Vắng lặng Kim Tân!

(Baohatinh.vn) - Cứ sau tết, người dân Kim Tân (xã Tân Lộc, Lộc Hà) lại kéo nhau rời quê, người vào Nam, kẻ ra Bắc tìm việc mưu sinh khiến cả vùng quê trở nên heo hút, vắng lặng.

Dọc con đường dẫn về thôn Kim Tân bao trùm một không khí vắng vẻ đến lạ thường. Những năm trước, vào thời điểm này, bà con đang tấp nập ra đồng nhanh tay cày cấy hoàn thành vụ xuân, nhưng nay, trên các thửa ruộng đều vắng hoe.

Thôn xóm đìu hiu
Thôn xóm đìu hiu

Ngồi trong căn nhà nhỏ vắng lặng, anh Nguyễn Duy Nhạ chậm rãi: “Vì ở nhà nhàn rỗi quá, ruộng chỉ làm được 1 vụ nên vợ tui mới ra Hà Nội làm giúp việc, còn mấy cha con ở nhà làm từng đó ruộng nuôi nhau”. Đây cũng là tình cảnh chung của hơn 40 hộ dân khác trong thôn Kim Tân. Ông Trần Nho Lam - Trưởng thôn nói: “Trong thôn, giờ ít người lắm, chỉ còn đàn ông, người già và trẻ con ở nhà chăm nhau, còn chị em phụ nữ, thanh niên đi làm thuê hết”.

Được biết, phong trào tha hương kiếm việc chỉ mới nở rộ ở miền quê Tân Lộc chừng 4 năm lại đây nhưng số lượng nông dân rời quê đã tăng lên nhanh chóng. Đến nay, toàn xã có gần 600 người đi lao động tự do tại các thành phố lớn để mưu sinh. Đi giúp việc, mua bán đồng nát, bán vé số, bốc vác, phụ hồ... là những nghề chủ yếu mà người dân miền quê này chọn lựa. Riêng thôn Kim Tân, 600 hộ dân với 3.000 nhân khẩu thì đã có tới gần 300 người xa xứ mưu sinh.

Lý giải về việc người dân trong thôn, trong xã ồ ạt rời quê đi làm thuê, ông Lam buồn rầu: “Thì chú nói ở nhà không mần chi, ruộng đồng sản xuất được 1 mùa nên chỉ cần chồng hoặc vợ ở nhà làm là được rồi. Ở nhà, không có tiền nuôi con ăn học, chi tiêu trong gia đình nên đành đi làm thuê chú ạ”.

Được biết, từ năm 2009 trở về trước, nhờ được mùa liên tục, ruộng đồng vẫn sản xuất được 2 vụ nên người dân Kim Tân rất phấn khởi với nghề nông. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, hơn 170 ha đất canh tác của bà con thôn Kim Tân chỉ sản xuất được 1 vụ đông xuân, còn vụ hè thu do nước ngập nên không thể sản xuất. Do đó, đối với anh Nguyễn Văn Đông, số tiền 2,5 triệu đồng/tháng do vợ anh gửi về từ Hà Nội để 2 đứa con có tiền đi học, rồi còn tích góp sắm sửa vật dụng trong nhà là khá lớn. “Giờ nếu cả hai vợ chồng không đi mà ở nhà bám mấy sào ruộng thì lấy gì mà sống, con cái sẽ thất học” – anh Đông chia sẻ. Nhiều trẻ thơ ở miền quê Tân Lộc đã quen với cảnh cha mẹ vắng nhà, thường xuyên thiếu hơi ấm, thiếu sự dỗ dành, chăm sóc của bậc sinh thành. Chỉ đến dịp tết đến, xuân về, gia đình mới được đoàn tụ.

Ông Nguyễn Duy Đoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc cho biết: “Người dân Tân Lộc chủ yếu làm nông nên tranh thủ lúc nhàn rỗi, họ ra các thành phố lớn kiếm thêm thu nhập”. Ông Đoàn cũng khẳng định, hơn 4 năm nay, vào vụ hè thu, khoảng 170 ha đất nông nghiệp của thôn Kim Tân sản xuất nhưng không có thu nhập khiến người dân không mặn mà với ruộng đồng.

Những đồng tiền do người lao động đổ mồ hôi gửi về có thể làm cho cuộc sống người dân Tân Lộc bớt nghèo, bớt khổ. Trong tâm tưởng nhiều người đó có thể là điều nên mừng vui, nhưng niềm vui đó không thật trọn vẹn nếu phải đổi bằng việc con xa mẹ, vợ xa chồng cả năm trời đằng đẵng.

Đã đến lúc các cấp chính quyền nên có một hướng đi phù hợp để giúp người dân Tân Lộc nói riêng và nhiều vùng quê khác trong tỉnh nói chung về lại với miền quê, yên tâm làm ăn trên chính mảnh đất quê hương, tránh những hệ lụy xấu có thể xẩy ra đối với gia đình và xã hội do tình trạng ly hương kiếm sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast