Lệch chuẩn ngôn ngữ

(Baohatinh.vn) - Kho từ vựng của gen Z đang mang đến làn sóng sáng tạo mới trong ngôn ngữ, tạo dấu ấn, phong cách của người trẻ trong giao tiếp nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lệch chuẩn nếu lạm dụng.

Thời gian gần đây, nhóm chat nội bộ trên nền tảng zalo của một công ty nọ có thêm vài ba thành viên mới được tuyển dụng - họ là những bạn trẻ thuộc thế hệ gen Z (những người sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1996-2012).

Ngôn ngữ do gen Z sáng tạo khiến các thế hệ lớn tuổi hơn khó khăn trong đọc hiểu, giao tiếp. Ảnh minh họa internet.

Những tin nhắn ra mắt của các thành viên mới này vẫn là những câu chào hỏi, câu giới thiệu bản thân có kính ngữ nhưng sao các thành viên “già” trong nhóm cứ thấy có gì đó “sai sai”. Cách các bạn viết ký tự tiếng Việt, cách dùng từ lóng dường như không thật sự thuận mắt, thuận tai những đồng nghiệp lớn tuổi.

Sau một thời gian tương tác trong nhóm, trưởng nhóm đã phải nhắc nhở các bạn trẻ gen Z này hạn chế viết tắt, dùng những ký tự lạ và tiếng lóng để tất cả các thành viên khác đều dễ dàng hiểu nội dung công việc cần trao đổi từ các bạn.

Đây có lẽ cũng là tình huống không hiếm gặp trong công việc, cuộc sống hiện nay, khi mà thế hệ gen Z có quá nhiều sự sáng tạo trong việc sử dụng ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết. Nhiều giáo viên giảng dạy THCS, THPT cũng như các phụ huynh có con trong độ tuổi gen Z mà tôi quen biết chia sẻ rằng, đôi lúc không hiểu hết những gì các em nói; thậm chí giật mình với một số câu từ các em phát ngôn vì nhạy cảm, khó tiếp nhận.

Các bạn trẻ gen Z khá sáng tạo trong cách thức tạo ra ký hiệu ngôn ngữ riêng.

Những từ ngữ thông dụng trong từ điển của gen Z có thể kể đến như: “Hay ra dẻ wa à” (Hay tỏ vẻ quá à!), còn cái nịt (không còn cái gì), khum (không), luật hoa quả (luật nhân quả), chầm Zn (trầm cảm), lemỏn (chảnh), sin lũi (xin lỗi), u là trời (ôi trời ơi!), j z chòy (gì vậy trời), pít òy (biết rồi), mlem mlem (ngon, hấp dẫn), mãi keo (mãi mãi gắn bó, bền chặt), mãi mận (mãi mãi mặn mà), cpink (chồng)…

Quả thật, nếu không được một gen Z “phổ cập” hoặc nhờ “bác google” dịch hộ, một 8X như tôi khó mà hiểu hết nghĩa và cách thức các bạn trẻ tạo ra thứ ngôn ngữ riêng biệt ấy.

Là thế hệ đầu tiên lớn lên trong kỷ nguyên số, nên các bạn trẻ gen Z có thể phát huy hết khả năng, tính sáng tạo trong cách sử dụng ngôn ngữ. Đó không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là phương tiện để gen Z khẳng định dấu ấn riêng trong cộng đồng, giúp họ kết nối với nhau trong thế giới số, tạo nên một loại “ngôn ngữ” riêng.

Ngôn ngữ là phương tiện để giao tiếp nhưng cũng là "tài sản" của một quốc gia, dân tộc nên cần được giữ gìn sự trong sáng trong bất cứ môi trường sử dụng nào. Ảnh minh họa internet

Tuy nhiên, việc lạm dụng, chế từ lóng quá mức vô hình trung đã và đang làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, gây nên sự phản cảm trong giao tiếp, đặc biệt là với những người có vai vế, tuổi tác lớn hơn. Ranh giới giữa sự sáng tạo và lệch chuẩn vì thế trở nên mong manh.

Ngôn ngữ là “tài sản” của mỗi một quốc gia, mỗi dân tộc. Câu nói “Tiếng ta còn, nước ta còn” được coi như một sự khẳng định tầm quan trọng của tiếng Việt trong đời sống văn hóa, chính trị. Sự tinh tế và trong sáng của ngôn ngữ luôn cần được giữ gìn, vì thế, các bạn trẻ cần sử dụng “ngôn ngữ gen Z” một cách phù hợp, trong những bối cảnh giao tiếp phù hợp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói