015 sẽ cần khoảng 35.000 lao động, trong đó Dự án khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê cần 3.000 lao động.

Nguồn: Ban QLDA khai thác mỏ sắt Thạch Khê

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast