Xuất khẩu lao động chất lượng cao - hướng đi chiến lược

(Baohatinh.vn) - Những năm qua, xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, để XKLĐ mang lại hiệu quả bền vững, các cấp, ngành và bản thân người lao động cần phải thay đổi tư duy, hướng đến mục tiêu XKLĐ chất lượng cao.

“Yếu thế” do chưa qua đào tạo

Hiện nay, Hà Tĩnh có một lực lượng hùng hậu lao động được đào tạo bài bản, hầu hết đã tốt nghiệp từ trung cấp trở lên. Tuy nhiên, lực lượng lao động chất lượng cao này lại chưa tham gia nhiều vào việc XKLĐ mà đa số đều mong muốn tìm việc làm trong các cơ quan nhà nước hoặc các cơ sở SXKD gần với gia đình dù công việc không ổn định và thu nhập thấp. Điều này dẫn đến khoảng 90% lực lượng lao động của Hà Tĩnh đi XKLĐ thời gian qua chủ yếu là lao động phổ thông.

Theo ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH), chính điều này dẫn tới việc lao động Hà Tĩnh chỉ tiếp cận được với các thị trường dễ tính, thu nhập thấp như: Malaysia, Trung Đông, Bắc Phi; đi biển Đài Loan, Hàn Quốc... và được giao những công việc đơn giản, có hàm lượng KH&CN và mức độ ứng dụng công nghệ thông tin thấp. Do đó, dẫn đến việc tích lũy kiến thức, kỹ năng của lao động trong quá trình làm việc không nhiều. Đây cũng là mấu chốt dẫn đến việc các lao động khi hết hạn hợp đồng trở về khó tìm được việc làm tại các công ty, dự án có vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh.

Xuất khẩu lao động chất lượng cao - hướng đi chiến lược ảnh 1

XKLĐ có trình độ, khi trở về nước sẽ có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các dự án có vốn FDI

“Rất nhiều lao động đi XKLĐ ở Đài Loan, Hàn Quốc trở về tham gia ứng tuyển vào làm việc ở công ty, nhưng họ chỉ làm được một số công việc phổ thông trong khi lại đòi hỏi mức thu nhập cao hơn so với các lao động khác. Vì vậy, chúng tôi không thể tuyển dụng” - một nhà tuyển dụng hoạt động tại KKT Vũng Áng chia sẻ.

Bên cạnh đó, lao động chưa qua đào tạo sẽ dẫn đến ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật và các quy định lao động tại nơi làm việc không cao, tác phong công nghiệp thấp. Đây là nguyên nhân lý giải tình trạng bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp, vi phạm pháp luật của lao động Việt Nam nói chung, lao động Hà Tĩnh nói riêng tăng cao trong những năm gần đây. Toàn tỉnh có hơn 15.000 người đang làm việc ở nước ngoài theo hình thức di cư tự do hoặc đã hết hạn hợp đồng, nhưng vẫn cư trú bất hợp pháp và làm việc ở nước ngoài; trong đó, tập trung ở các thị trường: Thái Lan, Lào, Angola, Trung Quốc, Hàn Quốc. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam đối với các đối tác ký kết đưa lao động sang làm việc.

Hướng đi chiến lược

Để có thể thay đổi cách nhìn của các nhà tuyển dụng đối với lao động Hà Tĩnh, đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác XKLĐ thì việc nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu là hướng đi chiến lược không chỉ của riêng Hà Tĩnh mà còn nhiều địa phương trong cả nước.

Ông Lê Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng: Việc đưa nguồn lao động có chất lượng đi xuất khẩu sẽ mang lại nhiều lợi ích lâu dài. Với nguồn lao động đã được đào tạo sẽ cho phép Hà Tĩnh tiếp cận các thị trường có thu nhập cao, hàm lượng KH&CN, ứng dụng công nghệ thông tin cao như: Nhật Bản, các nước châu Âu, “chương trình lao động thẻ vàng” Hàn Quốc, Úc. Từ đó, lao động tích lũy kiến thức, kỹ năng và công nghệ trong quá trình làm việc. Đây là cơ sở để các lao động khi hết hạn hợp đồng về nước có thể tìm được việc làm tại các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang được triển khai tại Hà Tĩnh, đặc biệt là KKT Vũng Áng. Ngoài ra, với trình độ và tay nghề cao, cộng với số vốn tích lũy trong quá trình làm việc ở các nước có thu nhập cao, các lao động hoàn toàn đủ khả năng để tự đầu tư, thành lập doanh nghiệp khi trở về quê hương.

Mặt khác, nhờ được đào tạo bài bản về cả chuyên môn lẫn thái độ, ý thức nên khi đưa lao động có chất lượng làm việc tại các nước thì ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, hợp đồng sẽ tốt hơn, hạn chế tình trạng bỏ trốn, vi phạm các tệ nạn xã hội như thời gian qua... góp phần tăng uy tín, thương hiệu cho lao động Việt Nam.

Hiện nay, cánh cửa xuất khẩu nguồn nhân lực chất lượng cao đang rộng mở hơn với lao động Việt Nam. Điển hình là thị trường Nhật Bản, nếu như trước đây quốc gia này chỉ tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam chủ yếu trong các ngành cơ khí, điện tử, dệt may, thì gần đây đã mở rộng ở hầu hết các ngành, nghề, từ xây dựng, cơ khí, nông nghiệp, chế biến thực phẩm đến dệt may, hộ lý...; trong đó, nhu cầu về các ngành xây dựng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm tăng mạnh. Ngoài ra, các thị trường khó tính như: Đức và các nước Đông Âu cũng đang có nhu cầu về lao động, đây là cơ hội lớn cho lao động Việt Nam nói chung và lao động Hà Tĩnh nói riêng nếu chúng ta biết thay đổi tư duy và có chiến lược phù hợp.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast