Xuất khẩu lao động (bài 2): Ngổn ngang nỗi lo

(Baohatinh.vn) - Dù đã có nhiều nỗ lực từ phía ngành chức năng nhưng công tác XKLĐ đang còn rất nhiều khó khăn, bất cập. Cùng với vấn nạn lao động chui, bỏ việc, cư trú và lao động bất hợp pháp ở nước ngoài là những rào cản đến từ các doanh nghiệp làm dịch vụ môi giới, tiếp cận thị trường, vay vốn xuất ngoại…

>> Bài 1: Vỡ mộng làm giàu!

Báo động lao động bất hợp pháp

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi được các cơ quan chức năng cung cấp những con số khiến nhiều người giật mình. Theo khảo sát, tình hình lao động di cư theo hình thức du lịch, thăm thân, kết hôn giả để được cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Trong 10 năm gần đây đã có hàng chục ngàn người Hà Tĩnh vi phạm hợp đồng và hiện đang có khoảng 16.000 người (chiếm khoảng 45% tổng số người làm việc ở nước ngoài) đang cư trú, làm việc bất hợp pháp ở các nước.

Xuất khẩu lao động (bài 2): Ngổn ngang nỗi lo ảnh 1

Người dân đến Quỹ tín dụng Cương Gián vay vốn để xuất khẩu lao động.

Đối với các thị trường được cấp phép, tỉnh ta đang đứng đầu toàn quốc về tình trạng này. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ lòng tham và nhận thức, ý thức kỷ luật kém của người lao động. Theo tìm hiểu của chúng tôi, làm việc ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, bình quân mỗi tháng, người lao động thu nhập từ 15-25 triệu đồng nhưng nếu bỏ trốn ra ngoài làm thì cao hơn khoảng 1,5-2 lần. Vì vậy, ở 3 thị trường này hiện đang có 2.548 người bỏ trốn, tìm đủ mọi cách để ở lại...

Ở các nước chưa ký kết hợp tác lao động song phương thì Hà Tĩnh cũng thuộc diện “hoành tráng” với hàng chục ngàn người lao động và cư trú bất hợp pháp, nhiều nhất là ở Angola (5.600), Trung Quốc (hơn 1.000), Lào (trên 2.000), cá biệt ở Thái Lan có thời kỳ đỉnh điểm lên đến hơn 10.000 người. Theo các nhà quản lý, nguyên nhân là do chi phí xuất cảnh các nước này thấp; thậm chí bằng cách này hay cách khác, nhiều trường hợp không có tiền vẫn xuất ngoại được.

Còn đối với những người trong cuộc như anh Nguyễn Đức Hưng ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) thì: “Ngoài chi phí thấp, đi “chui” thủ tục đơn giản, nhanh gọn hơn, nếu có hộ chiếu rồi thì chỉ 2 ngày là đã có mặt ở các nước gần. Sang bên đó không có nhiều ràng buộc, khỏe thì làm việc, mệt thì nghỉ, muốn đi đâu thì đi, làm việc gì thì làm. Người tu chí thì tranh thủ tích góp, kẻ ham chơi thì vừa làm ra tiền, vừa được đi chơi”. Và theo nhận định của các công ty môi giới, ngay cả khi chúng ta ký kết hợp tác lao động với tất cả các nước thì tình hình vẫn không thể khắc phục được vì chi phí đi bằng con đường chính thống sẽ cao hơn từ 8-11 lần so với đi “chui”…

Gian nan tiếp cận đầu mối và thị trường

Trao đổi với chúng tôi, nhiều người tham gia XKLĐ cho rằng, họ chưa được thông tin rộng rãi, đầy đủ về các doanh nghiệp đã được ngành LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ. Điều này dẫn tới người lao động chưa tìm đến được những địa chỉ tin cậy, một bộ phận lớn người có nhu cầu phải qua các “vệ tinh” làm dịch vụ tạo nguồn với mức phí cao, thủ tục rườm rà, độ rủi ro lớn. Mặt khác, do hệ thống làm dịch vụ này chưa được quản lý chặt chẽ dẫn tới cạnh tranh thiếu lành mạnh, quảng cáo thiếu trung thực về các đơn hàng, không thực hiện nghiêm túc việc công khai tiền lương, thu nhập, thời gian làm việc...

Xuất khẩu lao động (bài 2): Ngổn ngang nỗi lo ảnh 2

Một buổi trao đổi kinh nghiệm của công nhân người Việt Nam tại Nhà máy Lắp ráp thiết bị điện tử Cao Hùng (Đài Loan).

Quá trình tìm hiểu sự việc, chúng tôi cũng đã phát hiện nhiều doanh nghiệp đứng ra làm nhiệm vụ môi giới, đưa lao động đi nước ngoài không tuân thủ các quy định cụ thể về mức phí của từng thị trường để chiếm đoạt tiền của người lao động. Theo ước tính, mỗi năm, người đi XKLĐ ở tỉnh ta mất cho các doanh nghiệp này khoảng 40-50 tỷ đồng, trong đó, nhiều thị trường người lao động phải bỏ số tiền gấp hơn nhiều lần so với quy định.

Cụ thể như đi XKLĐ ở Đài Loan chi phí từ 3.000-5.000 USD (tương đương khoảng 65-120 triệu đồng) tùy vào đơn hàng và ngành nghề, nhưng theo Thông tư 21 ngày 10/10/ 2013 của Bộ LĐ-TB&XH thì doanh nghiệp chỉ được thỏa thuận ký quỹ với người lao động từ 800-1.000 USD; thị trường bờ Nhật Bản khoảng từ 8.000-11.000 USD, trong khi quy định chỉ được thu tối đa 3.000 USD và đi các nước khác cũng đều có mức chênh lệch tương tự…

Cùng với khó khăn trong việc tìm kiếm, lựa chọn địa chỉ môi giới tin cậy thì người lao động còn gặp những vướng mắc trong cơ chế vay vốn để có thể tiếp cận được những thị trường có mức thu nhập cao. Theo số liệu của các ngân hàng, nếu ở giai đoạn trước, số người được vay vốn đi XKLĐ chiếm tới hơn 30% thì từ năm 2011 đến nay, tỷ lệ này giảm xuống còn 21% với 1.150 người được vay và dư nợ phục vụ hoạt động này vào thời điểm cuối năm 2014 đạt 39,4 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 26 quỹ tín dụng có tham gia cho vay vốn XKLĐ với tổng nguồn vốn cho vay đạt 964 tỷ đồng, trong đó, nhiều đơn vị hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, với mức cho vay chỉ từ 20-30 triệu đồng thì chỉ đủ để tiếp cận những thị trường có thu nhập thấp như Malaysia, Libya, biển Đài Loan chứ không thể tiếp cận với các thị trường có thu nhập cao như đi bờ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Qua tìm hiểu cho thấy, một trong những vấn đề có tác động xấu đến việc tiếp cận các thị trường khó tính, những công việc thu nhập cao là công tác đào tạo nguồn nhân lực đi XKLĐ. Hiện nay, các đơn vị cung ứng tạo nguồn chủ yếu đang dựa vào các trường dạy nghề, trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm với tỷ lệ cung ứng chiếm tới 65-80%. Lâu nay, mặc dù các đơn vị này đã có nhiều cố gắng nhưng công tác đào tạo lực lượng lao động đi xuất khẩu vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chương trình đào tạo chưa phù hợp. Vì vậy, chưa xuất khẩu được lao động có tay nghề với mức lương cao mà đa phần là xuất khẩu lao động “thô”, lao động phổ thông với mức lương thấp. Mặt khác, do trình độ tay nghề thấp, ngoại ngữ hạn chế, ý thức kỷ luật của người lao động chưa cao đã ảnh hưởng đến việc mở rộng thị trường và trở thành đối tượng dễ bị “tổn thương” nhất trước các tác động bên ngoài…

(Còn nữa)

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast