Xuất khẩu lao động (bài 1): Vỡ mộng làm giàu!

(Baohatinh.vn) - Lâu nay, Hà Tĩnh tự hào là một trong những địa phương có số lượng lớn người dân đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) và đem về nguồn ngoại tệ lớn nhất nước. Nhưng rồi, qua những gì mắt thấy, tai nghe, chúng tôi thực sự trăn trở bởi đằng sau giấc mơ xuất ngoại, mong ước làm giàu từ những tờ ngoại tệ là những câu chuyện buồn lòng và những giọt nước mắt...

Ra đi với giấc mộng “đổi đời”, mong có được nhà cao cửa rộng, nhưng rồi do nhiều nguyên nhân, mong muốn chính đáng ấy đã đẩy nhiều người rơi vào hoàn cảnh bi đát, cùng cực. Giấc mộng làm giàu bằng những đồng ngoại tệ chỉ như bong bóng sau mưa.

Về làng nói tiếng Thái

Trước đây, người dân thôn Quang Trung, xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) sống phụ thuộc hoàn toàn vào đồng ruộng và những mớ cá, con tôm trong vùng lộng. Cái đói, cảnh nghèo đeo đẳng quanh năm, mong ước đổi đời đã trở thành khát vọng của bao thế hệ người dân nơi đây. Thế rồi, năm 2004, phong trào đi lao động “chui” ở Thái Lan xuất hiện và lan tỏa chóng vánh khắp xóm nghèo Quang Trung. Đến nay, hầu hết các gia đình ở đây đều có người “đi theo tiếng gọi” của những đồng Bạt Thái.

Việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn lao động sẽ góp phần hạn chế tình trạng lao động "chui" ở nước ngoài.

Việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn lao động sẽ góp phần hạn chế tình trạng lao động "chui" ở nước ngoài.

Người đi nhiều là thế, nhưng bộ mặt nông thôn của Quang Trung vẫn không thực sự khởi sắc, đường sá vẫn chật hẹp và ngoằn ngoèo, nhà cửa vẫn lụp xụp, sinh kế và đời sống chưa được cải thiện là bao. Sự đổi thay lớn nhất so với trước đây ở vùng quê nghèo này là nếp sinh hoạt đã có vẻ hiện đại hơn. Ngày tết, thanh niên ra đường bằng những trang phục “mốt” hơn, đầu tóc sành điệu hơn. Nhưng đáng chú ý nhất là, rất nhiều người dân trong thôn đã sử dụng tiếng Thái để giao tiếp hàng ngày trong các dịp đoàn viên như để chứng minh sự trưởng thành, xen lẫn chút tự hào vì mình không còn “quê” nữa. Đây cũng là bức tranh chung của các thôn xóm khác có nhiều người đi lao động “chui” ở Thái Lan mà tôi từng có dịp đến ở các huyện Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân…

Trong cuộc rượu nhỏ đầu năm nơi xóm nghèo Quang Trung này, chúng tôi đã được nghe về những cuộc hành trình đến “miền đất hứa”, các mánh khóe làm ăn của những người trong cuộc và cả cuộc sống, sinh hoạt của những người dân quê nơi xa xứ. Trong rất nhiều câu chuyện buồn, thì chuyện của người tên Q. đáng ngẫm nhất. Ngược dòng thời gian gần 12 năm về trước, do nghèo khó nên vợ chồng Q. phải tha hương cầu thực trên đất Thái với mong muốn tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Ở xứ người, trong khi người chồng một mực tích góp cho tương lai thì người vợ lại “đổ đốn” bởi sự quyến rũ của đồng tiền, khiến cuộc hôn nhân đứng bên bờ vực đổ vỡ. Hai đứa con thẳng thừng tuyên bố “cắt đứt tình mẫu tử”, còn Q. thì nhất quyết tìm cách để ly hôn.

Xuất khẩu lao động về vẫn thuộc diện hộ nghèo

Vừa rồi, tham gia đoàn công tác của tỉnh về tìm hiểu, đánh giá công tác xóa đói giảm nghèo ở xã Hương Vĩnh (Hương Khê), chúng tôi chứng kiến một hộ nghèo từng có người 23 năm đi XKLĐ ở Nga. Ngôi nhà của anh P.D.Đ ở xóm núi Thuận Trị tuềnh toàng, xuống cấp, bên trong không một tài sản nào đáng giá, khiến chúng tôi không khỏi ái ngại. 53 tuổi đời, biền biệt gần 23 năm nơi xứ người, ở nhà còn mẹ già, vợ dại, con thơ, nhưng do tiêu xài không hạn định, lại bị vướng vào vòng lao lý nên ngần ấy thời gian, anh chưa một lần gửi tiền về nhà, không một đồng tích góp, nhiều năm không tin tức, mong ước hồi hương không thành vì sợ những lời đàm tiếu.

Một lao động quê Lộc Hà (Hà Tĩnh) bán nước dừa trên hè phố Bangkok

Một lao động quê Lộc Hà (Hà Tĩnh) bán nước dừa trên hè phố Bangkok

Sau bao năm nhờ người tìm kiếm, anh trở về địa phương chỉ với vài chục triệu đồng, đủ mua tặng con gái một chiếc xe máy làm kỷ niệm. Ngay cả mẹ già hơn 90 tuổi cũng không có nổi một đồng quà, tấm áo. Nhưng điều khiến chúng tôi chua xót hơn những mất mát trong hạnh phúc gia đình, sự hoài phí những năm tháng tuổi trẻ với bao dự định và mơ ước, là tấm thân tàn sau các biến cố trong những năm tháng ly hương.

Theo số liệu khảo sát của các cơ quan chức năng, từ năm 2005 đến nay, khoảng 9.000 gia đình có người đi XKLĐ (tương đương 15%) trở về có đời sống ở mức trung bình trở xuống, trong đó, hơn 100 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ đều có những điểm chung là đi sang các nước để lao động nhưng không làm đúng hợp đồng, bị tai nạn lao động, doanh nghiệp phá sản, phải về nước trước thời hạn... khi về có tiền nhưng không chí thú làm ăn mà sa vào các tệ nạn xã hội… Nhiều trường hợp, khi trở về phải đối mặt với những khoản nợ khổng lồ và cả thị phi của người đời. Trong cơn bĩ cực, nhiều trường hợp đã lâm vào bế tắc, trượt dài trong nghèo khổ và các loại tệ nạn…

(Còn nữa)

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast