Việc làm cho thanh niên: Tạo đà khởi sự

(Baohatinh.vn) - Với nhiều thanh niên, những khó khăn, thách thức hiện nay lại đang mở ra cơ hội để họ vươn lên khẳng định bản thân. Bên cạnh đó, những chính sách, cơ chế hỗ trợ của tỉnh, sự đồng hành của các cấp, ngành đang tạo đà để thanh niên khởi sự thành công…

>> Việc làm cho thanh niên: Bức tranh đa màu

Việc làm cho thanh niên: Tạo đà khởi sự ảnh 1

Cơ hội việc làm luôn rộng mở cho những ai nhạy bén, có ý chí. Ảnh: Phan Trâm

Nghị lực người mở đường

Tốt nghiệp THPT, Nguyễn Minh Dũng (SN 1989, ở xã Sơn Thọ, Vũ Quang) thi đậu vào Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, theo học ngành điện công nghiệp. Trải qua năm học đầu tiên, Dũng nhận thấy “Mấy anh chị sinh viên khóa trước ra trường chưa có việc làm rất nhiều, gia đình lại khó khăn, đông anh em...” nên đã đi đến quyết định thôi học. Từ đó, anh về quê quyết tâm khai hoang phát triển trang trại chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Với ý chí và nghị lực phi thường, ngày đêm cần mẫn học hỏi kinh nghiệm, cần cù làm việc, đến nay, trang trại đã mang về cho anh thu nhập bình quân mỗi năm 250-300 triệu đồng.

Gần 3 năm làm việc tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp FORMOSA Hà Tĩnh, Nguyễn Xuân Thành (Thạch Xuân, Thạch Hà) càng cảm thấy quyết định theo học cao đẳng nghề của mình là đúng đắn. Tốt nghiệp THPT, đứng giữa nhiều ngả rẽ của tương lai, bạn bè Thành nộp hồ sơ vào các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp từ Nam ra Bắc, riêng Thành chọn con đường học nghề cơ khí. Ra trường, khi các bạn người đang học, người chật vật xin việc thì Thành đã tự kiếm được cho mình một công việc ở xưởng cơ khí nhỏ. Lăn lộn hơn 2 năm với nghề, đến khi Công ty FORMOSA tuyển dụng, Thành nộp hồ sơ, với kinh nghiệm đã có, anh nhanh chóng được nhận vào làm và ngày càng khẳng định tay nghề, được nhà tuyển dụng tin tưởng.

Sinh năm 1985, bị dị tật bẩm sinh, đôi nạng gỗ trở thành “người bạn thân” không thể tách rời của Nguyễn Tiến Anh (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh). Học hết lớp 12, Tiến Anh đã lựa chọn con đường học nghề điêu khắc, đắp chữ phù điêu để có thể phát huy năng khiếu vẽ. Với đôi bàn tay khéo léo và chăm chỉ học hỏi, Tiến Anh vừa học, vừa làm thêm để trang trải cuộc sống.

Kết thúc quãng thời gian đi học 3 năm cũng là lúc tay nghề đã vững, anh trở về quê lập nghiệp. Thời gian đầu gặp không ít khó khăn, nhưng khi nắm bắt được nhu cầu thị trường, anh mạnh dạn đứng ra nhận các công trình. Tích tiểu thành đại, từ những hạng mục nhỏ, sau một thời gian, anh đã mạnh dạn nhận các công trình lớn với số vốn hàng chục triệu đồng. Không chỉ nuôi sống bản thân, anh còn tạo việc làm cho 3 thanh niên khác, với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Thời gian rảnh, anh nhận cắt chữ trang trí kiếm thêm thu nhập.

Việc làm cho thanh niên: Tạo đà khởi sự ảnh 2

Nguyễn Tiến Anh luôn miệt mài với công việc để làm nên những sản phẩm đẹp

Đó chỉ là một số điển hình đại diện của hàng trăm mô hình tiêu biểu cho nghị lực, ý chí của thanh niên Hà Tĩnh trên con đường lập thân, lập nghiệp, góp sức cho công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Góp sức cùng thanh niên

Đồng hành cùng thanh niên, thời gian qua, Hà Tĩnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tiếp sức cho thanh niên trên bước đường lập thân, lập nghiệp, giúp thanh niên có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm công việc phù hợp với năng lực bản thân...

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Thế Hoàn, trong thời gian tới, Tỉnh đoàn cũng như Hội LHTN tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giúp đỡ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp; đặc biệt là công tác định hướng nghề nghiệp cho thanh niên khi đang học THPT.

Tỉnh đoàn tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện để thanh niên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; hướng dẫn, hỗ trợ về hồ sơ pháp lý, thủ tục đất đai; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tạo cơ chế hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về xây dựng nông thôn mới, chuyển giao KHKT, khởi sự doanh nghiệp; cung cấp các thông tin tuyển dụng, tuyển sinh, đào tạo nghề… cho ĐVTN. “Giúp các ĐVTN xác định được năng lực và phải nhìn nhận được vai trò, trách nhiệm của mình với gia đình và địa phương để có hướng đi đúng đắn” - anh Nguyễn Thế Hoàn cho biết thêm.

Phó Bí thư Huyện đoàn Thạch Hà - Dương Anh Dũng chia sẻ: Có thể thấy, tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên rất thông thoáng. Có được sự “hậu thuẫn” đó cùng với sự khâu nối của các cấp bộ đoàn, thanh niên Thạch Hà đang phát huy hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế. Bằng nhiều kênh: bảng tin KHKT, thư viện điện tử, đối thoại trực tiếp, tuyên truyền qua loa phát thanh… họ đã tiếp cận được với các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như thông tin việc làm. Và điều quan trọng đó là xây dựng được điển hình ngay trong thanh niên.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Năm nay, ngành tiếp tục tập trung cho đào tạo nghề, hỗ trợ người lao động về ngoại ngữ, kỹ năng mềm; hỗ trợ thông tin để người lao động nắm được xu thế thị trường, tìm kiếm việc làm phù hợp; thông qua sàn giao dịch việc làm giới thiệu việc làm cho thanh niên.

2015 hứa hẹn là năm sôi động cho thanh niên trong tìm kiếm cơ hội việc làm. Cơ hội đó trôi đi hay ở lại và trở thành bước đệm vững chắc cho thanh niên trong lập thân, lập nghiệp - câu trả lời tùy thuộc vào sự nhanh nhạy, quyết đoán của các bạn trẻ - những chủ nhân của tương lai.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast