Trường Sơn nhộn nhịp đóng thuyền

(Baohatinh.vn) - Trải qua hàng trăm năm tồn tại, đến nay, nghề đóng thuyền truyền thống của người dân xã Trường Sơn (Đức Thọ) vẫn được giữ gìn và ngày càng phát triển. Những người thợ với bàn tay khéo léo, tài hoa ngày ngày cặm cụi làm việc dưới cái nắng bỏng rát để cho ra đời những chiếc thuyền đánh cá đủ sức vượt biển giúp ngư dân làm giàu...

Nghề ở bến sông

Gió mát lạnh thổi về từ phía bến sông, tiếng đục đẽo, bào cưa rộn ràng và mùi thơm gỗ đặc trưng là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tìm đến mảnh đất này trong những ngày đầu mùa nắng oi ả. Bao trùm cả không gian miền sông nước là không khí nhộn nhịp, tất bật của những người thợ thủ công để tàu hạ thủy kịp với đơn hàng.

Nghề đóng thuyền ngày càng phát triển, mang lại thu nhập cao cho người lao động.
Nghề đóng thuyền ngày càng phát triển, mang lại thu nhập cao cho người lao động.

Chúng tôi ghé thăm khu xưởng đóng thuyền lớn nhất nhì xã của gia đình ông Dương Quốc Huân (thôn Bến Hến) khi ông đang hoàn thành những chi tiết cuối cùng của con thuyền 250 CV. Gạt vội những giọt mồ hôi chảy dài từ khuôn mặt sạm đen, rắn rỏi của người dân miền sông nước, ông Huân kể về nghiệp đóng thuyền truyền thống của quê hương.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, trai làng không một ai không biết đến bào, cưa, khoan, đục; không một ai không biết một vài ngón nghề “lận lưng”, nhưng để sống cả đời với nghề, điều cần nhất là tinh thần muốn kế nghiệp cha ông. Tầm 12-13 tuổi theo cha đóng thuyền làm chân sai vặt đến khi trở thành chàng thanh niên 17-18 tuổi vạm vỡ là đã có thể tham gia đội quân đóng thuyền “chuyên nghiệp”, coi đó là nghề để kiếm kế sinh nhai.

Trước đây, làng nghề chỉ đóng loại thuyền nhỏ phục vụ nhu cầu đánh bắt thủy sản gần bờ của bà con, nhưng hiện nay, những chiếc thuyền lớn từ 250-500 CV đang được ngư dân ở các tỉnh lân cận như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình… đặt hàng ngày càng nhiều. Anh Nguyễn Ngọc Thanh (Nghệ An) chỉ tay vào chiếc thuyền đang đóng dở chia sẻ: “Đây là chiếc thứ 3 gia đình tôi đóng ở xưởng của ông Huân. Chất lượng thuyền rất tốt, khả năng chịu lực, chịu sóng và tuổi thọ rất cao. Hơn nữa, chúng tôi chọn đóng thuyền ở đây vì sự chuyên nghiệp của thợ thuyền cũng như trách nhiệm của họ sau khi thuyền hạ thủy”.

Dẫn chúng tôi tham quan xưởng thuyền của gia đình, ông Huân cho biết, hiện tại xưởng đang đóng 5 chiếc thuyền công suất lớn và vài chục thuyền nhỏ. Trong công xưởng huyên náo, từng công đoạn được những người thợ lành nghề tỉ mẩn, chăm chút thực hiện để cho ra sản phẩm chất lượng nhất. Để có thể ráp những tấm ván dày và uốn theo kết cấu của thân tàu, người thợ phải ép những thanh gỗ qua lửa ở nhiệt độ cao. Các ván tàu được ghép với nhau theo hình răng cưa nên rất chắc chắn và được cố định bằng bu lông. Sau khi lắp ghép xong các bộ phận và vỏ tàu, phải bào sửa để đảm bảo độ cong đều và nhẵn. Tất cả các bộ phận lắp ghép, khe rãnh, mạch, kẽ hở của vỏ tàu đều phải được xảm trét kỹ bằng sợi phoi tre trộn luyện với hố vôi hàu, dầu, nhựa… Cứ như thế, đội ngũ 25 thợ thủ công phải làm việc ròng rã gần 2 tháng để có sản phẩm giao cho khách hàng.

Thắp lửa làng nghề

Làng nghề tồn tại hàng trăm năm, lúc thịnh, lúc suy dập dềnh như sóng nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ những chủ trương về phát triển kinh tế biển nên các xưởng đóng thuyền đã vững vàng, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập khá cho người dân.

Những chiếc thuyền công suất lớn được đặt hàng ngày càng nhiều
Những chiếc thuyền công suất lớn được đặt hàng ngày càng nhiều

Hiện nay, trên địa bàn xã có 5 xưởng đóng tàu quy mô lớn, tập trung ở thôn Bến Hến và Bến Đền, thu hút 85 lao động địa phương và gần 20 hộ sản xuất nhỏ, lẻ trong toàn xã. Trung bình mỗi chiếc tàu công suất lớn có giá tổng thể từ 600 triệu - 1,2 tỷ đồng, trừ mọi chi phí, chủ xưởng có thể “dắt lưng” từ 150-200 triệu đồng; ngoài ra còn tạo việc làm thường xuyên cho những thợ thủ công với mức thu nhập khá cao, từ 6-10 triệu đồng/người/tháng…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết: “Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, chúng tôi có nhiều điều kiện để quan tâm phát triển làng nghề truyền thống. Từ năm 2012 đến nay, xã đã tổ chức 2 lớp dạy nghề mộc dân dụng theo xu hướng thị trường cho 70 học viên, hỗ trợ 20% giá trị máy móc cho các xưởng sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đang tạo điều kiện để các xưởng đóng tàu lớn trong xã tiến tới thành lập doanh nghiệp, đảm bảo sản xuất ổn định, quy củ và lâu dài…”.

Chúng tôi có một niềm tin mãnh liệt về sự trường tồn của làng thuyền xứ bến sông khi được nghe lời tâm sự chân chất, mộc mạc của những người đàn ông miền sông nước: “Nghề đóng thuyền không chỉ để đắp đổi qua ngày, mà còn là nghề máu thịt đã gắn bó tự bao đời. Bởi vậy, không chỉ chúng tôi mà những thợ trẻ sau này cũng đều có chung ước nguyện, dù thế nào đi nữa cũng quyết giữ lấy nghề của cha ông…”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast