Việc làm cho người khuyết tật: Cần hơn sự chung tay từ cộng đồng!

(Baohatinh.vn) - Trong những năm qua, công tác chăm sóc người khuyết tật (NKT) nói chung, dạy nghề, tạo việc làm nói riêng đã được các cơ quan, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp Hà Tĩnh quan tâm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác tuyển sinh học nghề và giải quyết việc làm cho NKT.

Việc làm cho người khuyết tật: Cần hơn sự chung tay từ cộng đồng! ảnh 1
Dạy nghề điện dân dụng cho người khuyết tật ở Trung tâm Dạy nghề, GT&GQVL cho người tàn tật Hà Tĩnh.

Chật vật tuyển sinh, khó giải quyết việc làm

Hà Tĩnh hiện có 67.733 NKT, chiếm 5,2% dân số. So với toàn quốc, Hà Tĩnh là tỉnh có tỷ lệ NKT cao. Theo các thống kê, có đến 35,8% NKT bị mù chữ, chỉ có 2,36% NKT có trình độ chuyên môn kỹ thuật và tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị, 58% NKT trong độ tuổi lao động tham gia làm việc, 30% chưa có việc làm và mong muốn tìm được việc làm. Như vậy, có thể thấy, nhu cầu đào tạo nghề của NKT là rất lớn. Việc tạo điều kiện cho NKT tham gia thị trường lao động và cải thiện vị thế kinh tế, xã hội để họ dễ dàng hòa nhập cộng đồng là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, trên địa bàn toàn tỉnh, số lượng NKT tham gia học nghề còn chưa cao, hiệu quả tạo việc làm vẫn còn hạn chế.

Ông Lê Đình Ý - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, Giới thiệu và Giải quyết việc làm cho người tàn tật Hà Tĩnh cho biết: NKT không như những đối tượng khác. Với những NKT vận động, họ rất khó khăn trong việc đi lại, những NKT nghe, nhìn thì ảnh hưởng không nhỏ đến việc học… Đó là chưa kể đến gánh nặng về tâm lý. Đa phần họ vẫn còn bị mặc cảm và tự ti khi học nghề.

“Mặc dù trước mỗi khóa học, cán bộ trung tâm dành khá nhiều thời gian đến tận địa phương, từng xã, phường để xác định và nắm bắt nhu cầu, đồng thời, phổ biến chính sách tới tận từng hộ dân có NKT, làm công tác tư tưởng để vận động NKT còn khả năng lao động tham gia học nghề phù hợp với năng lực. Nhưng nhiều gia đình vẫn chưa tin tưởng…”, ông Ý chia sẻ.

Hiện tại, trung bình mỗi năm, Trung tâm Dạy nghề, Giới thiệu và Giải quyết việc làm cho người tàn tật Hà Tĩnh đào tạo nghề cho từ 120 - 150 học viên (sửa chữa xe máy, sửa chữa điện dân dụng, may mặc, in lưới thủ công, mây tre đan, tin học văn phòng, trồng rừng và chăm sóc cây rừng…). Tuy nhiên, số NKT sau khi kết thúc khóa học có điều kiện tìm việc làm phù hợp với nghề đã được học và năng lực của bản thân không phải là nhiều. Từ năm 2004 đến nay, trung tâm giới thiệu, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 400 học viên tại các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh (chiếm 40% số người được đào tạo)…

Ông Lê Đình Ý cũng cho biết: Hiện nay, với NKT ở các vùng nông thôn, việc đào tạo nghề và tạo việc làm sau học nghề đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nếu như NKT khu vực thành thị có cơ hội tìm việc làm phù hợp trong nhiều doanh nghiệp với mô hình và loại hình công việc đa dạng, thì ở nông thôn, miền núi, tìm việc làm cho NKT là rất khó. Vì vậy, nếu không có sự chung tay của cả cộng đồng thì NKT khó có thể hòa nhập cuộc sống.

“Công tác giải quyết việc làm cho NKT đã được đào tạo nghề thời gian qua rất khó khăn, chủ yếu dựa vào các mối quan hệ của trung tâm và sự tự vận động của chính bản thân các học viên”, ông Ý cho biết thêm.

Việc làm cho người khuyết tật: Cần hơn sự chung tay từ cộng đồng! ảnh 2
Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh dạy nghề cho người khuyết tật Diễm Phát (xã Thạch Khê - Thạch Hà), giúp NKT cải thiện cuộc sống, được học nghề, có việc làm.

Cần hơn nữa sự chung tay của cộng đồng

Vợ chồng anh Lê Thái Bình ở xã Kỳ Tân (Kỳ Anh) đều là NKT. Sau khi tốt nghiệp lớp tin học văn phòng ở Trung tâm Dạy nghề, Giới thiệu và Giải quyết việc làm cho người tàn tật Hà Tĩnh, họ quyết định mở trung tâm dạy tin học văn phòng. Giờ đây, cơ sở dạy nghề của họ đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều người. Đáng nói, hàng năm, vợ chồng anh Bình đã đào tạo miễn phí cho hàng chục NKT đến học nghề.

Sau một tai nạn giao thông, anh Phạm Văn Tám, ở xã Thạch Khê (Thạch Hà) phải gắn cuộc đời mình với chiếc xe lăn. Nhưng với ý chí vượt lên chính mình, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, Tám đã học nghề mộc. Năm 1998, Tám tự thân lập nghiệp, mở xưởng mộc vừa kinh doanh, vừa dạy nghề, truyền nghề miễn phí cho nhiều NKT. Hiện nay, cơ sở của anh đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy về sản xuất đồ mộc trong gia đình. Hàng năm, doanh thu của anh đạt từ 300-400 triệu đồng, tạo việc làm cho 10-15 NKT trên địa bàn với thu nhập từ 1,5-3 triệu đồng/người/tháng.

Trên đây chỉ là 2 trong số ít NKT may mắn có việc làm. Đa số NKT do bệnh tật, khiếm thính, khiếm thị, thiểu năng trí tuệ, nhiễm chất độc da cam… đang gặp nhiều khó khăn trong tìm việc làm, đảm bảo cuộc sống. Trong khi đó, phần lớn gia đình NKT lại nghèo khó. Do đó, theo ông Lê Đình Ý thì Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay ưu đãi đối với NKT.

Có một thực tế hiện nay là ngoài tâm lý e ngại khi sử dụng lao động là NKT, không ít doanh nghiệp cũng chưa có những ưu tiên cần thiết đối với họ. Theo Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, Giới thiệu và Giải quyết việc làm cho người tàn tật Hà Tĩnh thì trình độ văn hóa và tay nghề của NKT không thể bằng người thường được nên cần có một cơ chế đặc thù hay những ưu tiên nhất định đối với các doanh nghiệp mạnh dạn sử dụng lao động là NKT để khuyến khích, nhân rộng những mô hình này.

Để NKT có thể vươn lên trong cuộc sống, vượt qua hoàn cảnh, hòa nhập xã hội, rất cần hơn nữa sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng.

Theo kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, từ 2016 - 2020, sẽ có 4.500 NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast