Vướng mắc trong việc đưa đối tượng đi cai nghiện tập trung

(Baohatinh.vn) - Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Hà Tĩnh đang là nơi làm lại cuộc đời cho hàng chục con người lầm lỗi từng sa vào “làn khói trắng”. Hàng ngày, hàng giờ, dưới sự hướng dẫn, chỉ dạy tận tình của y, bác sỹ, cán bộ trung tâm, các học viên không ngừng lao động, rèn luyện để mong sớm trở lại với gia đình, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, việc đưa đối tượng đến đây cai nghiện còn gặp nhiều vướng mắc.

Thành quả bước đầu

Năm 2013, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH đóng tại xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) với cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khép kín trên diện tích 27,7 ha chính thức đi vào hoạt động và đón những học viên đầu tiên. Lúc mới thành lập, trung tâm có 17 cán bộ, nhân viên quản lý và 51 học viên (9 học viên tự nguyện và 42 đối tượng thuộc diện bắt buộc). Sau gần 2 năm hoạt động, đã có hơn 20 học viên hoàn lương, hòa nhập cộng đồng, thành người có ích cho xã hội.

Vướng mắc trong việc đưa đối tượng đi cai nghiện tập trung ảnh 1

Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Hà Tĩnh được đầu tư xây dựng quy mô với kinh phí hơn 100 tỷ đồng nhưng hiện chỉ có 25 học viên cai nghiện.

Anh Phạm Hồng T. (Thạch Hà) tâm sự: “Tôi vào đây được gần 1 năm, đã được các cán bộ giúp đỡ điều trị cai nghiện, tình trạng sức khỏe giờ rất tốt. Vào đây, tinh thần thoải mái hơn, được học tập và lao động. Hàng ngày, chúng tôi học làm vườn, chăn nuôi, trồng rau… Sau này, hết thời gian cai nghiện, trở về với cộng đồng, tôi sẽ dùng những kiến thức đã học được để làm kinh tế trang trại, nuôi sống bản thân và gia đình”.

Tuy vậy, qua tìm hiểu của chúng tôi, công tác tiếp nhận, quản lý đối tượng đang gặp nhiều khó khăn. Theo Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Sỹ thì hiện nay, số lượng người nghiện ngoài xã hội nhiều nhưng số người tình nguyện đến với trung tâm còn ít. Vì vậy, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của gia đình và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động các đối tượng tự nguyện đến trung tâm cai nghiện”.

Khó khăn trong tiếp nhận, quản lý đối tượng

Để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý và đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện tập trung tại các cơ sở, Chính phủ đã có Nghị định 111/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Nghị định 221/2013/NĐ-CP, ngày 30/12/2013 về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa đi cai nghiện bắt buộc. Đây được xem là hành lang pháp lý vững chắc cho các ngành chức năng trong thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, do các nghị định còn thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện khiến địa phương lúng túng khi xử lý đối tượng. Điều này tạo ra khoảng trống pháp luật và gây bất an cho xã hội vì đối tượng nghiện ma túy thường đi kèm với phạm pháp hình sự.

Vướng mắc trong việc đưa đối tượng đi cai nghiện tập trung ảnh 2

Các học viên tại Trung tâm TTCB-GD-LĐXH học làm vườn, chăn nuôi, trồng rau

Từ đầu năm đến nay, trung tâm chưa tiếp nhận được thêm học viên nào. Theo ông Sỹ, do Nghị định 221 quy định biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ do tòa án quyết định thay vì chủ tịch UBND huyện, thành phố như trước đây nhưng lại chưa có thông tư hướng dẫn, biểu mẫu thực hiện nên công tác cai nghiện tập trung gặp nhiều khó khăn.

“Hiện nay, muốn đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, đầu tiên phải xác định tình trạng nghiện rồi xử phạt hành chính, sau đó đưa về giáo dục tại phường, xã; nếu tái nghiện mới đưa đi cai bắt buộc. Tuy nhiên, việc xác định tình trạng nghiện của đối tượng cũng bị ách lại do Nghị định 111 yêu cầu “thẩm quyền xét nghiệm phải là y, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và phải qua khóa tập huấn” trong khi các trạm y tế phường, xã hầu như không đáp ứng được yêu cầu này. Do vậy, việc xác định tình trạng người nghiện ma túy để đưa đi giáo dục đối với xã, phường, thị trấn chưa thể thực hiện” - ông Sỹ cho hay.

Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc khiến các địa phương băn khoăn như việc giao các tổ chức chính trị - xã hội (hội cựu chiến binh, hội phụ nữ…) quản lý đối tượng nghiện trong thời gian chờ làm thủ tục hơn 30 ngày để đưa đi cai bắt buộc, trong khi các tổ chức này không có chuyên môn y tế, cơ sở vật chất. Hay quy định thẩm quyền ra quyết định đưa đối tượng nghiện đi cai bắt buộc là thẩm phán TAND huyện.

“Từ khi triển khai thực hiện Nghị định 221 đến nay, toàn tỉnh mới xử lý được 1 vụ vi phạm hành chính đưa đi cai nghiện bắt buộc. Để đưa được đối tượng đi cai nghiện còn gặp nhiều khó khăn từ phía đối tượng cũng như gia đình. Ngoài ra, nghị định này chưa có hướng dẫn cụ thể nên thực tế TAND địa phương chưa thể tiếp cận để thực hiện. Mặt khác, với khối lượng công việc nhiều, trong khi nhân lực ít, thẩm phán không có thời gian xem xét từng hồ sơ để ra quyết định kịp thời!” - Chánh án TAND tỉnh Trần Quốc Việt chia sẻ.

Theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP, khi phát hiện người sử dụng ma túy trái phép, công an cấp xã, phường phải lập biên bản và xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Sau 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trưởng phòng tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ. Kết quả kiểm tra phải được thể hiện bằng văn bản gửi trưởng phòng LĐ-TB&XH. Trong thời gian 7 ngày, trường hợp hồ sơ đầy đủ, trưởng phòng LĐ-TB&XH gửi hồ sơ cho TAND cấp huyện. Trong thời hạn 5 ngày từ ngày nhận được quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của tòa án, công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với phòng LĐ-TB&XH đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast