Xuất khẩu lao động đang “tuột dốc” cả về lượng và chất

Theo báo cáo của Sở LĐTB &XH Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay đã có 6.574 người trên địa bàn tỉnh(đi xuất khẩu lao động, đi làm việc ở ngoài tỉnh) bị sa thải trở về quê nhà. Trong số đó có 1.553 người đi xuất khẩu lao động phải về nước trước thời hạn.

Thực trạng buồn

Theo đánh giá của các ngành chức năng, Hà Tĩnh là một trong những điển hình của cả nước về XKLĐ. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đưa được 2.780 lao động đi xuất khẩu tại các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Malaixia, Lào, CH Séc… với các ngành nghề như may công nghiệp, giúp việc gia đình, hộ lý, cơ khí, điện tử, thuyền viên…

Người lao động tìm cơ hội tại Sàn giao dịch việc làm do Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh tổ chức

Người lao động tìm cơ hội tại Sàn giao dịch việc làm do Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh tổ chức

Tuy nhiên, đằng sau những con số khả quan về XKLĐ, Hà Tĩnh đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới.

Hiện nay, tại các vùng nông thôn trong tỉnh, nhu cầu XKLĐ đang gia tăng nhưng chưa được đáp ứng. Nguyên nhân của tình trạng này là do những lao động muốn được đi XKLĐ thiếu tiền thế chấp, đồng thời khả năng tìm kiếm thị trường XKLĐ của các doanh nghiệp trong tỉnh còn hạn chế.

Một số lao động trong tỉnh muốn liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp XKLĐ ở ngoại tỉnh để tìm kiếm cơ hội đi xuất khẩu, nhưng tâm lý không yên tâm vì thiếu thông tin và sợ bị lừa. Thực tế cho thấy nhiều lao động đã rơi vào cạm bẫy lừa đảo của các công ty cung ứng lao động. Vụ án Nguyễn Hoàng Bích Liên - giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Phú có trụ sở ở TX Hồng Lĩnh đã lừa gạt nhiều người đi XKLĐ chiếm đoạt hàng tỷ đồng đã làm cho nhiều người có nguyện vọn muốn đi xuất khẩu lao động lo lắng.

Hay mới đây, hàng chục lao động xuất khẩu sang Malaixia qua công ty Cung ứng lao động quốc tế Công đoàn Việt Nam Latucô đã tan vỡ giấc mộng đổi đời nơi đất khách phải về nước trong nợ nần chồng chất.

Những cuộc khủng hoảng kinh tế khiến hàng ngàn lao động bị thất nghiệp phải về nước cõng trên lưng cả “lãi mẹ và lãi con”. Rồi những thuyền viên bỏ trốn khỏi tàu đánh cá, phá vỡ hợp đồng lao động tại Panama… kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực cho thị trường XKLĐ vốn không mấy “an toàn” trong giai đoạn hiện nay.

Nhìn nhận một cách khách quan, công tác XKLĐ ở Hà Tĩnh trong những năm qua chỉ mới chú trọng tới việc làm sao để đưa ngày càng nhiêu lao động đi xuất khẩu, còn những vấn đề liên quan thì ít khi được quan tâm…

Cần một giải pháp đồng bộ

Từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh mới đưa được gần 3.000 lao động đi xuất khẩu. Con số này so với nhu cầu thực tế của lao động muốn đi xuất khẩu là quá ít. Muốn cải thiện tình hình, vấn đề cần quan tâm trước hết là công tác đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp cho các lao động sau khi đi xuất khẩu về.

Nhiều lao động sau khi về nước có vốn liếng nhưng không biết định hướng làm ăn, do vô công rồi nghề nhưng lại có tiền nên dễ nảy sinh tiêu cực. Sở LĐTB &XH Hà Tĩnh vừa khai trương sàn giao dịch việc làm nhằm tư vấn cho ngựời lao động có định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân đồng thời giải quyết việc làm cho người lao động, cả trong và ngoài nước.

Từ nay đến năm 2010, Hà Tĩnh xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác XKLĐ, coi đó là một trong những giải pháp để xoá đói giảm nghèo ở nông thôn. Để công tác xuất khẩu lao động đạt được hiệu quả cả về kinh tế và xã hội, cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị - xã hội.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast