Vai trò của đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong xây dựng NTM

Trong thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở tỉnh ta đã đạt được những thành tựu khá toàn diện. Tuy nhiên, những kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của lĩnh vực này. Do vậy, đào tạo nghề, đặc biệt là cho nông dân được coi là nhiệm vụ cấp bách. Đó cũng chính là một trong những mục tiêu mà chương trình xây dựng nông thôn mới hướng tới.

Trang bị những kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi…

Ông Nguyễn Đức Thuần, một nông dân ở xã Thuận Lộc (thị xã Hồng Lĩnh) cho biết: “Lớp dạy nghề cho lao động nông thôn bước đầu đã trang bị cho nông dân những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cách phòng trừ các loại dịch bệnh thường xẩy ra ở địa phương.”

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cùng đoàn công tác kiểm tra mô hình sản xuất bún, bánh tại gia đình ông Dương Hồng Tính - xóm 4, xã Gia Phố...
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cùng đoàn công tác kiểm tra mô hình sản xuất bún, bánh tại gia đình ông Dương Hồng Tính - xóm 4, xã Gia Phố...

Chính từ những lớp học này người dân đã biết áp dụng tiến độ khoa học, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng giá trị hàng hoá trên một đơn vị diện tích. Một số học viên sau các lớp học nghề điện dân dụng, cơ khí nông nghiệp đã tự thiết kế, tính toán, lắp đặt mạng điện trong gia đình, áp dụng các quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn, tăng tuổi thọ dụng cụ thiết bị sử dụng trong sinh hoạt, biết cách bảo dưỡng sữa chữa những hư hỏng thông thường các loại máy móc, công cụ phục vụ sản xuất. Việc gắn kết giữa dạy nghề với tạo việc làm ngay tại địa phương đã có hiệu quả thiết thực trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp nông thôn.

Năm 2011, ở các huyện, thành phố, thị xã thuộc địa bàn tỉnh đã dạy nghề cho 19.258 lao động nông thôn. Trong đó, chủ yếu tập trung đào tạo từ 1 đến 3 tháng, ngành nghề đào tạo chủ yếu tập trung vào các nhóm ngành nghề như nông - lâm - ngư nghiệp, dịch vụ.

Có thể nói, công tác đào tạo nghề ở tỉnh ta thời gian qua đã thực sự trở thành vấn đề lớn không chỉ đối với các cấp, các ngành trong tỉnh, mà đã trở thành vấn đề quan tâm của Chính phủ. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã từng chủ trì một cuộc họp với các bộ, ngành trung ương để bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực cho khu kinh tế Vũng Áng và các khu kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đồng thời với việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các công trình, dự án trọng điểm, công tác đào tào nghề cho lao động nông thôn cũng hết sức được quan tâm, đặc biệt là đào tạo nghề cho người dân tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cơ sở đến tỉnh.

Trên cơ sở chỉ tiêu, kinh phí được phân bổ, các cơ sở dạy nghề đã đầu tư trang thiết bị, tuyển chọn giáo viên, lựa chọn ngành nghề, xây dựng chương trình nội dung giảng dạy phù hợp từng đối tượng học viên. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các đơn vị đào tạo đã khảo sát, bám sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhất là các địa phương có các dự án lớn đang triển khai có nhiều hộ dân phải di dời do bị thu hồi đất. Trên cơ sở đó, các trường, trung tâm dạy nghề phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tổ chức tuyển sinh, lồng ghép các chương trình dự án khác để tăng kinh phí và hiệu quả dạy nghề. Huy động tổng hợp các nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án đầu tư trên địa bàn (Dự án IMPP, CBRIP, oxfarm...) để đầu tư cho công tác dạy nghề lao động nông thôn.

Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã huy động từ các nguồn lực trên 85 tỷ đồng để đầu tư cho công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, qua đó đào tạo nghề cho 16.289 lao động nông thôn của các xã trên địa bàn. Riêng tại xã xây dựng nông thôn mới, đến nay đã tổ chức khai giảng 45 lớp dạy nghề, với 1.719 lao động tham gia.

Đa số người dân sau khi được đào tạo nghề đã sử dụng có hiệu quả kiến thức vào sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, tỷ lệ lao động sau tốt nghiệp nghề tìm kiếm được việc làm mới hoặc tự tổ chức sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề. Nhiều học viên sau khi học nghề đã tạo được việc làm mới, mở thêm các dịch vụ như nghề chế biến nước mắm ở Kỳ Lợi, Kỳ Phú, Kỳ Xuân (Kỳ Anh); nghề làm bún, chế biến đậu phụ ở Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh; nghề kỹ thuật sắt hàn, điện dân dụng của trường Trung cấp nghề, Trung tâm Giới thiệu Việc làm… Hay như lớp dạy nghề làm nấm, nuôi tôm, kỹ thuật mây tre đan xuất khẩu của Trường Trung cấp Nông nghiệp và PTNT, Liên minh HTX đã tạo việc làm mới cho hàng trăm nông dân xã Thạch Sơn (Thạch Hà), Kỳ Tiến (Kỳ Anh), Tân Lộc (Lộc Hà)…

Có thể nói việc tổ chức đào tạo nghề tại các xã xây dựng nông thôn mới đã thật sự bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của ngành để từ đó hình thành được các tổ hợp, hợp tác xã, các cụm làng nghề tiểu thủ công nghiệp, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ; giảm tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp tại các xã xây dựng nông thôn mới theo hướng hợp lý; tạo bước đột phá để thực hiện các tiêu chi còn lại trong thời gian tới.

Cần gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề

Mới đây, trong cuộc họp đánh giá công tác nông thôn mới của UBND tỉnh, ông Nguyễn Xuân Thông – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH đã đưa ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn như nơi nào các cấp ủy Đảng, chính quyền vào cuộc mạnh mẽ quyết liệt và có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, từng cá nhân phụ trách thì nơi đó công tác đào tạo nghề được triển khai có hiệu quả. Công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp học nghề phải đi trước một bước.

Lãnh đạo tỉnh và các ngành tham quan lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại Hương Khê
Lãnh đạo tỉnh và các ngành tham quan lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại Hương Khê

Cán bộ tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm được thông tin về đào tạo nghề và khả năng giải quyết việc làm sau học nghề để cung cấp cho người lao động. Hoạt động dạy nghề muốn đạt hiệu quả cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề ngay bắt đầu từ khâu xác định nhu cầu đào tạo (tức là đầu vào), đến việc tổ chức đào tạo nghề sau đó là giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm (đầu ra) cho người nông dân. Đồng thời, trong quá trình đào tạo cần đưa kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp vào chương trình giảng dạy để người lao động sau học nghề biết huy động vốn, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

Ông Thông cũng đưa ra các giải pháp để làm tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn như tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn và người dân các xã xây dựng nông thôn mới. Phân công, chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho các trường nghề trực tiếp bám sát địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới để đào tạo nghề cho người dân. Trong giai đoạn trước mắt, khi mà các công trình, dự án, các doanh nghiệp trên địa bàn chưa có nhu cầu lớn về tuyển dụng lao động vào làm việc cần tập trung đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, hợp tác với các tổng công ty, doanh nghiệp ngoại tỉnh để đưa lao động ở khu vực nông thôn sau khi được học nghề đi làm việc...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast