Xuất khẩu lao động (bài 3): Trăn trở ngày về

(Baohatinh.vn) - Ngoài những số phận kém may mắn mà chúng tôi đã đề cập thì việc quản lý các vấn đề có liên quan đối với người sau khi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) về nước cũng còn nhiều điều đáng bàn. Lao động về nước lúc nào? Làm gì sau khi trở về? Nguồn tiền đem về được sử dụng ra sao?... đang là những câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn.

>> Bài 1: Vỡ mộng làm giàu!

>> Bài 2: Ngổn ngang nỗi lo

Về nước không thanh lý hợp đồng

Theo số liệu khảo sát, hiện nay, ngoài các đối tượng bỏ trốn, vi phạm hợp đồng lao động thì 95% lao động của tỉnh ta sau khi hoàn thành hợp đồng trở về nước không đến các cơ quan chức năng, doanh nghiệp (DN) để thanh lý hợp đồng lao động, nhất là đối với những thị trường khi đi không đặt cọc. Khi được hỏi, các đối tượng trả lời: “Không thấy bắt buộc nên không thực hiện”, “Chẳng thấy ai nhắc phải làm thế cả”, “Tôi chẳng để ý đến việc đó”, “Không có tiền thì thanh lý làm gì cho mất thời gian” và còn nhiều câu trả lời khác kiểu tương tự. Đối với DN, họ chỉ chú tâm đến việc đưa đi để thu phí dịch vụ, còn lao động về lúc nào, thực hiện hợp đồng ra sao, họ không quan tâm và nguy hại hơn là cho rằng, đó không phải việc của họ.

Do nội chiến, nhiều lao động vừa sang Lybia đã phải về nước khi vừa xuất ngoại chưa lâu

Do nội chiến, nhiều lao động vừa sang Lybia đã phải về nước khi vừa xuất ngoại chưa lâu

Tình trạng không thanh lý hợp đồng dẫn tới việc theo dõi, nắm bắt thông tin tình hình lao động về nước, việc chấp hành nghĩa vụ trong hợp đồng cũng như hoạt động của các tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan chưa quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền các cấp trong vấn đề này.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH cũng khẳng định, để nắm bắt các thông tin có liên quan đến người lao động về nước chỉ có giải pháp duy nhất là tổ chức điều tra, khảo sát trên địa bàn 262 xã, phường nhưng đây là công việc khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian. Do vậy, khi cần nắm bắt thông tin, cơ quan chức năng phải phụ thuộc vào sự phối hợp cung cấp của Cục Quản lý lao động ngoài nước và các DN. Tuy nhiên, thực hiện theo cách này cũng không đầy đủ vì không phải các nước đều có văn phòng quản lý lao động, còn DN thì không làm đến nơi, đến chốn…

Lãng phí cả tiền lẫn nguồn nhân lực

Cùng với công tác quản lý người lao động thì việc phát huy nguồn vốn có được từ hoạt động XKLĐ cũng đang là một vấn đề rất đáng quan tâm. Theo số liệu tổng hợp từ các đơn vị XKLĐ và các ngân hàng thương mại trên địa bàn, mỗi năm, người lao động gửi về nước số ngoại tệ khoảng 110-120 triệu USD (khoảng 2.200-2.400 tỷ đồng).

Xuất khẩu lao động (bài 3): Trăn trở ngày về ảnh 2

Căn nhà tuyềnh toàng, xuống cấp của một người Hương Khê từng có 23 năm XKLĐ tại Nga

Toàn tỉnh hiện có 87 xã, phường, thị trấn có số lượng người đi XKLĐ nhiều, đưa về nguồn ngoại tệ từ 20-30 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, số tiền này chủ yếu được gửi tiết kiệm, tiêu xài, làm nhà cửa, mua sắm tiện nghi sinh hoạt, chứ hầu như không đầu tư vào phát triển sản xuất. Vấn đề này thể hiện rõ ở xã Cương Gián (Nghi Xuân) - một trong những địa phương nổi tiếng về XKLĐ. Theo thông tin nắm được, toàn xã hiện có 2.443 người đang làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là các thị trường cho thu nhập cao nên mỗi năm gửi về quê khoảng 100 tỷ đồng. Lượng tiền gửi về lớn là vậy, nhưng chỉ có khoảng 3% đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế. Khi tìm hỏi các địa chỉ làm kinh tế, kinh doanh giỏi có xuất phát điểm từ nguồn tiền và kinh nghiệm XKLĐ thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vì vậy, bên ngoài bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc, nhà cửa hoành tráng là một nền sản xuất nông - ngư nghiệp cầm chừng, thiếu tính đột phá, nếu không muốn nói là “què quặt”.

Không chỉ lãng phí về nguồn lực đầu tư, tỉnh cũng chưa tận dụng hiệu quả nguồn lực lao động hùng hậu, có sức khỏe, từng được rèn luyện qua các môi trường làm việc tiên tiến. Theo số liệu thống kê, trong 10 năm qua, Hà Tĩnh có 57.780 người đi XKLĐ và khoảng 22.000 người đã về nước hẳn, số còn lại thì về từ vài tháng đến vài năm sau để đáo hạn hợp đồng. Thế nhưng, số người XKLĐ trở về hầu như không tham gia các hoạt động sản xuất tại địa phương mà chỉ nghỉ ngơi, chờ dịp đi tiếp hoặc tiêu xài hết số tiền mình có mới tiếp tục làm việc. Hầu hết họ đều có tư tưởng phân biệt, so bì, tính toán. Từ chỗ được làm việc trong môi trường hiện đại với mức thu nhập hàng chục triệu đồng, nay môi trường còn nhiều hạn chế với mức thu nhập dăm ba triệu đồng nên họ không mặn mà. Và cũng chính suy nghĩ đó đã làm nhiều người trở nên lười nhác, chây ì, thiếu năng động.

Thay lời kết

Có thể khẳng định, hoạt động XKLĐ đang góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH, nhất là xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho một bộ phận người dân. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả XKLĐ, hạn chế rủi ro, ngăn chặn tình trạng lao động “chui”, phát huy tối đa các lợi thế, tỉnh cần xây dựng các biện pháp tích cực, đồng bộ, căn cơ và có tầm chiến lược.

Bên cạnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, các cấp, ngành tăng cường vai trò, trách nhiệm của mình, kịp thời thông tin các chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động này đến người dân. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn để giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp, phá vỡ hợp đồng, tuyển dụng và thu phí dịch vụ không đúng quy định. Các cơ sở đào tạo nghề và đơn vị làm nhiệm vụ cung ứng lao động tiếp tục nâng cao tay nghề bậc thợ, rèn luyện kỹ năng mềm, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương lao động, hướng tới tiếp cận những thị trường phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước EU.

Đặc biệt, ngoài công tác tạo việc làm tại chỗ thì cần phải có các biện pháp để khuyến khích người lao động sau khi về nước tích cực đầu tư vào sản xuất, thành lập doanh nghiệp, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast